Hành trình vì "lá phổi" xanh
Nhiều năm qua, từ người chế tác các sản phẩm mỹ nghệ gỗ huỳnh đàn, tỷ phú sâm Ngọc Linh
Nhiều năm qua, từ người chế tác các sản phẩm mỹ nghệ gỗ huỳnh đàn, tỷ phú sâm Ngọc Linh hay cộng đồng làng xã, doanh nghiệp đều có ý thức tạ ơn rừng. Họ trồng lại cây trên mảnh đất đã khai thác, họ tạo sinh thái cho môi trường rừng với mong muốn nương tựa để phát triển bền vững.
Năm 2005, trào lưu săn tìm gỗ huỳnh đàn (sưa đỏ) bùng phát, thương lái từ các tỉnh thành phía Bắc vào thu mua với giá cao, anh Nguyễn Trần Tuấn (SN 1987, xã Trà Mai, Nam Trà My) cùng người dân địa phương cũng đổ xô khai thác loại gỗ này vì rất được giá. Đến năm 2008, Sách đỏ Việt Nam công bố và bổ sung cây huỳnh đàn vào danh mục gỗ nhóm I, cần được bảo vệ.
Anh Tuấn chuyển hướng, không kinh doanh gỗ nguyên liệu nữa mà thu mua các gốc huỳnh đàn đã mục, còn sót lại của những năm trước để chế tác các sản phẩm có kích thước nhỏ như vòng tay phong thủy, tượng phật...
Tuy nhiên, việc thu mua các gốc huỳnh đàn mục trong các rẫy của người dân cũng sẽ có lúc ít dần. Trong khi việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phong thủy của anh Tuấn ngày càng khởi sắc, anh đã quyết định tìm lại cây huỳnh đàn gốc ở khu vực xã Trà Cang ngày trước để nhân giống.
Tuấn liên kết với 1 vườn ươm ở Tiên Phước thành công cho ra giống huỳnh đàn F1 với sản lượng mỗi lứa hơn 5.000 cây với giá bán ra thị trường 50 nghìn đồng/cây con.
Năm 2022, anh Tuấn trao khoảng 1.000 cây huỳnh đàn giống cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở xã Trà Cang. Năm 2023, tại thôn 3 (xã Trà Mai), anh tiếp tục trao 1.500 cây. Ngoài ra, mỗi lần đi khảo sát vùng nguyên liệu, nơi nào phù hợp anh đều trao cây giống cho người dân địa phương trồng. Tính đến nay, anh Tuấn đã trao gần 5.000 cây huỳnh đàn giống cho bà con vùng cao Nam Trà My.
Từ đây, mỗi khi thu mua huỳnh đàn trong vườn nhà dân, cứ thu mua 1 cây, sau khi thanh toán đầy đủ, anh còn tặng thêm từ 5 cây huỳnh đàn giống cho hộ dân đó tiếp tục trồng. Anh Tuấn đã làm việc này từ nhiều năm nay, nhờ vậy mà cây huỳnh đàn trong các vườn dân đều được gối đầu, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho anh.
Ngoài việc hỗ trợ cây giống cho các hộ dân mà anh thu mua huỳnh đàn, anh còn phối hợp với Ban nhân dân các thôn trên địa bàn các xã thuộc huyện Nam Trà My, tổ chức trao tặng cây giống sinh kế cho người dân.
Những năm gần đây, Trà Linh từ một xã khó khăn nhất của huyện Nam Trà My đã trở thành trung tâm sâm Ngọc Linh, mang về cuộc sống khấm khá cho người dân. Đồng bào Xê Đăng sống ở đây có tập quán du canh, phát nương rẫy để trồng ngô, lúa nên nhiều năm liền, diện tích rừng già bị thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên, khi tham gia trồng sâm Ngọc Linh, bà con Xê Đăng ý thức được tầm quan trọng của những cánh rừng già. Bởi cây sâm sống phụ thuộc vào tán rừng, nơi có độ che phủ trên 80%, nhiệt độ không quá 200C. Hơn nữa, mùn lá, rễ cây từ rừng già cũng là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho cây sâm. Vì vậy, thay vì du canh, di chuyển hết nơi này đến nơi khác để phát rừng làm nương rẫy, bây giờ, đồng bào Xê Đăng ở Trà Linh quyết tâm giữ rừng và phục hồi những cánh rừng đã mất.
Ông Hồ Văn Du - người có thâm niên trồng sâm Ngọc Linh ở Trà Linh hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của rừng đối với loại dược liệu quý giá này. Chính ông đã tiên phong trồng cây bản địa trên 3ha đất rẫy cận vườn sâm của mình với mong muốn phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên. Đến nay, các loại cây ông trồng đã sinh trưởng và phát triển tốt, có cây đã cao lớn, độ che phủ tốt và tăng dinh dưỡng cho lớp đất mùn.
Một trong những người được hưởng lợi từ cây sâm Ngọc Linh cũng tiên phong trồng rừng là ông Nguyễn Văn Lượng. Năm 2016, ông mua hơn 5ha đất rẫy của dân làng nằm ngoài rìa vườn sâm để trồng các loại cây bản địa và cây thông. Đến nay, đồi thông của ông Lượng đã có gần 80 nghìn gốc trong độ tuổi trưởng thành, chiều cao trung bình khoảng 5m và đường kính hơn 20cm.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Lượng, thôn 2, xã Trà Linh nói về tầm quan trọng của việc trồng rừng:
Hơn nữa, xung quanh diện tích rừng của ông Lượng, mỗi năm, ông trồng từ 1.000 - 2.000 cây bản địa các loại. Các giống cây được ông chọn trồng phải phù hợp với sâm, tán lá rộng, nhiều có thể giữ được độ ẩm tốt.
Ở thời điểm mà rừng và đất trở thành nguồn lợi lớn, không biết bao nhiêu khu vực đã bị đồi trọc hóa. Thế nhưng, có một khu vực, ngay giữa làng, bên cạnh dòng Thu Bồn hàng thế kỷ qua vẫn được người dân gìn giữ. Khu rừng Cấm (làng Đại Bình, thị trấn Trung Phước, Nông Sơn) như lá phổi xanh của làng được người dân xem như vùng bất khả xâm phạm.
Dù là trưởng thôn Đại Bình mấy năm nay, nhưng số lần ông Nguyễn Nở đặt chân tới rừng Cấm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ khi trong làng có tang, từ tờ mờ sáng, người dân mới phải đi ngang qua rừng để đến khu nghĩa trang.
Theo ông Nở, rừng cấm có diện tích khoảng 11,5ha, rừng gần như nguyên sinh, cây lớn cây nhỏ đan xen với nhau nên rất ít lối đi. Người dân không biết cây lớn nhất trong rừng Cấm là bao nhiêu tuổi, chỉ biết qua mấy đời nay, rừng vẫn thế, sừng sững bảo vệ dân làng qua nhiều trận bão lớn.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Nở - Trưởng thôn Đại Bình chia sẻ về việc bảo vệ rừng Cấm:
Nhận ơn của rừng nên từ xưa tới nay, dù không treo bảng, lập quy định, người làng Đại Bình, từ trẻ tới già đều chung tay bảo vệ khu rừng như gìn giữ sự mất còn của làng, của chính bản thân họ.
Tại hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch Đại Bình do huyện Nông Sơn tổ chức cách đây vài năm, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh việc phát huy tiềm năng thảm thực vật tại làng Đại Bình, đặc biệt là rừng Cấm. Trong đó, cần xác định số lượng các loại cây quý hiếm có trong rừng, quá trình sinh trưởng và dự đoán sự phát triển trong thời gian tới để có kế hoạch mở rộng hệ sinh thái rừng.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn có thời gian dài gắn bó với làng Đại Bình khi còn là Chủ tịch UBND thị trấn Trung Phước. Ông luôn ghi nhận, đánh giá cao việc gìn giữ rừng Cấm của người dân địa phương, xem đây là một hương ước có giá trị nhất của làng.
Những năm qua, công tác trồng rừng thay thế từ các công trình thuỷ điện, khai thác khoáng sản - du lịch, công trình công ích và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam ủy thác luôn được Quảng Nam chú trọng thực hiện nghiêm túc. Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích trồng rừng thay thế đã thực hiện là gần 2.600ha, chiếm 97,3% so với kế hoạch đề ra.
Thực hiện: PHAN VINH
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN