Tác phẩm, tác giả

Những ký ức rời về người đàn bà thơ Ý Nhi

NGUYỄN NHÃ TIÊN 04/02/2024 11:56

Hễ nghĩ về thơ Ý Nhi, người ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh “người đàn bà ngồi đan”. Một nhân vật trữ tình trong thế giới thường nhật với bao công việc, như người ta thường dùng chất liệu ấy để biểu trưng cái nếp của phụ nữ Á Đông.

tnb-62786-01.jpg
Quê nhà và hình ảnh phụ nữ thường đậm đặc trong thơ Ý Nhi (ảnh minh họa). ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

“Mỗi gay cấn mỗi xót thương/ Âm thầm vàng đá phi thường thủy chung”. Đáng lẽ ra khi viết về thơ một người thì không nên ngẫu hứng phụ họa thơ của bất kỳ ai, cho dù đó là thơ của cố thi sĩ Bùi Giáng viết tặng nhà thơ Ý Nhi. Hay gọi một cách đầy đủ hơn như sinh thời Bùi thi sĩ vẫn thường gọi “Ý Nhi nương tử”.

Nhưng, trong “Ý Nhi tuyển tập” chợt thấy khu vườn gần gũi tươi xanh như mùa xuân quê nhà. Như mẹ như chị - những tình yêu hằng cửu đã hòa tan vào vô thức trong tôi: “Giữa chiều lạnh/ Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/ Dưới chân chị/ Cuộn len như quả cầu xanh/ Đang lăn những vòng chậm rãi”.

Nhưng tôi không gọi “người đàn bà ngồi đan” theo một tiêu chuẩn thẩm mỹ nào hết. Hình tượng đó có thể trên núi cao, có thể giữa một khu vườn mùa xuân hoài cảm, hoặc ngồi mòn nhẵn trên bậu cửa mồ côi...

Một hình tượng mà tưởng chừng như nhắm mắt lại là có thể chạm một ánh nhìn quen. Tôi từng nhiều lần chuyện trò với nhà thơ Ý Nhi. Cũng chỉ là chuyện đời thường thôi, nhưng tiếng nói như rút ruột mà ra của chị nhân hậu quá.

Một câu nói vui của chị mà tôi thuộc lòng, như một định nghĩa mới về thơ: “Thơ chỉ là những mái hiên thôi”. Chả phải lý luận gì cho cao siêu huyễn hoặc. Có lẽ vì thế mà thơ chị đích thực là những “mái hiên” tiềm ẩn sự độ lượng chở che cho những tâm hồn cút côi không nơi trú ngụ.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì trên cái xứ đất lãng mạn “chưa mưa đà thấm” này, lớp nhà thơ nữ đất Quảng xuất hiện vào những tháng năm đất nước còn chia cắt, chỉ độc mỗi Ý Nhi.

Nhà thơ Ý Nhi tên thật là Hoàng Thị Ý Nhi, sinh năm 1944 tại Hội An trong một gia đình có truyền thống Nho học. Bà là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, đoạt được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

Các tác phẩm đã xuất bản về thơ: “Nỗi nhớ con đường” (in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ), NXB Văn học 1984; “Đến với dòng sông” NXB Tác phẩm mới 1978; “Cây trong phố chờ trăng” (in chung với Xuân Quỳnh) NXB Hà Nội 1981; “Người đàn bà ngồi đan” NXB Tác phẩm mới 1985; “Ngày thường” NXB Đà Nẵng 1987; “Mưa tuyết” NXB Phụ nữ 1991; “Gương mặt” NXB Trẻ 1991; “Vườn” NXB Văn học 1998; “Thơ tuyển” NXB Hội Nhà văn 2000; “Ý Nhi tuyển tập” NXB Hội Nhà văn 2011. Về truyện ngắn có tác phẩm “Có gió chuông sẽ reo” NXB Trẻ 2014.

Trước chị khá lâu có đến ba chục năm, còn có một Hằng Phương nữ sĩ. Và sau chị cũng dễ chừng phải hai mươi năm trở lại đây mới thấy một lớp nhà thơ nữ trẻ trên vùng đất này.

Nếu quan niệm rằng: “Nghệ thuật chỉ là những câu thơ, chính tâm hồn kia mới là thi sĩ”, thì có lẽ tôi đã gặp Ý Nhi thi sĩ trước khi đọc được những tập thơ của chị.

Nhưng cơ hội được gần gũi làm việc với chị Ý Nhi nhiều nhất đấy là thời gian chúng tôi được tỉnh Quảng Nam mời chung một ê-kíp để thực hiện công trình văn học khá quy mô, mang tên “Trăm năm thơ đất Quảng”. Độ khoảng vài năm thì xong công trình, sách đã được in ra và phát hành.

Còn chúng tôi đường ai nấy đi, lặng lẽ rời Quảng Nam mà cho mãi đến bây giờ tôi không còn nhớ cái ngày chia tay ấy là ngày nào. Mà chị Ý Nhi đã có thơ rồi: “Ra đi/ Như con thuyền rời bến khi ngày vừa rạng/ Sóng chạm vào doi cát lời từ biệt” (Nguyện ước).

Chẳng có ai trong đời mong muốn chia ly và cũng chẳng có ai thích thú gì với sự chia ly. Nhưng thế giới này có bao giờ kết thúc mọi chuyển dịch. Sóng có bao giờ yên, suối sông làm sao hết lở bồi.

Nơi trú ngụ thời gian chính là nơi thường trực tiếng nói hợp - tan, bồi - lở. Nếu như tiếng chuông giáo đường rung lên, là giả dụ thế thôi, để đánh thức cuộc đời thường nhật một ăn năn, khát khao về một thần khải thượng đế nào đó, thì mọi thanh âm của bể dâu khôn lường cũng chính là nỗi đau thường trú nội tại của thi sĩ.

Tiếng sóng chạm vào, vỗ vào doi cát là công việc bình thường tự nhiên, nhưng thi sĩ lại nghe ra đấy là ký hiệu thanh âm của lời từ biệt khi thế giới và trái tim gợi mở một tương quan nào đó.

Mỗi một ra đi là một lần từ biệt, sóng ấy vỗ liên hồi trên dòng sông đời người, vừa tiềm ẩn nỗi bất an; nhưng lại có thể gây thành men thành khói cho một niềm hoan lạc: “Để cỏ/ Có thể xanh tựa hồ nước mắt/ Để dấu chân người/ Im giữ niềm bí mật”.

Đọc thơ ý Nhi, dường như nơi đâu cũng thấy cái ý hướng thi sĩ khát khao đạt đến nghệ thuật mà các nhà thơ phương Tây thường gọi là nghệ thuật của sự tiềm ẩn (ký hiệu). Đấy là sự ngập ngừng giữa thanh âm và ngữ nghĩa.

Chọn lựa thủ pháp để ngôn từ tạo ra những hình ảnh của sự đa nghĩa. Sự kiệm lời trong thơ Ý Nhi là đặc trưng nổi bật một cá tính. Bằng cách ấy, tác giả tác động vào lòng người thưởng ngoạn sự hụt hẫng, để gợi mở ra trường liên tưởng hiển lộ những tinh thể của sức sáng tạo.

Bạn có thể gặp quê nhà trong ấy, tình yêu trong ấy, lòng nhân ái tràn trề trong ấy. Từ tốn, bao dung và điềm tĩnh, lúc nào tôi cũng thường bắt gặp một hình ảnh thi sĩ nơi chị, một kẻ luôn khởi đầu một ra đi, một khởi hành bất chấp tuổi tác đã hoàng hôn: “Đã muộn rồi ánh nhìn/ Đã muộn rồi lời yêu/ Đã muộn rồi bước chân/ ...Ai còn gọi chi lạc giọng giữa chiều”.

NGUYỄN NHÃ TIÊN