Biển đảo Đông Bắc mùa xuân về - Bài 2: Giữ biển ngày xuân
(QNO) - Một mùa xuân mới lại về nơi biển đảo Đông Bắc Tổ quốc. Có lẽ cảm nhận rõ nhất những thay đổi tươi mới của đất trời là những chiến sĩ Trạm Ra đa 485 (Trung đoàn 115, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân) đóng chân nơi tam giác Bản Sen, Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh).
Đặc thù của Trạm Ra đa 485 là đứng chân ở nơi cao nhất để những đôi “mắt thần” có thể vươn xa, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhiệm vụ của ra đa là quan sát các loại tàu bè, phương tiện bay trong phạm vi đảm nhiệm, phát hiện các mục tiêu, báo cáo về sở chỉ huy, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc không để bị động, bất ngờ, sót lọt mục tiêu.
Gian nan đường đi
Trụ sở của Trạm Ra đa 485 đóng chân ở chân núi thuộc đảo Trà Bản (xã Bản Sen) nhưng trận địa thực chiến đặt ở nơi cao 485m so với mực nước biển. Từ chân núi đi đến nơi đặt các cánh sóng ra đa giữ biển là chặng đường 8km dốc đồi, nhiều chỗ dựng đứng.
Từ quân cảng Lữ đoàn 170 Vùng 1 Hải quân chúng tôi đi tàu đến Trà Bản mất hơn 2 giờ đồng hồ. Và cũng chừng ấy thời gian để từ chân núi Trà Bản đến nơi đặt ra đa.
Từ năm 1997 đến nay, các chiến sĩ của Trạm Ra đa 485 kiên trì mang đá, xi măng, cát để xây 1.225 bậc dốc dẫn lên nơi đặt cánh sóng ra đa. Để quên nhọc nhằn leo dốc nhiều đoạn đá lởm chởm, các chiến sĩ đặt tên núi nơi đặt ra đa là… Nàng Tiên.
Bắt đầu hành trình leo núi trong giá lạnh 6 độ C, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân phát cho mỗi người 1 chiếc gậy trúc và lời nhắn nhủ không mang theo vật nặng trên người.
Trong đoàn của chúng tôi, có một số chiến sĩ được giao nhiệm vụ mang nước uống trên vai. Các anh khỏe đến mức trong ba lô đựng nước có thêm lỉnh kỉnh những đồ vật của người trong đoàn nhờ mang hộ cho đỡ nặng.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Vùng 1 Hải quân chia sẻ, Vùng 1 Hải quân quản lý 8 trạm ra đa phân tán từ đảo Trần - Quảng Ninh đến núi Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh. Trong đó, có 4 trạm ngoài đảo, 4 trạm ở đất liền.
Các trạm có nhiệm vụ tổ chức hệ thống ra đa quan sát 24/24 giờ, kịp thời phát hiện các mục tiêu trên biển trong tầm quan sát và báo cáo về sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân để xử lý nếu có tình huống xảy ra. Riêng Trạm Ra đa 485 được đặt ở vị trí cao nhất cho thoáng tầm nhìn và bao quát rộng.
Hành trình vượt núi đến với “mắt thần” canh biển, nhiều người đã thấm mệt ngay khi mới bước qua nhiều đoạn dốc ngắn. Càng đi dốc càng cao hơn, từng bước chân như nặng trĩu, nhiều đoạn phải bám rễ cây để leo.
Tôi ngước mắt lên, con đường nhỏ với đá hộc thẳng dốc liền cúi xuống chân mình, bước từng bước chắc chắn vì chỉ sơ sẩy là sẽ trượt chân, thậm chí có thể lăn xuống vực thẳm.
Một chị phóng viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam cứ khoảng 15 phút lại hỏi người đi cùng: “Khi nào mới đến? Đoạn dốc gấp quá, không khéo ngồi nghỉ lâu, mình bị đoàn bỏ lại thì nguy”. Thế rồi, dốc cuối cùng để bước lên nơi đặt cánh sóng ra đa cũng hiện ra.
Tết của chiến sĩ ra đa
Người đầu tiên bắt chuyện với tôi nơi đỉnh núi đặt cánh sóng ra đa là Thượng úy Nguyễn Công Ân - Phó Trạm trưởng Trạm Ra đa 485. Tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2017, anh được nhận công tác ở Tiểu đoàn 151.
Đầu năm 2018, anh được Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân điều ra công tác tại đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh). Từ tháng 4/2018 đến nay, anh công tác ở Trạm Ra đa 485. Anh chia sẻ quê hương ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) nên rất hiếm khi được dịp về thăm. Anh Ân đã lập gia đình là người ở xã đảo Bản Sen và hiện nay có 2 con.
Thượng úy Ân cho biết, phạm vi quan sát mục tiêu của Trạm Ra đa 485 khá cao, lên đến 10km và chiều dài bao quát 8 hải lý. Ở Trạm Ra đa 485 năm nào cũng đón tết sớm để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ 24/24.
Tết ở Trạm Ra đa 485 khá đơn giản, gồm khu phòng trưng ảnh thờ Bác Hồ, có hoa đào, bánh chưng, kẹo, mứt... Nếu tết ở Trạm Ra đa 485 có gì đặc biệt thì đó là những câu đối do chính các chiến sĩ ứng tác.
Đón tết ở trận địa Ra đa 485, có người đã 20 năm, có người chỉ mới 1 năm nhưng rất gắn bó. Đại úy Phạm Quang Định - Trạm trưởng Trạm Ra đa 485 cho biết, dịp tết năm nay, đơn vị tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại chỗ cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ đảm bảo chủ động trong mọi tình huống.
Ở Trạm Ra đa 485, đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Năm 2009, Trạm Ra đa 485 tiến hành gùi từng viên gạch, từng cân xi măng và cát lên nơi đặt cánh sóng ra đa xây 2 bể chứa nước.
Nước ở bể chứa chỉ dùng để nấu ăn, làm nước uống. Vào mùa hè, mỗi lần tắm các chiến sĩ phải đi xa hơn 1km xuống khe nước. Mùa đông nơi đây vất vả hơn vì phải lấy nước ở khe suối, đun nóng, tắm ngay ở đó.
Trong mưa xuân lất phất bay, từ đỉnh cao 485m nhìn ra vùng Quan Lạn, Minh Châu trông thật đẹp. Các chiến sĩ Trạm Ra đa 485 cho biết, ở đỉnh núi cao, sương mờ, thời tiết ẩm ướt rất dễ khiến cho khí tài, máy móc, thiết bị ra đa hỏng hóc.
Thượng úy Phạm Văn Định nói, vị trí đóng quân đã khiến việc đảm bảo hậu cần, kỹ thuật của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Vận chuyển máy móc, khí tài cùng phương tiện thay thế khi hỏng hóc cũng tốn rất nhiều công sức của bộ đội.
Bên cạnh đó, cái ăn cái mặc của bộ đội ra đa cũng không thể tươm tất như các đơn vị ở dưới thấp. Thế nhưng các chiến sĩ đều nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì bình yên của biển trời Tổ quốc.
“Ngày thường các chiến sĩ canh trực phải rất nghiêm túc, ngày tết càng phải nghiêm hơn, tập trung cao độ, làm việc với cường độ cao hơn để bám, bắt chính xác mục tiêu, giữ yên bình cho nhân dân vui xuân”.
(Chuẩn đô đốc Vũ Văn Nam căn dặn khi đi kiểm tra trực sẵn sàng chiến đấu ở Trạm Ra đa 485)
Bài cuối: Vững vàng nơi biển đảo tiền tiêu