Tín dụng chính sách ở Thăng Bình: Điểm tựa cho hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
(QNO) - Năm 2023 huyện Thăng Bình có tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội 834,477 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9% (bình quân chung toàn tỉnh 15%). Trong năm 2024, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Đòn bẩy phát triển kinh tế
Nhận thấy thổ nhưỡng của địa phương tương đồng với huyện Tiên Phước, năm 2019, ông Nguyễn Bá Năng (thôn Bình Phụng, xã Bình Quế) mạnh dạn vay vốn mua giống tiêu Tiên Phước về trồng. Trên diện tích 2.000m2, ông trồng 350 choái tiêu, thu hoạch được 500kg/năm, bán được 100 triệu đồng/năm.
“Chi phí trồng tiêu không nhiều bởi chủ yếu là công sức của gia đình. Thu nhập khá cao nên gia đình tôi đón Tết Giáp Thìn 2024 sum vầy, tươm tất hơn” - ông Năng nói.
Ông Nguyễn Bá Năng cho hay, nếu không có nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thăng Bình thì đã không có được thành quả ngày hôm nay. “Tổ tiết kiệm & vay vốn, chính quyền địa phương và cán bộ tín dụng chính sách đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp tôi nhanh chóng có được vốn vay để làm kinh tế. Tôi trả nợ đều đặn theo định kỳ và gửi tiết kiệm qua tổ để làm giàu thêm nguồn vốn ưu đãi, giúp các hộ dân khác tiếp cận làm ăn” - ông Năng nói.
Ông Lê Dũng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm & vay vốn thôn Bình Phụng cho biết, trong tổ hiện có 54 hộ vay với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã giúp người dân đầu tư nuôi bò, dê, trồng tiêu, kinh doanh, làm dịch vụ... hiệu quả. Nhiều năm qua trong tổ không phát sinh nợ quá hạn, chất lượng tín dụng đảm bảo. “Chúng tôi bình xét cho vay đúng đối tượng, người dân sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế khá cao” - ông Dũng nói.
Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình cho biết, hoạt động tín dụng chính sách trong năm 2023 ở Thăng Bình nhận được sự quan tâm của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Cùng với thực hiện tốt phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân như xây dựng hệ thống điểm giao dịch xã, tổ giao dịch xã lưu động để mọi hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi đều được thực hiện tại UBND xã, đưa tín dụng chính sách đến người nghèo, chính sách.
Để củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở Thăng Bình, theo ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Thăng Bình cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bổ sung ngân sách của huyện ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH nhằm tăng thêm nguồn vốn vay cho hộ nghèo, chính sách. Đặc biệt, tổ chức giám sát chuyên đề, kiểm tra mục đích sử dụng vốn sau cho vay để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình nói, thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các cơ quan, các hội, đoàn thể làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hoạt động tín dụng ưu đãi để người dân biết, tham gia.
Phòng giao dịch cũng cần phối hợp với ngành chức năng, các xã, thị trấn lồng ghép tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm theo các mô hình kinh tế..., giúp người vay phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn.
Trong năm 2023, tăng trưởng dư nợ ở Thăng Bình đạt hơn 132 tỷ đồng, giúp 16.880 hộ nghèo, chính sách vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định thu nhập. Vốn chính sách đã góp sức giúp huyện thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.