Thế giới

Đặc sắc phong tục tết cổ truyền của người châu Á

ÁI THẢO 03/02/2024 10:48

Từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Mông Cổ... mỗi quốc gia đều có cách thức tổ chức tết cổ truyền (tết âm lịch) theo cách khác nhau, dù đều là lễ hội lớn nhất trong năm.

tnb-63004.jpg
Tết cổ truyền tại Trung Quốc là kỳ lễ hội lớn nhất trong năm. Ảnh: ITN

Trung Quốc, với truyền thống nông nghiệp hàng nghìn năm, việc nông dân nhìn lên mặt trăng để biết thời điểm gieo hạt và thu hoạch mùa màng là lý do để họ ăn mừng Tết Nguyên đán.

Kỳ nghỉ lễ quan trọng này rơi vào ngày trăng non thứ hai sau ngày đông chí, đánh dấu sự bắt đầu của một chu kỳ năm mới dựa trên lịch âm dương, đồng thời cũng là cách chào đón sự khởi đầu của mùa xuân.

Vào kỳ lễ hội lớn nhất này, hàng trăm triệu người Trung Quốc, bao gồm cả người đang làm việc ở nước ngoài, trở về quê hương để đón tết cùng gia đình.

Số lượng người di chuyển rất lớn, thường làm tắc nghẽn các nhà ga. Thậm chí, sự kiện này còn có biệt danh là “chūnyun” - “cuộc di cư mùa xuân”, “xuân vận” kéo dài trong 40 ngày.

Đối với người Hàn Quốc, Seollal - “năm mới” là kỳ ngày nghỉ lễ dài ba ngày. Trong thời gian này, người dân thường về quê thăm gia đình. Một số người Hàn Quốc cũng có thể chọn mặc trang phục truyền thống gọi là hanbok và chơi các trò chơi truyền thống như yutnori.

Giáp Thìn tượng trưng cho năm con Rồng. Theo quan niệm của người châu Á, rồng là con vật hư cấu duy nhất trong cung Hoàng đạo, tượng trưng cho quyền lực và sự cao thượng.

Năm con rồng thường gắn liền với sự bùng nổ trẻ em trong cộng đồng người châu Á. Việc này gắn liền tới niềm tin thuộc về tín ngưỡng, vì người dân cho rằng những người sinh vào năm này sẽ thành công.

Đây cũng có khả năng là một lời tiên tri tự ứng nghiệm, vì các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự đầu tư ngày càng tăng của cha mẹ vào những đứa trẻ sinh ra từ các năm rồng.

Thức ăn cũng có vai trò đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Trong dịp này, nhiều món ăn tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Một số món ăn Trung Quốc được chọn sử dụng cho năm mới dựa vào cách chúng được phát âm đồng âm với những từ ngữ mang ý nghĩa tích cực.

Ví dụ, cá là món bắt buộc phải có trong bàn ăn Tết Nguyên đán vì trong tiếng Quan Thoại, từ cá (yú), phát âm giống từ “thặng dư” (yú). Tương tự, cam quýt cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày lễ vì trong tiếng Quảng Đông, quýt (gam) phát âm giống từ “vàng” (gam).

Trong nhiều nền văn hóa, xôi được coi là điềm lành và một số còn là biểu tượng của sự đoàn kết. Có thể liên tưởng đến bánh chưng của Việt Nam, cũng là một loại bánh làm từ gạo nếp, được gói và bện trong lá chuối (hoặc lá dong) theo truyền thống và cả gia đình cùng nhau chuẩn bị.

Người dân ở Philippines, một quốc gia chủ yếu là Công giáo với dân số Trung Quốc đáng kể, có thể chia sẻ tikoy, một loại bánh nếp có nguồn gốc Phúc Kiến thường được chiên trong bột trứng.

Sự gắn bó còn tượng trưng cho mối quan hệ hiếu thảo và tình thân keo sơn. Ở Hàn Quốc, tteokguk, nước dùng với bánh gạo nếp được cắt thành những vòng tròn nhỏ, được phục vụ để tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng, vì bánh gạo trông giống như đồng xu.

Trong khi đó, Tết Nguyên đán của người Mông Cổ (Tsagaan Sar) rơi vào ngày 21 tháng 1, một trong những món ăn được phục vụ là tsagaalga - hỗn hợp sữa đông, cơm và nho khô.

Sữa cũng được sử dụng trong nhiều món ăn địa phương vì có màu trắng ẩn ý tượng trưng sự tẩy sạch những gì tối tăm, giống như mặt trăng trong đêm tối.

Mỗi quốc gia dù có những phong tục, tập quán cổ truyền độc đáo khác nhau, nhưng ý nghĩa lớn nhất về Tết cổ truyền, vẫn là thời điểm để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, tỏ lòng kính trọng với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cầu mong về một năm mới hạnh phúc, bình an.

ÁI THẢO