Tết, là soạn sửa nhớ người đi xa...
Vạn thọ đã bung cánh vàng ươm. Ngày còn ba, chúng tôi đùa rằng đâu cần xé tờ lịch mới biết ngày sang. Cứ thấy chậu vạn thọ trước sân là biết tết về...
Cũng như, thấy ba chuẩn bị sơn tước chậu cây là biết đã hăm mấy tháng Chạp. Ông tỉ mẩn kẻ từng đường chỉ, rồi quét lót một lớp vôi trắng mới đến vôi màu.
Vạn thọ được chăm từ miếng đất đến cái chậu. Thoắt cái, trong sân còn ê hề vữa làm khuôn đã thấy rộn ràng bởi đủ sắc vàng chanh, cam đất hay đỏ mận - cũng là những sắc màu của tết.
Ba tôi như có một kết nối với những lớp vữa màu này. Tôi nhớ mình đã thích thú nhường nào khi chăm chú nhìn ông phối trộn từng lớp vữa, để dưới nắng chiều tháng Chạp, lớp màu cuối cùng quét lên, sẽ hiện ra dáng hình của một chậu cây mới.
Ngày còn ba, tầm này, mỗi lúc về đến ngõ, lại thấy thấp thoáng dáng người gầy nhom, lom khom vun vén từng góc sân. Chỗ nào cũng có dáng hình của tết từ những chậu hoa.
Ba tôi yêu quý cỏ cây và hiểu rõ đặc tính của từng loài. Từ chậu vạn thọ bung dày cánh đến khóm thược dược nhung đỏ, từ cánh mai vàng rỡ nở đúng phóc mùng Một cho đến giò lan trắng nở kiêu hãnh chờ tết, thì biết công người vun trồng.
Ngày ông mất, giữa mùa hè nắng gắt. Lan hồ điệp nở rạng rỡ trên giàn tre ông vừa dựng sau tết. Tôi bất giác nhìn cánh hoa tím thẫm, lòng nhủ phải chăng hoa đang nở vì người? Chúng tôi đeo tang cho từng gốc cây trong sân nhà.
Từ năm ngoái, “tết đi mọi nơi nhưng không ghé nhà tôi nữa”... Từ năm ngoái, khóm vạn thọ cũ dẫu kịp nở trong nắng tháng Chạp, nhưng những chiếc chậu thì đã ngả màu xám lạnh...
Ba đi, mang theo những câu chuyện và phong tục xưa mà năm nào ông cũng làm, để con cháu biết tết. Là đêm trừ tịch soạn sửa bàn cúng tiên tổ, với lời rì rầm khấn nguyện bình an. Là gánh nước từ dòng sông đổ vào ảng trước hiên, với mưu cầu tài lộc cho cả nhà...
Bạn tôi nói, từ hồi nào giờ, tết đâu có hoàn toàn vui. Tết có nụ cười con trẻ, có nồi thịt kho, hũ dưa hành. Tết có lì xì, có quần áo mới. Tết có những đợi chờ đoàn viên... Nhưng tết, còn có khói hương trầm mặc. Cho những khoảng trống vô hình. Cho những điều đã mất mát...
Chiều 30 năm ngoái, chồng tôi soạn sửa giấy cúng đặt lên bàn thờ. Những đứa con gái lại thay ông mang vạn thọ đặt quanh mộ ông bà. Bây giờ, có thêm mộ của cha.
Tết năm này, má nói cậu đã quét tước lại mấy chậu cây. Bông vạn thọ bung từ đầu tháng, nhưng vẫn còn búp rải rác để chờ nắng mùng Một. Cây mai trước hiên năm ngoái không ai tuốt lá, xanh um tùm và chẳng đậu hoa.
Tết này, đầu tháng Chạp đã có mấy đứa cháu về ngang ngõ, bắc ghế tuốt lá mai cho cây chú Bốn để lại. Những người họ hàng vừa làm và hàn huyên chuyện của những ngày chú Bốn họ còn hiện diện trên đời. Như thể, quãng ngày của tết là quãng hồi ức và hoài niệm sống động hơn bao giờ...
Tết, hẳn lúc nào cũng sẽ có những câu chuyện của ngày xưa. Có nỗi trống vắng, có tiếc nhớ, hụt hẫng. Nhưng không vì buồn mà ta quên ngày tết. Khi những chiếc bóng ngang đời nhau đã không còn nữa, ta biết buồn để lòng thành thật hơn.
Tết, vì thế, với riêng người Việt, còn là quãng tĩnh để giũ lòng mình thanh sạch. Biết buồn vì người đã xa, biết thức dậy hồi ức để níu lại phong tục cổ truyền, là biết trân quý nguồn cội thiêng liêng.
Để tết, khi soạn sửa nhớ người đi xa, cũng là lúc lòng mình cúi xuống biết ơn...