Đưa tay hốt nhắm dăm bào...
Bữa đưa ông Táo về trời, xóm nhỏ cũng bày cái bàn đâu chừng chục người ngồi cà kê chuyện quê mình xứ người. Dân Quảng đi đâu chỉ cần nghe cái chữ, giữ cái giọng là nhìn mặt đồng hương ngay.
Như bà Hai Loan, xa Quảng bốn mươi năm, lấy chồng đất này, tưởng lai tiếng rồi, nhưng khi gặp lại người Quảng, bả nói giọng quê nghe ron rót. Hay cha già Năm Thép, theo cuộc chiến rồi hành quân về thành phố, đánh trận oanh liệt, gá luôn đời mình gần 50 năm ở đô thị này, vậy mà cũng còn thuộc bài chòi cổ của xứ núi Hiệp Đức.
Xóm nhỏ lọt thỏm trong cái hẻm ồn ào náo nhiệt quanh năm, mang tên xóm Cãi. Xóm Quảng dần dà hình thành khi dân Quảng đến phố thị mưu sinh lập nghiệp. Cứ vậy biến thiên thời cuộc trôi nổi khéo hợp duyên tự nhiên quần tụ lại hẻm nhỏ hơn mấy chục nóc nhà toàn dân Quảng. Kiểu đất vui thì rủ nhau về sum vầy. Dân thị thành thoảng khi thèm món Quảng ghé đến cái gánh đầu xóm, ăn chưa kịp hết tô mỳ thì nghe chừng đâu đó năm trận cãi. Cái gì cũng cãi. Cãi xong rồi cười. Xóm Quảng cười. Dân ghé xóm cũng cười. Cười xong mới hiểu, người Quảng hổng cãi sao vui.
Mới vừa chập tối ba chiếc xe đời mới 45 chỗ ngồi đã chạy tới đầu xóm nhỏ. Dân tình nhốn nháo. Tám Tình đứng đầu xe đọc tên rành mạch, ai ngang qua xe cũng nhận được túi quà với cái phong bao đỏ. Leo lên xe về quê ăn tết vui vẻ bà con ơi. Này Đại Lộc, gia đình kia Duy Xuyên, hai mẹ con công nhân bên khu chế xuất Tân Thuận thì về xứ lòn bon Tiên Phước.
Ơ em thằng xe ôm về trước thế còn anh mày sao? Sao trăng gì Tám ơi, ở lại chạy mùa tết kiếm tiền. Năm ni thất bát quá! Ai đó chậc lưỡi. Thiệt chớ năm ni hãng xưởng, công ty, xí nghiệp gì cũng chỉ là cầm cự, còn có cái tết để lòng mình thảnh thơi đã là mừng lắm rồi. Chuyến xe đầy ắp người bắt đầu chuyển bánh. Đêm hai bảy tết gió vẫn cứ miên man qua cái xóm Quảng giữa lòng thị thành.
Tám Tình xong công việc thì ngồi lại rà danh sách với Năm Thép. Mấy ông bà già năm nào cũng vậy, chạy gõ cửa bạn đồng hương xin tài trợ quà, liên hệ nhà xe xin chuyến xuân ấm áp nghĩa tình. Năm nay thị thành như thấm đòn sau mùa dịch, kinh tế cứ thấp thỏm, nhiều người thất nghiệp.
Như thằng xe ôm vốn học kỹ sư xây dựng, quê Kim Bồng, mấy năm trước về xóm Quảng trọ học, ra trường đi làm rước thêm đứa em vào. Đùng một cái bất động sản đứng, kéo theo đám công nhân kỹ sư thất nghiệp. Chạy xin cũng vài ba nơi nhưng bị lắc đầu, thằng nhỏ đi đăng ký làm xe ôm công nghệ, đắp đổi qua ngày chờ việc.
Tám Tình cứ vậy mà có việc cần đi đâu đó xa thì kêu nó chở. Đất này đâu phải ước mơ nào cũng có thể lấp lánh. Người ta tám phương tứ hướng chọn về đây.
Ngỡ là khoảng sống để nuôi nấng tương lai nhưng ngó lại đôi khi đằng đẵng cả đời dài. Mấy ông bà già gốc Quảng xóm này là vậy, cứ thế mà ngụ cư thị thành rồi bắt đầu mới thấu cái cảnh tưởng thưởng cố thổ xứ quê. Nhưng, bộn bề con cái, áo cơm, sự nghiệp, chừng chạm heo may ngõ đời mới thấy bời bời tấc dạ.
Mấy ông bà già hằng năm hay tổ chức chuyến xuân ấm áp cho bà con xa quê được về xứ theo ngọn gió tết. Tết mà, dân trọ, dân buôn gánh bán bưng hay công nhân đều khó khăn, có chuyến về miễn phí, thêm chút quà, thêm cái phong bao đỏ tự nhiên mọi ưu phiền tan biến, ôm nhau ngay cái cửa xe mà như ôm đất Quảng vào lòng.
Năm Thép thì dồn lương hưu mua quà, Tám Tình lo bao đỏ lì xì. Hai Loan lãnh phần vận động mấy hãng xe tài trợ. Gặp đâu xin đó, toàn dân Quảng với nhau chẳng ai nỡ lòng lắc đầu khi năm hết tết đến. Mấy chuyến xe lăn bánh, cái xóm nhỏ lại bày bàn ra ngồi nhâm nhi.
Chuyện xưa, đất cũ cứ còn thương là mấy người ở lại ăn tết thị thành gói ghém kể cho nhau nghe. Năm trước kể rồi, năm nay kể lại, kể hoài mà chẳng chán. Chán sao được khi ký ức cứ như máu mủ ruột rà nuôi mình đi qua tháng tháng năm năm đời lữ thứ. Gió vẫn thổi lên xóm nhỏ những cơn se se. Trời đang tết, có nghĩa là lòng mình cũng tết.
Hai Loan hết hồn rà lại danh sách rồi tim đập thình thịch. Trời sao đâu ra thiếu hai cái ghế cho bà cháu này vậy? Bà cháu từ Bắc Trà My về thị thành sau trận lũ tơi bời mấy năm trước. Nhà cửa tan hoang. Đứa cháu ngỡ chẳng bước tiếp được đại học thì người bà xuôi chuyến xe từ núi về đô thị với mẹt bánh quê lang thang các ngả Sài thành.
Khổ cách mấy vẫn phải cho đứa nhỏ học. Chỉ có học mới hết nghèo đói. Hai năm rồi bà cháu luôn có tên trên chuyến xe miễn phí. Nay xe đã đầy ắp người, tên cũng có mà ghế thì không còn trống, hai bà cháu cứ đứng ngơ ngớ dưới lòng đường. Làm sao đây, ba chuyến ngày 28 Tết này đã là ba chuyến cuối của xóm Quảng. Năm nay khó khăn chỉ xin được có sáu chuyến thôi.
Đang chẳng biết làm sao thì thằng xe ôm công nghệ lục tục đi xuống, vai vác ba lô. Rồi thêm con nhỏ cô giáo mầm non cũng lót tót theo sau. Thôi tụi con cứ ở lại mai kiếm xe khác, còn không có xe thì ở lại ăn tết với xóm Quảng một lần cho vui. Hai bà cháu cứ lên xe về. Nói rồi thằng xe ôm công nghệ đẩy hai bà cháu lên xe. Chuyến xe lăn qua những cơn gió xuân êm ả.
Tối 28 Tết, vòng lăn của bánh xe mang những người con cuối cùng rời xóm về quê ăn tết thì dân xóm Quảng còn ở lại bắt đầu nấu bánh tét. Mấy người xóm Quảng trải chiếu ra ngồi gói, rồi nhóm lửa, lại khề khà bên ly rượu chưa nhấm đã say. Tết nào, ở đâu, miễn là quê hương bản xứ vẫn tràn trong tâm tưởng thì cứ là tết vui mấy ông mấy bà hỉ? Hai Loan vừa nói vừa cười hềnh hệch.
Trong chênh chao của gió, Năm Thép hát mấy câu ca bằng giọng rặt Quảng: “Đưa tay hốt nhắm dăm bào/ Hỏi thăm chú thợ bữa nào hồi công/ Không mai thì mốt hồi công/ Hội An em ở, Kim Bồng anh dời chân”. Câu ca vừa dứt đã nghe tiếng Tám Tình réo rắt. Ơ hay, vậy thằng xe ôm công nghệ ở Kim Bồng, con nhỏ cô giáo dân phố Hội. Đấy người Quảng cứ đưa tay ra là thương nhau liền. Thương đi hai đứa. Chuyến xuân có cặp có đôi thì coi như tết tưng bừng rồi.
Thằng xe ôm công nghệ cười bâng lâng.
Dân Kim Bồng vẫn còn làm mộc, dăm bào nhiều lắm, biết bên kia sông, gái phố Hội bây giờ có còn nấu bếp bằng dăm bào nữa không ta? Gió thổi qua xóm nhỏ những tiếng cười. Hình như lẫn vào đám lá đang gói bánh, có hai đứa trẻ đang nắm mùa xuân trong tay nhau.