Gốm Việt ở Mỹ
Gốm Việt không chỉ xuất hiện ở các bảo tàng tại Mỹ, mà còn được nhiều nhà sưu tập gốc Việt bỏ công tìm kiếm, sở hữu, góp phần quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
Năm 1994, ngư dân Duy Xuyên và Hội An tình cờ phát hiện xác một con tàu bị đắm, chở rất nhiều đồ gốm, trong vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Phát hiện này dẫn đến một cuộc khai quật khảo cổ học kéo dài gần 4 năm (1997 - 2000), do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chủ trì.
Kết quả khai quật đã đưa hơn 340 nghìn hiện vật lên khỏi mặt nước, được các nhà khảo cổ học xác nhận thuộc dòng gốm Chu Đậu từ Hải Dương, niên đại vào khoảng thế kỷ 14 - 16, đang trên đường “xuất ngoại” thì tàu bị đắm do một vụ hỏa hoạn. Từ sự kiện này, cái tên Chu Đậu được hồi sinh và “phát tán” khắp thế giới.
Tháng 10/2000, hãng đấu giá Butterfields tổ chức 2 phiên bán đấu giá những đồ gốm Chu Đậu khai quật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm, mà họ gọi là Hoi An Hoard (kho báu Hội An) ở San Francisco và Los Angeles (California, Mỹ).
Hai cuộc đấu giá này đã thu về gần 3 triệu USD tiền bán gốm cổ. Nhiều bảo tàng và nhà sưu tầm cổ vật ở Mỹ đã tham gia hai cuộc đấu giá này và rinh về nhiều món đồ gốm Chu Đậu rất đáng giá. Có lẽ, đây là thời điểm gốm Việt được giới sưu tầm cổ ngoạn và công chúng Mỹ biết tới nhiều nhất.
Gốm Việt trong các bảo tàng ở Mỹ
Trong tập khảo cứu “The Masterpiese of Vietnamese Antiquities in the Museum of Fine Art, Boston” (Những tuyệt tác cổ vật Việt Nam ở Bảo tàng Mỹ thuật, Boston), nhà nghiên cứu Philippe Truong cho biết: Từ năm 2003 đến năm 2008, ông được Museum of Fine Arts ở Boston mời sang Mỹ giám định những đồ gốm sứ Việt Nam mà bảo tàng này sưu tầm từ những thập niên 1980 - 1990.
Philippe Truong đã chụp ảnh, giám định và giới thiệu trong tập khảo cứu những món đồ gốm Lý - Trần rất đặc sắc. Trong số đó, có chiếc thạp hoa nâu cỡ lớn (đã bị vỡ mất một phần) vẽ hình hai võ sĩ cầm kiếm và khiên đấu, xứng đáng xếp vào hàng “quốc bảo” của dòng gốm hoa nâu thời Trần.
Bảo tàng này còn có những tượng voi gốm hoa lam, thuộc dòng “đồ bờ” (không phải là đồ gốm vớt từ dưới biển, thường được giới sưu tầm gốm cổ gọi là “đồ biển”) rất toàn bích, cả dáng kiểu lẫn men màu.
Thực ra, không phải đợi đến khi Butterfields bán đấu giá mấy trăm ngàn món đồ gốm Chu Đậu ở California thì gốm Việt mới hiện diện ở Mỹ. Theo cuốn sách “Vietnamese Ceramics - A Separate Tradition” (Gốm sứ Việt Nam - Một truyền thống riêng biệt), do John Stevenson và John Guy chủ biên (Art Media Resource xuất bản năm 1997), gốm Việt đã hiện diện trong nhiều bảo tàng ở Mỹ từ rất lâu.
Các bảo tàng: Metropolitan Museum of Art (New York), Museum of Fine Arts (Boston, Massachusetts), Birmingham Art Museum (Alabama), Asian Art Museum of San Francisco (California), Denver Museum of Art (Colorado), Seattle Art Museum (Washington)… đã trưng bày đồ gốm Việt Nam, chủ yếu là gốm hoa nâu thời Lý - Trần và gốm hoa lam thời Lê trước khi có hai phiên đấu giá trên.
Trong gần 9 năm học tập và làm việc ở Mỹ, tôi đã viếng thăm nhiều bảo tàng danh tiếng, từ bờ Đông sang bờ Tây, có trưng bày đồ gốm Việt Nam, phần lớn là gốm Chu Đậu, được sưu tầm từ trước khi Butterfields mở bán đấu giá Hoi An Hoard.
Do đây không phải là đồ vớt biển nên men màu của những đồ gốm này rất hoàn hảo, cốt đất chắc và nặng, giá trị nghệ thuật (và giá trị kinh tế) thì khỏi bàn, vì cao ngất ngưỡng.
Tại Metropolitan Museum of Art (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan) ở New York có chiếc đĩa gốm đường kính hơn 40cm, vẽ con voi quỳ bằng men chàm và chiếc mai bình (meiping) vẽ hoa lá cúc và mẫu đơn… đều được coi là tuyệt phẩm.
Yale University Art Gallery - một trong hai bảo tàng của đại học danh tiếng này có một bộ cổ vật Việt Nam cực hiếm, với nhiều hiện vật Đông Sơn, tượng Champa đặc sắc, trong đó có chiếc đĩa gốm Chu Đậu vẽ men lam và men lục, đề tài tam sơn rất độc đáo, cùng bộ sưu tập gồm bình tỳ bà, bát chân cao, thủy trì… bằng gốm hoa lam.
Tại Cincinnati Art Museum (Bảo tàng nghệ thuật Cincinnati) ở tiểu bang Ohio có sưu tập gốm Việt khoảng 15 hiện vật trưng bày trong sảnh Nghệ thuật Á châu.
Trong đó, có một bình kendi vẽ kỳ lân bằng men tam thái, niên đại vào cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 16, được chú thích: “this masterpiece is very rare” (tuyệt phẩm này là rất hiếm).
Tại Freer Gallery of Arts (Phòng trưng bày nghệ thuật Freer) thuộc hệ thống Smithsonian Museum (Bảo tàng Smithsonian) ở Washington D.C. cũng có những trân phẩm gốm Việt, niên đại từ thế kỷ 16 - 17, cực kỳ hoàn hảo mà tôi chưa hề thấy trong các bảo tàng ở Việt Nam.
Gốm Việt trong các sưu tập tư nhân
Gốm sứ Việt Nam không chỉ có trong các bảo tàng lớn ở Mỹ, mà nhiều sưu tập gia ở Mỹ cũng rất chịu khó sưu tầm gốm sứ Việt Nam. Điển hình là sưu tập đồ sứ ký kiểu của cố giáo sư Huỳnh Sanh Thông, người từng giảng dạy văn học Việt Nam ở Đại học Yale từ những năm 1960; hay sưu tập gốm hoa lam thời Lê của nhà sưu tầm bản đồ Trần Thắng ở tiểu bang Connecticut, đều là những bộ sưu tập rất đáng giá.
Ở Orange County (Nam California) có các nhà sưu tầm như Chẩn Kiều (Santa Ana), Hổ Nguyễn (Gardern Grove), Bùi Minh Đức (Huntington Beach)… là những người đam mê cổ vật Việt Nam.
Trong đó, đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh - Nguyễn và gốm Chu Đậu là những món được họ quan tâm sưu tầm từ hàng chục năm trước, hình thành nên những sưu tập đồ sộ, gồm các dòng ngự dụng, quan dụng, dân dụng, đầy đủ hiệu đề và dáng kiểu.
Họ đã tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc, đi đi về về Việt Nam biết bao lần và tham gia nhiều cuộc bán đấu giá cổ vật Việt Nam ở Mỹ, Pháp, Indonesia, Thái Lan… để sưu tầm cho bằng được những món đồ ưng ý.
Trong khi ở trong nước cổ vật liên tục thất thoát hoặc ẩn dật đâu đó, thì những người Việt Nam ở hải ngoại sưu tầm được nhiều cổ vật quý hiếm, trong đó có gốm sứ, tạo thành các bộ sưu tập đáng giá, mở các gallery để trưng bày cho công chúng thưởng lãm, cũng là một cách giữ gìn và quảng bá văn hóa và cổ vật Việt Nam rất đáng trân trọng.