Xanh hóa ngành công nghiệp
Hạ tầng công nghiệp phục vụ đa mục tiêu, cùng với chiến lược thu hút dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, Quảng Nam đang có những bước tiến đáng kể trên hành trình xây dựng các khu công nghiệp (KCN) sinh thái.
(QNO) - Hạ tầng công nghiệp phục vụ đa mục tiêu, cùng với chiến lược thu hút dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, Quảng Nam đang có những bước tiến đáng kể trên hành trình xây dựng các khu công nghiệp (KCN) sinh thái. Qua đó, hướng đến nền công nghiệp bền vững, góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ấn tượng đầu tiên của bất kỳ vị khách nào khi đến với Công ty OCC Vina (KCN Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) chắc hẳn là cách bố trí các không gian xanh. Cây xanh được trồng dọc theo khu vực sản xuất và bố trí theo các lối đi, phòng làm việc trong khu hành chính. Một khu vực giải trí với nhiều loại hoa, cây cảnh, hồ cá, chòi nghỉ chân và các tiểu cảnh nổi bật giữa khuôn viên công ty. Phía cửa chính của các nhà máy đều có điểm phân loại rác thải sinh hoạt để công nhân tự giác thực hiện.
Ông Jung Yong Sik - Giám đốc Công ty OCC Vina cho biết, công ty có hơn 300 khách hàng ở 60 quốc gia trên thế giới và họ đều ưu tiên tiêu chí xanh khi chọn lựa đối tác cung cấp linh kiện ngành xây dựng, sản xuất ô tô. Để đáp ứng điều kiện này, đầu tiên công ty đầu tư cho hạ tầng xanh và nề nếp làm việc xanh. Cụ thể là xây dựng không gian xanh - sạch - đẹp - an toàn; tập trung hoạt động phân loại rác thải tại nguồn; áp dụng phương pháp tuần hoàn nước, tái chế sản phẩm để tiết kiệm tài nguyên.
Đáng chú ý, công ty chọn ngày thứ 7 trong tuần để thực hiện hoạt động “clean day” (ngày sạch sẽ). Vào ngày này, tất cả công nhân viên sẽ cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường trong công ty, chăm sóc cây xanh…
[VIDEO] - Ông Jung Yong Sik, Giám đốc Công ty OCC Vina chia sẻ về chiến lược xanh của công ty:
Với Công ty TNHH Ducksan Vina (KCN Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), việc giải thành công bài toán bảo vệ môi trường trong xử lý nước nhộm vải là bước tiến quan trọng trên hành trình theo đuổi chiến lược bền vững. Những năm qua, công ty này đã vận hành quy trình tái chế nước nhuộm vải, phục vụ hiệu quả quá trình sản xuất. Theo thống kê, khoảng 50% lượng nước đã công ty đã được tái chế, sử dụng lại.
Để nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, công ty này đầu tư, lắp đặt khoảng 1,6MW năng lượng mặt trời, phục vụ 40% nhu cầu sử dụng điện. Đồng thời sử dụng các năng lượng phát thái để tạo hơi nước phục vụ quá trình sản xuất.
Hiện nay, doanh thu của Ducksan Vina là 40 triệu USD. Với định hướng nâng doanh thu đạt 200 triệu USD, tức gấp 5 lần hiện tại, doanh nghiệp này đang xây dựng một chiến lược kinh doanh, chiến lược khách hàng và cả chiến lược cho các dòng sản phẩm.
Đáng nói, giá trị bền vững sẽ được tích hợp trong các chiến lược để phù hợp với yêu cầu cao từ các đối tác ở Mỹ, châu Âu và một số nước Châu Á. Đồng thời từng bước thay thế nguyên liệu thô bằng các nguyên liệu mang tính bền vững, giảm thiểu chi phí sản xuất…
[VIDEO] - Công ty Ducksan Vina tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất:
Tương tự, những giải pháp bền vững cũng đang được ưu tiên phát triển đến tại Công ty Amann Việt Nam (KCN Tam Thăng, TP.Tam Kỳ). Đó là trách nhiệm của họ đối với xã hội, môi trường - nơi đang đầu tư dự án. Ông Chen Zhiping - Giám đốc công ty cho biết, trong quy trình sản xuất mới đang được áp dụng có giải pháp giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Tiêu biểu như việc sử dụng thiết bị nhuộm tiên tiến và có quy chuẩn về tỷ lệ dung dịch nhuộm thấp để giảm lượng nước tiêu thụ. Hoặc việc đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt để giảm nhu cầu về hơi nước; sử dụng các nguồn sáng tiết kiệm năng lượng. Sắp tới, trong kế hoạch mở rộng dự án, Công ty Amann Việt Nam sẽ sử dụng năng lượng mặt trời để đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện.
[VIDEO] - Ông Chen Zhiping - Giám đốc Công ty Amann Việt Nam chia sẻ về chiến lược xanh của công ty:
Năm 2023, trong khuông khổ “Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững” do Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (CIDIZCO) - chủ đầu tư của KCN Tam Thăng được vinh danh trong top 100 doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững. KCN Tam Thăng cũng lọt vào top 100 KCN xanh, thân thiện với môi trường. Đây là nỗ lực rất lớn đến từ chủ đầu tư lẫn những dự án đang hoạt động tại KCN.
Theo ông Lê Công Bình - Phó Giám đốc CIZIDCO thì KCN Tam Thăng đã thu hút 23 dự án đầu tư (90% dự án có vốn FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 546 triệu USD và hơn 350 tỷ đồng. Để KCN Tam Thăng được ghi nhận ở tiêu chí xanh, cần nói vai trò đầu tàu của Tập đoàn Panko - Hàn Quốc tại KCN.
Đó là tập đoàn đã đặt nền móng cho thu hút các doanh nghiệp phụ trợ ngành dệt may; từng bước tạo chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí. Đồng thời làm chủ đầu tư dự án nhà máy tái sử dụng nước thải công nghiệp, thực hiện việc cấp tuần hoàn nước cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng trong KCN. Điều này đã góp phần hạn chế xả thải ra môi trường, tiết kiệm tài nguyên nước, bảo vệ môi trường.
[VIDEO] - Ông Lê Công Bình - Phó Giám đốc CIZIDCO chia sẻ về chiến lược xanh của công ty:
Cùng với KCN Tam Thăng, CIZIDCO đang làm chủ đầu tư 2 KCN khác thuộc phạm vi Khu kinh tế mở Chu Lai, gồm KCN Bắc Chu Lai và KCN Tam Thăng. Tổng diện tích 3 KCN là hơn 800ha. Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 52 dự án với tổng vốn trong nước 4.572 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư FDI gần 800 triệu USD. Giải quyết việc làm cho hơn 17.000 lao động.
Ông Bình nói, từ thành công trong việc đầu tư hạ tầng tại KCN Bắc Chu Lai, KCN Tam Thăng, CIZIDCO tiếp tục được tin tưởng để đầu tư tư KCN Tam Thăng mở rộng với diện tích 242 ha. Tại KCN này, Tập đoàn Hyosung sẽ là nhà đầu tư mang tính chiến lược với diện tích đăng ký khoảng 80ha, tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD.
Nhà máy tái sử dụng nước thải công nghiệp Panko có công suất 28.000m3/ngày đêm, xử lý nước thải đạt quy chuẩn của Bộ TN-MT. Nước thải sau xử lý được đưa về nhà máy tái sử dụng với công suất giai đoạn 1 đạt 13.000m3/ngày đêm, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Tập đoàn này đang triển khai nhiều giải pháp xanh, thân thiện, giảm thiểu tác động môi trường như dùng sơn tản nhiệt sơn mái nhà để giảm thiểu sử dụng quạt hút; thiết kế nhà máy theo hướng tận dụng tối đa không gian và ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện. Đồng thời nghiên cứu giải pháp sử dụng nguồn cung cấp khí LNG (khí thiên nhiên được hóa lỏng bằng nhiệt độ làm lạnh sâu) để thay thế cho nhiên liệu đốt hiện tại.
Năm 2013, Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện dự án “Hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh". Trong chiến lược này, công nghiệp là một trong 6 ngành, lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay ngành công nghiệp chiếm chiếm 28,9% trong cơ cấu kinh tế, với 13 KCN đang hoạt động và 44 CCN đã có các nhà máy đã đi vào vận hành chính thức.
Để tiếp tục thu hút mạnh mẽ các dòng vốn cho tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là đối với tập đoàn lớn có công nghệ cao, có nhiều doanh nghiệp vệ tinh theo sau, Quảng Nam đã và đang hỗ trợ tích cực về cơ chế ưu đãi về thuế, giá thuê đất, đơn giản hóa thủ tục theo hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời dành nhiều nguồn lực để đồng bộ hạ tầng xanh theo hướng phục vụ đa mục tiêu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 KCN đi vào hoạt động có hồ sơ môi trường và có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý khoảng 47.400m3/ngày đêm; 4 KCN được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT; 6 KCN được cấp phép xả nước thải sau xử lý vào môi trường; và 6 KCN đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc online kết nối truyền dữ liệu quan trắc về Sở TN-MT và có hồ sự cố nước thải.
[VIDEO] - Ông Hồ Quang Bửu nói về chiến lược kinh tế xanh của Quảng Nam:
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, vùng đông Quảng Nam sẽ là khu vực xúc tiến đầu tư các dự án, phát triển theo mô hình công nghiệp sinh thái, công nghệ cao. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cam kết sẽ tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự hợp tác trong sản xuất để hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp dần chuyển hướng từ không sử dụng mô hình kinh tế sản xuất kiểu “khai thác - sản xuất - xả thải” để chuyển sang kinh tế tuần hoàn.
[VIDEO] - Ấn tượng công nghiệp xanh ở Quảng Nam:
Thực hiện: HỒ QUÂN - LÊ DIỄM
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN