Hồi nguyên tinh chất
“Đọc và cảm” là tập phê bình văn học của Nguyễn Mậu Hùng Kiệt tập hợp những bài viết của anh trong thời gian khá dài, từ các tác giả quen thuộc của văn đàn Việt: Khương Hữu Dụng và Võ Quảng, đến những cây bút Quảng Nam đương đại.
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt rất giỏi khi nhận ra “thần thái’ của các tác phẩm ẩn sau những dòng chữ của từng tác giả được chọn lọc để giới thiệu trong “Đọc và cảm” NXB Đà Nẵng - 2023.
Một Khương Hữu Dụng: “Để đến được với thế giới của trẻ thơ, ông hóa thân thành con trẻ để có cách nhìn, cách cảm, cách hiểu của những tâm hồn non trẻ về thế giới vạn vật - cái thế giới đầy bí ẩn và quyến rũ. Độ sáng tâm hồn ông đã rọi chiếu trong từng con chữ làm sáng lên những xúc cảm thẩm mỹ” qua tập “Bi bô”.
Một Võ Quảng, vốn rất quen thuộc của: “Cốc! Cốc! Cốc!/ Ai gọi đó?...”, với Nguyễn Mậu Hùng Kiệt có một Võ Quảng “Trân trọng và yêu thương con trẻ, nhà thơ trao gửi tình cảm của mình lên từng con chữ, từng chi tiết, từng hình ảnh... làm nên cái độ sáng của lời thơ, ý thơ... Thơ ông di dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng cảm xúc và chắp cánh cho những tưởng tượng tuổi thơ”.
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt rất giỏi “đọc vị” tác giả. Một khái quát khá đầy đủ cho “Mộng du giữa ngày” (tập truyện ngắn của Tiêu Đình): “Nếu ta hình dung “truyện ngắn là bức phù điêu ảo ảnh, là một khối vờn điêu khắc đa sắc về hiện thực” thì mười chín truyện ngắn trong “Mộng du giữa ngày” đã làm nên “khối vờn” lấp lánh sắc màu hiện thực được anh chạm khắc thành những hình tượng nghệ thuật giúp người đọc phần nào nhận ra những mảng sáng tối của thế giới đa chiều…
Ở Nguyễn Đức Dũng, một giọng thơ rất riêng, khó lẫn, bộc lộ ra hết trong “Khúc hát lưu dân”, một “khúc hát”, dưới mắt Nguyễn Mậu Hùng Kiệt: “Đây là khúc hát của cuộc riêng với những khổ lụy, mê đắm, những nguyện ước yêu thương của cuộc tồn sinh đến cuộc chung với những suy tư, trăn trở của một công dân trước câu chuyện lịch sử dân tộc”. Một giọng thơ hào sảng mang đậm chất Quảng Nam.
“Với Khúc hát lưu dân, Nguyễn Đức Dũng vẫn giữ được một giọng quê rặt Quảng Nam, chơn chất, thiệt thà; vẫn nắm níu, giữ lấy và ngợi ca vẻ đẹp của một thời đã thành quá vãng… Nguyễn Đức Dũng còn có thêm “Áo giấy cho sông” được chưng cất từ những nỗi niềm quê kiểng dâng tặng quê nhà: “Một đời áo giấy đốt cho sông/ Đem hồn hoa cỏ này xin chuộc/ Một tiếng chèo khuya, khuấy giữa dòng”…
Với Phan Chín: “…Chọn tản văn, một thể loại có hình thức đa dạng, đề tài rộng rãi, phong phú, không bị sự hạn chế của thời gian và không gian, Phan Chín đã làm nên một “Vĩ thanh hoa” ngọt ngào và sâu lắng”.
Về thơ Phan Chín, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt có những nhận xét đầy thuyết phục: “Phan Chín làm thơ lục bát khá chắc tay. Tôi có cảm giác anh viết với cảm xúc tự nhiên không bị trói buột nhiều bởi niêm luật. Nhiều bài mới trong cách tổ chức, cấu tứ; vắt dòng đã tăng được hiệu quả thẩm mỹ”.
Về thơ lục bát còn có Nguyễn Tấn Sĩ với nhiều sự “tung tẩy” trong nhiều bài thơ. Ở Nguyễn Tấn Sĩ: “Một cái “tôi” trắc ẩn là điều tôi cảm nhận được từ tập thơ “Màu rêu lục bát”.
Với Trương Vũ Thiên An: “Anh chủ tâm hướng về mạch ngầm của đời sống. Đó là cuộc người với vui buồn sướng khổ; với niềm đam mê và cả nỗi cô đơn.
Và để mạch ngầm đó trở thành một dòng chảy xuyên suốt trong những trang truyện của mình, anh sử dụng lối tự sự không theo trật tự thời gian, không gian mà theo biến tấu của cảm xúc hoặc nghiên về triết luận…
Trong “Đọc và cảm”, bạn đọc còn bắt gặp những nhận xét tinh tế của Nguyễn Mậu Hùng Kiệt về tác phẩm của Nguyễn Tấn Ái, Nguyễn Chiến, Nguyễn Tam Phù Sa, Nguyễn Bá Hòa, Huỳnh Ngọc Sáu, Nguyễn Tấn Cả, Cẩm Giang, Hải Điểu, Đinh Đức Dược...
Có vẻ như qua “sự đọc” của Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, những tinh chất đã được “hồi nguyên” với nhiều giá trị được chắt lọc, góp phần bộc lộ thế mạnh trong tác phẩm của từng tác giả.