Nhớ mùa hoa cộng sản
Cách đây chừng 25 năm trở về trước, chúng tôi - những đứa trẻ vùng cao gần như không biết gì về lịch. Từ kinh nghiệm truyền miệng, qua các mùa lũ, khi nhìn thấy những bụi cây cộng sản bắt đầu trổ bông, là biết mùa ăn tết sắp về.

Lúc nhỏ, tôi từng đắm mình nhìn ngắm những chùm hoa cộng sản trắng xóa cả một vùng biên. Ký ức đó, theo tôi cho đến tận bây giờ.
Ngày ấy, khi nhìn thấy những bông hoa cộng sản bung nở trong ánh nắng dịu nhẹ đầu xuân là bọn trẻ miền núi chúng tôi biết tết đang đến rất gần. Hoa cộng sản thường nở vào khoảng tháng 12 âm lịch. Loài cây thân bụi, thời gian hoa nở và tàn chừng một tháng.
Giữa tiết trời hanh hao dịu nhẹ, những cánh xinh tươi bung nở, một màu trắng xóa hiện lên khắp vạt đồi. Bọn trẻ chúng tôi thường tranh thủ hái những bông hoa để chơi, để rồi cứ bám rễ miền ký ức sâu thẳm ở núi.
Cây cộng sản có tên gọi khác là cây bớp bớp, được các nhà thực vật học ghi nhận tại Việt Nam vào những năm 1930. Theo các già làng vùng cao, do xuất hiện cùng lúc với phong trào cộng sản nên được gọi là cây cộng sản.
Tuổi thơ, có những lúc ham chơi, chạy trượt chân ngã. Lá cộng sản như một bài thuốc chữa trị vết thương khá hữu hiệu. Những vết cứa trên cơ thể, sau thời gian đắp lá cộng sản đã vò nát, cầm máu rất nhanh. Bài thuốc truyền miệng này, chúng tôi học từ những người đi trước.
Hoa nở, nghĩa là tết sắp về.
Còn nhớ vài ngày trước tết, đàn ông và thanh niên khỏe mạnh trong làng được phân công đi tìm những thân cây tre to dài và chắc chắn để dùng làm trụ cờ dựng ngay trước làng.
Người Ve thường có nghi thức sinh hoạt chào cờ vào ngày đầu năm mới. Phụ nữ thường chuẩn bị những bình rượu cần ngon nhất, cùng gói bánh sừng trâu, chế biến các món ẩm thực truyền thống để chiêu đãi tiệc làng, mừng tết.
Lễ chào cờ kết thúc, nhịp chiêng và điệu đinh tút rộn ràng hòa cùng vũ điệu rê rê của phụ nữ người Ve đầy mê hoặc. Tết là dịp hiếm hoi để mẹ tôi cũng như bao phụ nữ khác trong làng được nghỉ ngơi, mặc những trang phục đẹp nhất. Họ cùng nhau vui hát những làn điệu dân ca, múa đều theo nhịp trống đầy ấn tượng.
Có lần, tôi chứng kiến mẹ hát bài “Cô gái Pa Cô” trong sự cổ vũ của dân làng. Hình như, đó là lần hiếm hoi tôi thấy mẹ tôi hát trước cộng đồng. Vài ngày trước, tôi tình cờ nhìn thấy một người bạn ở quê núi chụp những bông hoa cộng sản đăng trên Facebook. Một mùa hoa cộng sản nữa đang nở hoa. Bóng mẹ, tết và ký ức tuổi thơ lại ùa về…