Quê hương là hành trang
Đi cả trăm cây số để về nhà. Rốt lại, những ngày hạnh phúc nhất, lại chính là ngày về giữa làng, cùng cha tuốt lá mai, cùng mẹ vun lại vườn cải vừa kịp xanh...
Chuyến tàu trông mong
Nguyễn Thúy Hằng - cô con gái Hà Tĩnh làm dâu xứ Quảng. Cậu con trai vừa 7 tuổi, thì cũng từng ấy quãng thời gian, Thúy Hằng ăn tết cùng người Quảng Nam.
Vì chồng là con một, những ngày tết chẳng thể đi xa. Cô gái theo chồng, đêm 30 nghe giọng Nghệ Tĩnh qua cuộc gọi với mẹ, mà khóc ngon lành.
Hằng nói, cái tết năm đầu tiên làm dâu, dù mẹ chồng rất tâm lý, nhưng trống vắng vẫn choáng ngợp. Nhìn đâu, nghe gì, những thời khắc thiêng liêng, đều hình dung bây giờ, ở Hương Khê quê mình, mẹ đang làm chi, chị đang nấu gì...
“Năm đầu tiên chưa có con, đêm 30 tôi cứ khắc khoải. Nhớ bóng dáng mẹ, nhớ tất cả hình ảnh của tết quê mình...” - Thúy Hằng nói.
Mỗi năm, cô con dâu xứ Quảng vẫn thường đưa con trai về quê ngoại vào các dịp hè, kỳ nghỉ lễ. Còn tết, gần như mặc định trong tiềm thức người Việt, con gái phải theo chồng, ăn tết nhà chồng.
Câu chuyện của Hằng trở thành nỗi niềm của rất nhiều người con gái lấy chồng quê xa khác. Về tết với họ trở nên xa xôi. Không chỉ vì điều kiện kinh tế, đường sá, những ràng rịt từ nếp nghĩ lâu đời đã khiến đường về nhà mẹ của phụ nữ Việt như kéo giãn ra vào những ngày tết.
Rồi bất chợt, tôi nghe như tiếng reo qua giọng kể của Thúy Hằng vào buổi chiều đầu tháng Chạp: “Tớ vừa mua được vé tàu cho hai mẹ con.
Năm nay chồng nói chia nhau về ăn tết cùng mẹ”. Bao nhiêu mô tả về tết ở làng qua lời cô dâu xứ Quảng, nghe chừng đựng đầy mong ngóng.
Khác với những chiều cuối năm đã qua, khi ký ức tết quê trở thành nỗi nhớ. Bây giờ, nó đang dần hiện rõ bằng từng ngày đếm ngược chờ chuyến tàu Nam Bắc dừng ga Tam Kỳ, đón người con dâu xứ Quảng về với quê mẹ.
Kịp mua cho mẹ mình bộ quần áo mới nhưng vẫn kịp dọn dẹp sắm sanh cho gia đình nhà chồng, kịp vui đến nôn nao đợi từng ngày về nhưng vẫn nhắc chồng đủ thứ chuyện nhà chuyện cửa.
Những chuyện kể cứ đan xen giữa ký ức và hiện tại, đủ mang đến cả sự ấm áp. Chỉ nói với nhau thôi, cũng đã nghe xôn xao như tết đến.
Ăn tết giữa lòng quê hương
Quảng Nam có khá đông người xứ khác chọn làm quê hương. Họ đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Giọng quê như chỉ dấu để nhận diện vùng đất sinh thành.
Ở xứ Quảng, sống cùng người Quảng, nếp ăn nếp nghĩ từng ngày gần hơn với người dân gốc. Nên rồi tự bao giờ, người Quảng Nam như nên mối thâm tình với hàng xóm, đồng nghiệp xứ Nghệ, xứ Thanh.
Những ngày cuối năm, nhìn họ chộn rộn hành lý chuẩn bị về quê, mới bất chợt nghĩ đến ý niệm về những người xa quê. Dẫu văn bản hành chính, dẫu mối quan hệ, họ gần như là một người Quảng. Thậm chí, như một người bạn xứ Nghệ nói, về quê, họ choáng ngợp bởi những thay đổi của xứ sở mình.
Nhưng rồi, tết, là để về với gia đình. Anh Nguyễn Công Sáng, quê Quảng Trị và làm việc tại Quảng Nam. Dù đường sá đã nối gần các vùng, nhưng mong ngóng từng ngày được về với bố mẹ, anh chị em càng trỗi lên mạnh mẽ hơn vào ngày giáp tết.
“Câu chuyện gặp mặt gia đình gợi lại như chuyện thường ngày, nhưng với một người làm ăn xa, nó thiêng liêng đến lạ. Nhất là vào những ngày giáp tết, chưa tìm được tàu xe về thì lại càng lo lắng bội phần. Nhưng bằng cách gì thì cũng phải về nhà kịp giao thừa” - anh Sáng nói.
Hình dung về không khí nấu bánh chưng trước nhà, rồi cha đi chặt cành đào cắm đợi sẵn những đứa con phương xa, mẹ soạn bữa cơm chờ con trai mình với những món ruột của quê nhà mà cả năm dễ dầu gì có được. Những điều này hệt như sợi dây kỳ diệu nối kết con người với quê mẹ, dù nơi ta ở bây giờ, cũng đã là quê hương.
Có những cuộc trở về khởi hành từ sáng mùng một. Anh Lê Ngọc Trang, quê Nghệ An, gần như từ khi làm việc tại Quảng Nam đến nay, năm nào sáng mùng một mới bắt đầu chuyến về nhà ăn tết.
Làm nhiệm vụ của một nhân viên kỹ thuật viễn thông, phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, duy trì hạ tầng viễn thông... dẫu ở thời khắc nào. Nên hầu như năm nào, đêm giao thừa anh cũng trực chốt. Giao lại ca trực đã rạng sáng ngày mùng một, lúc này những ngày tết mới bắt đầu. Cũng là những ngày tìm về với mẹ cha...
Đoạn đường dẫu dài và xa xôi, lịu địu con cái còn thơ dại, thậm chí tết chỉ còn vài ba ngày được nghỉ, thì người xa quê vẫn tính chuyện về nhà. Về quê ăn tết, thật ra là về với mẹ với cha.
“Khi còn mẹ, tết cho mỗi người cảm giác là trẻ con, bất luận bao nhiêu tuổi. Khi còn mẹ, tết là mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình mà mỗi người cần níu giữ” - tôi đọc dòng văn từ nhạc sĩ Tuấn Khanh, lòng thầm mừng vui khi biết những người bạn tha phương đang chuẩn bị về nhà với mẹ...