Đời sống đô thị từ chợ
Tôi có thói quen đi rảo các chợ những ngày cận tết. Năm thì chợ miệt biển, năm thì chợ phố, năm thì chợ trung du…
Ở đó, diện mạo nhân gian, nhân tình, hơi thở, nhịp điệu đời sống, những ý nghĩ ẩn giấu kín đáo trong lòng bao người, bao phận người ít nhiều bộc lộ ra, qua “nét chợ”, qua “sắc mặt của người tham gia câu chuyện dài ngày của chợ”.
Chợ, luôn là sự thay đổi, thường ngày, như sự thay đổi của cuộc sống muôn màu. Chợ tết, khả năng biểu hiện (và ẩn giấu) ấy thể hiện khá rõ nét. Có lẽ bởi ý nghĩ, giàu cũng ba ngày tết khó cũng bảy ngày xuân ăn sâu từ lâu, như một căn tính của người Việt.
Dạo vòng các chợ, từ chợ miếu Ông Cọp ở TP.Hội An (tôi thích gọi tên cũ thay vì chợ Tân An như hiện nay) đến chợ Nam Phước, Bà Rén, Mộc Bài, Hương An; rồi chợ Chiên Đàn, “chợ quê Tiên Phước”, chợ miệt biển Nồi Rang, Duy Hải. Năm này thì sao - cái không khí chợ cuối năm ấy? Nhận ra một vẻ lẳng lặng, chừng chừng mang chút mỏi mệt của kẻ bán người mua.
Sau dịch COVID-19, sau suy thoái kinh tế, cộng với sự phát triển nhanh chóng của việc buôn bán qua online, chợ thay đổi rất rõ. Chợ là trung tâm của phố thị, từ những thành phố nhộn nhịp, đến các thị trấn, thị tứ, nhìn vào chợ là biết đời sống thị dân năm nay ra sao, khấm khá thế nào.
Ở các hàng quần áo, mũ nón, giày dép các thứ, ít ai còn chịu khó chen vào các gian hàng. Hàng hoa tươi cũng mang vẻ rời rạc không còn tưng bừng, nhộn nhịp khoe sắc như các năm.
Một chị tiểu thương ở chợ bày tỏ khi tôi hỏi về bánh thuẫn, chị bảo, người ta không còn chọn bánh thuẫn nữa nên không thể mang ra vừa nướng vừa bán ở chợ. Các thứ bánh trái khác cũng thế, có đấy nhưng vừa phải như là đang “thăm dò” thị trường vậy.
Bà Tuận 85 tuổi, bán trầu cau ở chợ Nồi Rang, người có thâm niên buôn bán hầu khắp các chợ Hội An, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình từ hồi còn con gái, bảo: “Năm ni ế hết sức, có thấy ai mua sắm chi mô?”…
Hôm qua, ở chợ quê Chiên Đàn đã thấy người ta bày bán các loại vật dụng gia đình, chổi quét mạng nhện, các loại rau quả phục vụ tết. Ở chợ miếu Ông Cọp tuy hàng hóa không phong phú như mọi năm nhưng vẫn khá đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ những ngày tết nhứt.
Dạo chợ Hương An thấy không khí có vẻ nhộn nhịp hơn. Ở chợ Bàn Thạch, người ta đang chuyển chiếu lên xe chở đi phục vụ tết các nơi. Ở cổng chợ Nồi Rang đã thấy bán cát đổ nồi hương, hoa tết, bánh trái cúng tết…
Những ngày cuối năm, dân ngụ cư ở phố thị đi chợ không chỉ để mua hàng hóa, thực phẩm cho việc cúng kính, mà cả tìm mua thức quê đã in sâu trong ký ức.
Đôi khi chỉ là bó lay ơn cành ngắn, bông nhỏ được trồng ở những vùng đất cằn cỗi xứ mình, hay bó cúc đất đủ màu vốn được các bà, các mẹ mua về thờ cúng ông bà tận mấy chục năm trước.
Chợt nhớ nhà thơ Thu Bồn gởi lại mấy câu thơ gắn với phận người gắn với chợ: “Về đi em, chợ chiều đã vãn/ Nhớ mua cho anh một gói nhân tình” (Gói nhân tình). Chợ, hàn thử biểu của nhân tình thế thái và lớn hơn hết là thước đo hơi thở của một nền kinh tế, chợ càng thể hiện hơn vai trò ấy.