Một thoáng Bát Tràng
Từ nhỏ, qua lời ru của mẹ, tôi thuộc nằm lòng câu ca “Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng/ Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây/ Xây dọc rồi lại xây ngang/ Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”.
Một ngày áp tết, tôi tìm về Bát Tràng. Đọc mấy câu ca dao ấy cho cô chủ hàng gốm sứ rất lớn nằm ngay đầu con đường dẫn về làng, cô tròn mắt, bảo: “Gạch à, làng em giờ chỉ sản xuất gốm sứ mỹ nghệ”.
Tản bộ, ghé chân vào những xưởng gốm nối tiếp nhau, đúng là không thể tìm được thứ gạch mơ ước của chàng trai ga lăng và si tình trong ca dao. Chỉ thấy những dáng người, dáng gốm thanh tân, quyến rũ của một Bát Tràng vừa trẻ trung hiện đại vừa cũ xưa thuần hậu...
Danh tiếng truyền thừa
Không như hình dung của tôi, đường sá ở Bát Tràng sạch bong, phẳng phiu chứ không nhầy nhụa bụi bùn và vướng vất phế phẩm như một số làng nghề gốm sứ khác tôi từng có dịp ghé qua. Vừa hướng dẫn du khách đi thăm làng gốm, nghệ nhân Lê Đức Tân vừa kể về lịch sử hơn 500 năm tuổi của làng nghề.
Ông bảo, với riêng ông, Bát Tràng có hai bước ngoặt lớn. Một, là từ hơn 500 năm trước, 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh gồm Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã đưa nghệ nhân, thợ gốm nhập về với mảnh đất Minh Tràng của kinh thành Thăng Long, chung tay dựng xây làng gốm Bát Tràng danh tiếng.
Không chỉ đa dạng, phong phú về chủng loại hàng, đồ gốm Bát Tràng còn nổi tiếng bởi sự tinh xảo, tài hoa trong tạo tác sản phẩm vừa đẹp vừa có độ bền cao.
Đặc biệt, người Bát Tràng còn tự tạo ra các dòng men cho riêng mình, gồm men ngọc, men rạn, men nâu và trắng không trùng lẫn với men gốm của các làng nghề khác, ở trong nước và cả ở nước ngoài.
Vì thế, vào thời hưng thịnh, khoảng thế kỷ 16 - 17, ngoài bạn hàng truyền thống là Trung Quốc, gốm sứ Bát Tràng còn được các thuyền buôn nước ngoài đến gom mua đưa đi tiêu thụ ở một số quốc gia Nam Á và Đông Nam Á...
Bước ngoặt thứ hai vừa diễn ra mấy năm nay, ấy là việc Bát Tràng chuyển hẳn từ công nghệ nung thủ công bằng cách đốt củi, than cám trong lò ếch, lò bầu sang lò nung bằng khí ga khép kín.
Và chỉ có thay đổi ở mỗi một khâu này thôi, tưởng đơn giản nhưng hóa ra không dễ. Lửa đốt bằng ga có nhiệt độ rất cao, cao hơn hẳn nhiệt lượng tạo ra từ than đá, nên phải tính toán cân chỉnh, thử nghiệm từ dáng lò đến cách nung, chu trình đốt... mới cho ra được sản phẩm đúng chuẩn Bát Tràng.
Các công đoạn còn lại, từ chọn, pha chế, xử lý, nhào đất đến tạo dáng sản phẩm, phơi sấy, sửa hàng mộc, kẻ vẽ hoa văn, tạo men, tráng men, chỉnh sửa hàng đã phủ men... cơ bản vẫn được làm thủ công theo các “công thức” từ bao đời truyền lại. “Công thức” ấy, theo ông Tân, là mấu chốt, là bí quyết, đã ăn sâu vào máu thịt người Bát Tràng, khó diễn đạt ra thành lời...
Nhờ bước ngoặt này, bây giờ xỉ than, chất thải, khói bụi gây ô nhiễm môi trường ở Bát Tràng không còn nữa. “Cũng nao nao nhớ cái mùi khét nồng của lò nung kiểu cũ, nhớ cái cảnh xỉ than bụi bặm, bùn đất nhoe nhoét khắp đường làng thuở trước, nhưng rõ là cảm thấy bình yên và phấn khởi hơn” - ông Tân nói.
Làng gốm cổ... ở đâu?
Khách du lịch tìm về Bát Tràng mỗi ngày một đông, nhất là khi người dân và chính quyền nơi đây đồng lòng xác định chuyển đổi công nghệ gắn với giữ nghề truyền thống và lấy đó phục vụ du lịch.
Nhưng khi tới Bát Tràng, thấy cảnh xóm làng phong quang sạch đẹp - mà trông đã ra dáng phố xá sầm uất rồi, hầu như du khách nào cũng hỏi “làng gốm cổ” ở đâu?
Thì đây, chiếc lò bầu hơn trăm năm tuổi của gia đình bà Lương Nguyệt Minh vẫn còn được bảo lưu khá nguyên vẹn. Đây chính là nơi để du khách tìm hiểu, khám phá quy trình làm gốm tỉ mỉ, kỳ công và cực nhọc của cư dân Bát Tràng ngày trước, và cũng là nơi để du khách trải nghiệm, “hóa thân” thành thợ gốm Bát Tràng.
Còn nữa, là mấy bức tường than đá. Đó là những bức tường bằng đất, nơi mà than đá sau khi được nhào trong nước cùng với đất bột rồi nắn thành từng miếng to bằng cái đĩa trung, được chập lên tường để phơi khô trước khi cho vào lò làm vật liệu nung.
Và xe trâu nữa. Ngày trước xe trâu dùng để chở vật liệu (than, củi, đất sét, nước...) về lò và chở thành phẩm ra chợ, thì nay xe trâu trở thành phương tiện đưa khách đi tham quan làng nghề.
Chậm rãi ngang qua những lò gốm nối tiếp nhau, nghe tiếng chuông xe trâu báo hiệu cho người đi đường biết về sự có mặt của mình, cứ tưởng như đó là tiếng va vào nhau lanh canh của gốm vọng về từ đâu đó...
So với ngày xưa, làng gốm Bát Tràng bây giờ “trẻ” hẳn ra, mà rõ nhất là bộ mặt phố phường nhộn nhịp, sầm uất cùng những nhà xưởng khang trang, hiện đại.
Lớp thợ trẻ nối nghề bằng bí quyết gia truyền cha ông để lại kết hợp với tri thức khoa học hiện đại, giúp làm cho sản phẩm của làng đẹp hơn, có giá trị hơn và cũng từ đó, nhiều người trong lớp thợ trẻ đã trở thành những doanh nhân gốm sứ thành đạt.
Ngoài các mặt hàng truyền thống như ly tách, chén bát, lọ hoa, đồ thờ cúng... làng gốm sứ Bát Tràng giờ đây còn sản xuất nhiều chủng loại hàng hóa với mẫu mã đa dạng, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và mới hơn là thị trường châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy...
Khoảng thời gian cuối năm, làng gốm sứ Bát Tràng như nhộn nhịp hơn. Xe tải từ các nơi nối nhau về lấy hàng, Chen giữa những gian hàng gốm sứ nói tiếp nhau bày tràn từ nhà ra vỉa hè là những cành đào chúm chím nụ được người ta đem từ Nhật Tân sang. Chốc chốc lại có một người thửa được cành đào ưng ý, liền quay sang chọn mua ngay một chiếc bình, cười rạng rỡ đưa xuân về nhà...