Tạp văn

Ngày xưa tết mẹ

LÊ MINH QUỐC 10/02/2024 06:39

Chỉ nghe âm vang của từ “tết”, ngay lập tức con người ta lại nhớ biết bao niềm vui thơ bé. Vui bởi còn có ba mẹ, còn đầy đủ anh em trong một mái ấm mùa xuân...

Theo mẹ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Theo mẹ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Theo mẹ đi chợ tết

Những ngày bình thường trong một năm, dù đã ra chợ nhiều lần, đã quen thuộc, nhớ rõ mồn một là này chỗ kia bán cá, thịt…; chỗ kìa bán rau xanh, hoa thơm, trái ngọt… Nhưng tết lại khác. Rất khác. Tôi có cảm tưởng đó là những ngày áp tết, cái chợ thân thương đã đồng loạt thay đổi.

Tất cả tươi mới, rộn ràng người mua kẻ bán, hàng hóa tấp nập, hầu như chẳng mấy ai phải “cò kè bớt một thêm hai”. Mua nhanh, mua vội, còn mua nhiều thứ lắm, nhanh kẻo không kịp thời gian về nhà, còn lo biết bao nhiêu việc khác nữa.

Ấy là sự kỳ diệu của tết trong tâm hồn tôi ngày xửa ngày xưa. Ấy là nỗi lòng triền miên của tôi khi nhớ về ngôi chợ mà đã có lần tôi tự hỏi: “Không ven sông cỏ ướt/ Sao lại gọi chợ Cồn?”.

Tuổi thơ tôi gắn bó với ngôi chợ này, nơi mà ông bà ngoại tôi quê quán Đại Lộc đã tề tựu buôn bán khi hồi cư về Đà Nẵng, sau năm 1954. Nơi ấy, bà ngoại tôi bán thuốc rê Cẩm Lệ; còn mẹ tôi và các dì bán vàng với các hiệu như Vĩnh Thuận, Vĩnh Châu, Vĩnh Phát…

Mỗi ngày, tôi đã đến nhiều lần nhưng dịp được mẹ dẫn đi mua sắm tết lại là cảm xúc khác hẳn. Lúc lần nhớ lại, trong trí nhớ bềnh bồng mây trắng của Ngũ Hành Sơn, Bà Nà núi Chúa, có lúc tôi lại thèm thuồng ước ao: “Tôi mua sợi nắng/ Về đan gió lùa/ Mua môi thắm dưa/ Đang tách hạt dưa/ Trời giăng mây trắng/ Trẻ thơ nô đùa/ Níu vạt áo mẹ/ Gì cũng đòi mua”.

Không riêng gì trẻ con, ngay cả người lớn cũng vậy, luôn nghĩ một cách đáng yêu và chính xác, rằng, chợ là một quyển tự điển sống động trong đời thực.

Nếu giải thích trong sách, chỉ là câu chữ ngắn gọn thì ở chợ lại cho ta được cầm, nắm, sờ lấy, kể cả biết được mùi vị của nó; nói cách khác, các sự vật ấy ùa vào trong ta với các giác quan từ thị giác, thính giác đến khứu giác nữa.

Từ đó, ta cảm nhận được trọn vẹn nhất. Khi đứa trẻ “Gì cũng đòi mua” bởi trước đây chỉ biết qua sách vở, nay đã được nhìn tận mắt. Thích lắm. Cảm giác ấy khiến cái nhìn càng thêm háo hức.

Những mùa hoa thương nhớ

Vậy, chợ tết ngày xưa có gì? Rằng thưa, đã có những cảnh vật, hiện vật mà dù trải dài theo năm tháng cũng không nhiều thay đổi. Thí dụ, chợ tết của hơn 50 năm trước bày bán nhiều hoa vạn thọ thì nay bên cạnh bạt ngàn loài hoa khác, vẫn còn đó.

Ngày xưa được mẹ dẫn đi chợ tết (từ phải: Nhà thơ Lê Minh Quốc - áo trắng).
Ngày xưa được mẹ dẫn đi chợ tết (từ phải: Nhà thơ Lê Minh Quốc - áo trắng).

Có lần đi về Quảng Nam trong dịp tết nhất, tôi nhìn thấy những chậu vạn thọ chưng trước sân nhà người ta. Tự nhiên, bằng tấm lòng hết sức thành thật, tôi lại nhủ thầm: “Mẹ ơi!”. Ngày còn ba còn mẹ, vào dịp tết, bao giờ nhà tôi cũng chưng vạn thọ.

Hoa có sắc màu vàng nghệ, không đài các, cao sang nhưng bà con xứ Quảng lại chuộng, còn do tên gọi khiến người ta liên tưởng, hướng đến sự tốt đẹp trong năm mới: “Kìa hoa vạn thọ/ Củ kiệu cải chua/ Phong bì đỏ chói/ Thơm lời dạ thưa/ Mai lan cúc trúc/ Cá quẫy ngộ chưa/ Nọ tranh ngũ sắc/ Tố nữ hứng dừa/ Kìa rau xanh nõn/ Cá đồng khế chua”.

Dấu vết ngày tháng xưa cũ còn hằn in như giọt mực nằm ngoan trên trang vở học trò. Khó có thể phai. Thậm chí khi viết những dòng này, dù không gian phố xá đang náo nhiệt động cơ, ồn ào nhưng tôi vẫn nghe vọng lại, mường tượng đến khung cảnh hết sức đặc trưng cho chợ tết xứ Quảng: “Mời bà con mua “gộ”/ Tiếng rao nghe rất ngon/ Nước mắm Nam Ô thơm/ Khiến tôi thèm điếc mũi”.

Đúng là thế. Hương vị không thể thiếu trong ẩm thực người Việt nói chung, chỉ có thể nước mắm. Không tin ư? Cứ du lịch nước ngoài thời gian dài, biết “lễ độ” ngay. Hễ ngồi vào bàn ăn ắt dậy nỗi nhớ đến quay quắt.

Đi chợ ngày tết quay tới quay lui chưa mua đủ mà đã hết ngày. Buổi sáng được mẹ dẫn đi chợ tết đã trôi qua cái vèo, có thể nhìn thấy vệt thời gian trên vành nón lá của các mẹ, các chị… Nắng đã lên. Phải về nhà nhanh.

Thời gian này hết sức quan trọng vì còn chuẩn bị mâm cỗ rước ông bà tổ tiên vể “ăn tết” cùng con cháu. “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng con cháu thì lo”. Lo gì thì lo, thiếu thừa gì cũng được nhưng lễ này phải chu toàn nhất trong khả năng có thể.

Năm tháng ấy đã xa. Đọng lại trong tâm hồn ròng ròng giọt nhớ. Tất nhiên, trải dài theo năm tháng, chúng ta lớn lên và lại đi chợ tết. Lại sắm lại mua.

Thật lạ lùng, đôi khi lại tự nhủ như một lẽ tự nhiên, là không thể mua được một thứ thiêng liêng và vô cùng quý báu: “Làm sao mua được/ Những ngày xa xưa?/ Mùa xuân năm ấy/ Vọng tiếng chuông chùa/ Quê nhà thuở nhỏ/ Gió lướt sang mùa/ Ngày mẹ mười bảy/ Con làm sao mua?”.

Khi câu hỏi này vọng lên, nhất là dịp đi chợ tết, chắc chắn đó còn biểu hiện của ơn nghĩa sinh thành mà cả đời mình không quên. Bài học về nếp nhà, nhìn từ kỷ niệm ấy đã “đóng đinh” trong tâm tưởng, ắt gợi cho chúng ta biết bao điều về ý nghĩa của cụm từ “gia đình” khi xuân về. Xưa sao, nay vậy. Nếp văn hóa ấy của người Việt vẫn còn đó - một sự tiếp nối bất chấp dòng chảy khốc liệt của thời gian…

LÊ MINH QUỐC