Người Quảng Nam

Người Quảng ở xứ sở kim chi

DIỄM LỆ 08/02/2024 09:54

Những buổi gặp nhau chuyện trò, hướng về quê hương xứ sở trở thành “bữa ăn tinh thần” quý giá với những người con Quảng Nam - Đà Nẵng đang sinh sống, học tập, làm việc ở xứ sở kim chi...

tnb-62398-01.jpg
Một gia đình Quảng Nam định cư tại Hàn Quốc trang trí đón Tết cổ truyền của dân tộc. Ảnh: NVCC

Tình đồng hương

Như lời anh Đoàn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Việt Nam tại Hàn Quốc (VFAK) và là một người con huyện Đại Lộc, người Quảng Nam - Đà Nẵng đã sang Hàn Quốc từ rất lâu nhưng số lượng không đông đảo nếu so sánh với các khu vực phía Bắc Trung Bộ.

Số lượng ước tính khoảng 1.000 người, cư trú rải rác ở nhiều khu vực tại Hàn Quốc. Người Quảng Nam - Đà Nẵng sang Hàn Quốc cũng đa dạng về diện cư trú, có cả du học sinh, lao động, chuyên gia lẫn người kết hôn di trú. Điều đặc biệt, họ luôn gắn kết thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, đôi khi gặp nhau để... được nghe tiếng Quảng nơi đất khách.

Đã 14 năm sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc, hai vợ chồng anh Nguyễn Thanh Minh (quê huyện Quế Sơn) dần thích ứng với cuộc sống, văn hóa ở xứ sở kim chi.

Đi làm việc ở xa, hai vợ chồng anh Minh gửi con gái 6 tuổi ở quê cho ông bà chăm sóc, với hy vọng khi có điều kiện lưu trú ổn định thì sẽ đón con qua.

Anh Minh tâm sự: “Ở bên này, anh em quê hương vẫn giữ mối liên lạc với nhau qua các nhóm chat Zalo, facebook nên có cơ hội là hẹn hò gặp nhau. Gặp chỉ để nghe tiếng Quảng, để nấu mỳ Quảng cùng nhau ăn cho đỡ nhớ quê.

Thực ra tiếng là mỳ Quảng nhưng không có sợi mỳ như ở quê mà biến tấu bằng cách sử dụng sợi phở khô hoặc sợi mỳ na ná, nhưn thịt gà hoặc cá, tôm...

Chỉ riêng việc ăn cùng người Quảng, món mỳ Quảng dẫu thiếu trước hụt sau về nguyên liệu cũng trở nên ngon lạ lùng. Chúng tôi cũng hỗ trợ nhau trong việc nâng cao trình độ tiếng Hàn để có được giấy phép làm việc lâu dài ở Hàn Quốc”.

Theo anh Minh, ngoài những dịp gặp nhau cuối tuần hay ngày lễ, tết là dịp đặc biệt để mọi người quây quần, nấu món truyền thống quê hương chào năm mới. Đèn lồng Hội An được mang ra trang trí, hoa mai nhựa mua tại các chợ người Việt tại Hàn Quốc, vậy mà nên xuân.

tnb-62398.jpg
Đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tham gia VFAK Đồng Hương Cup. Ảnh: NVCC

Ước nguyện với quê nhà

Để kết nối được đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng trước khi tiến tới thành lập được Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hàn Quốc, anh Đoàn Quang Việt từng bước tiếp cận, tập hợp đồng hương qua các sự kiện thể thao.

Với niềm đam mê bóng đá, anh Việt cùng Ban lãnh đạo VFAK đã tổ chức nhiều giải Đồng Hương Cup hàng năm. Mỗi lần tổ chức, sự kiện thu hút hàng ngàn người ở hội đồng hương các tỉnh thành của Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia.

Anh Việt cho hay: “Đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tham gia giải đã được 3 năm trong tổng số 9 lần tổ chức. Sự kiện đã tạo nên cơ hội để nhiều hội đồng hương tại Hàn Quốc thành lập và duy trì hoạt động.

Ngoài ra còn có Giải bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng Open Cup, tạo thêm không gian sinh hoạt thể thao và giao lưu đồng hương của người Quảng Nam Đà Nẵng. Kênh giao lưu online là fanpage https://www.facebook.com/qndn.... và nhóm facebook https://www.facebook.com/group... đã trở thành địa chỉ kết nối của đồng hương xa quê khi có việc cần hỗ trợ”.

Trước khi chính thức có Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hàn Quốc, các thành viên của Ban vận động thành lập hội đang từng bước thu thập thông tin về người Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hàn Quốc qua nhiều kênh chính thống tại Hàn Quốc như Ban quản lý lao động Việt Nam, Văn phòng Quản lý Lao động EPS, Hội sinh viên Việt Nam, Hiệp hội Bóng đá Việt Nam.

Từ đó truyền tải cho những lao động, sinh viên mới sang biết về cộng đồng Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hàn Quốc để mọi người đăng ký thông tin và tham gia.

Việc duy trì tham gia VFAK Đồng Hương Cup để làm nơi gặp gỡ đồng hương hằng năm, mỗi tỉnh thành tham gia được diễu hành tại lễ khai mạc để quảng bá hình ảnh và niềm tự hào quê hương với các tỉnh thành khác và bạn bè Hàn Quốc.

“Chúng tôi còn tổ chức các ngày sinh hoạt đồng hương, ý định sẽ định kỳ có Ngày Mỳ Quảng tại Hàn Quốc, tại hai địa điểm thành phố Changwon (khu vực miền Nam) và thành phố Osan hoặc Siheung (khu vực Seoul và lân cận) để mọi người có thể trao đổi, giao lưu văn nghệ, thể thao và được cùng nhau ăn món ăn của quê hương mình.

Khi có hội đồng hương chính thức, mọi người có thể hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, làm việc và đổi visa định cư tại Hàn. Những người có tiếng nói, có vị trí vai trò thì có thể hỗ trợ kết nối kinh tế, kết nối hợp tác giữa địa phương ở Hàn Quốc và mỗi huyện ở Quảng Nam về nhiều mặt, trong đó có lao động thời vụ. Tôi hy vọng cộng đồng người Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hàn Quốc sẽ ngày càng có thêm nhiều thành viên, hoạt động hiệu quả hơn sau này”.

DIỄM LỆ