Xây một nếp nhà theo năm tháng
Trước năm 1945, xây nhà vôi hoặc làm nhà rường ở Quảng Nam, kéo dài vài ba năm là chuyện thường thấy, vài nhà lớn kéo dài đến 5 - 7 năm. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra trong những năm tháng làm nhà đó?
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đã có nhiều năm nghiên cứu nhà xưa ở miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam cho biết: “Hơn 400 ngôi nhà cổ ở Quảng Nam hiện nay (không kể ở Hội An) có thể được chia thành những ngôi nhà đặc trưng do làng nghề Văn Hà (xã Tam Thành, Phú Ninh), làng nghề Kim Bồng (Hội An) xây dựng hoặc ảnh hưởng, kế thừa cách xây dựng nhà lá mái của người Chăm trước đây”.
1. Nhà thơ Liêu Thái kể rằng nhà ông cố (Nghè Học) ở Điện Minh xây dựng mất hơn 5 năm cho phần chính, 30 năm sau thì cách tân thêm cái hiên trước nhà, mới được như ý. Nhà này khởi công năm 1900, đến 1906 mới xong phần nhà rường; đợt 2 làm cái hiên kiểu Tây là từ 1930 đến 1932.
Ông Nguyễn Thượng Hỷ nói rằng với các nhà lớn ở huyện Đại Lộc thì việc xây dựng kéo dài từ 3 năm đến 10 năm là bình thường. Những nhà lớn như của bà Trần Thị Thao, Nguyễn Sắc ở Đại Nghĩa, Đại Hồng xây dựng mất hơn chục năm. Ở thôn Bồng Lai/La Qua, Điện Bàn, có nhà ông Nguyễn Nho Phán làm cả chục năm mới xong.
Trong khoảng 400 ngôi nhà xưa ở Quảng Nam, có hai trường hợp hy hữu. Đầu tiên là nhà ông Nguyễn Nho Phán, có lẽ vì xem hướng theo tuổi tác mà xây hướng chính Bắc. Đây là ngôi nhà xưa duy nhất ở xứ Quảng xây hướng chính Bắc nhưng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Chính ông Hỷ tham gia làm hồ sơ cho ngôi nhà này, hiện đã thành di tích kiến trúc nghệ thuật của tỉnh Quảng Nam.
Ngôi nhà thứ hai là của ông Lê Phước Câu ở thôn Phiếm Ái (Ái Nghĩa, Đại Lộc), dù đồ sộ, nhưng không thể đặt cây đòn đông trong lễ thượng lương. Mấy chục năm sau, xem được ngày, con cháu mới làm lễ đặt cây đòn đông.
Câu chuyện này cũng được ghi chép trong sách “Phác thảo nghiên cứu về nhà Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định” (1936) của nhà địa lý Pierre Gourou (1900 - 1999), do Đào Hùng dịch, đã xuất bản tại Việt Nam. Những khía cạnh phong thủy này được Pierre Gourou gọi là “các yếu tố ma thuật”.
Khi tôi nhờ nhà thơ Huỳnh Minh Tâm đi chụp hình, thì mới biết nhà Lê Phước Câu thực sự ở làng Hoán Mỹ (Ái Nghĩa), chứ không phải ở thôn Phiếm Ái (Đại Nghĩa), có lẽ Pierre Gourou ghi nhầm, hoặc thời đó địa lý có khác chút xíu.
Khi đến làng Hoán Mỹ, thì biết nhà Lê Phước Câu không còn nữa, nên anh Tâm đành chụp mấy ngôi nhà xưa ở gần đó, nhưng đa số đã lợp lại mái ngói mới, âu cũng là lẽ thường.
Giờ ở các vùng quê xứ Quảng, dễ chi lợp được ngói âm dương kiểu xưa, một phần do quá tốn kém, một phần do khan hiếm nguyên vật liệu và thợ lợp ngói lành nghề.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói rằng ngày xưa thợ mộc, thợ nề thường uống nước chè tươi, nên dân gian thường ví số lá chè mà họ uống trong suốt quá trình xây nhà là “núi chè”, do xác lá chè đổ thành đống bên vườn.
Còn nhà thơ Liêu Thái thì nghe bà ngoại kể lại rằng, do xây nhà mấy năm liền, thợ thầy đóng trại ngủ trong vườn, một chàng trai trẻ đi làm thợ phụ đã nên bề gia thất, chính ông Nghè Học đứng ra làm đám cưới cho họ.
Đến khi khánh thành nhà, chàng trai này dẫn vợ và đứa con hai tuổi về xứ Kim Bồng để ra mắt ông bà nội. Chuyện mà Liêu Thái kể không phải là hiếm, nếu có dịp tìm hiểu về bản quán của nhiều cô dâu ở các xứ mộc danh tiếng như Kim Bồng, Văn Hà, sẽ thấy rất phong phú.
Ngày xưa học thợ mộc rất lâu thành nghề, thường thì phải 10 năm. Nhiều chàng trai tạm biệt gia đình lúc 12 - 13 tuổi để theo thợ cả đi học nghề, làm xong vài ba căn nhà, là lành nghề. Học nghề ở đây không chỉ là kỹ năng, thước tấc, mà còn học cả quan niệm về làm nhà, về phong thủy, để còn ứng xử cho phải phép. Nói chung là học cả cái nền nếp, phong hóa, gia phong của từng vùng.
2. Trở lại chuyện ba căn nhà xưa ở phần trên, hiện nhà ông Lê Phước Câu đã bán cho chủ hiệu vàng Ngọc Minh ở ngã ba Nam Phước.
Năm 2022, ngôi nhà này được tái dựng khang trang ở Duy Xuyên. Nhà của ông Nghè Học thì xuống cấp trầm trọng, nhưng chưa thể trùng tu, vì nhiều lý do riêng của dòng họ.
Nhà của ông Nguyễn Nho Phán - di tích cấp tỉnh thì gần như cửa đóng then cài, ít khách vãng lai. Dù chọn ngẫu nhiên thôi, nhưng “hành trạng” của ba ngôi nhà này cũng gần tương thích với hành trạng của phần lớn nhà xưa ở Quảng Nam. Nếp sống đổi thay, nên nếp nhà cũng đổi thay vậy.
Còn nhớ, khi Vinahouse ở Điện Minh còn hoạt động, đã tái dựng 18 nếp nhà xưa và 15 công trình nhà gỗ từ Bắc, Trung, Nam... trên diện tích hơn 11.000m2.
Trong không gian này, có ngôi nhà 3 gian 2 chái được phục dựng gần như nguyên vẹn từ mẫu nhà Kim Bồng. Có nhà tam gian tứ hạ mua lại của bà Trần Thị Thao ở Đại Lộc. Đây là căn nhà mà theo ông Nguyễn Thượng Hỷ là xây dựng hơn 10 năm, kích thước có lẽ lớn nhất, với 108 cây cột, tồn tại 200 năm tuổi trước khi bán đi.
Không gian Vinahouse từng được khen ngợi, tưởng chừng có thể trở thành bảo tàng nhà xưa xứ Quảng và rộng hơn là Việt Nam, nhưng nay cũng không còn hoạt động, xuống cấp, hư hại rất nhiều. Cho nên, có nhà để nguyên thì còn tuổi thọ, có nhà bán đi thì thêm đời sống mới, tuổi thọ mới, có nhà bán đi thì mất luôn. Âu cũng là lẽ thịnh suy vậy.
Ngày trước, khi đất đai còn rộng, sống nương theo khí hậu vùng miền, nhà xứ Quảng thường chọn xây theo hướng Nam, Đông Nam, Tây Nam để mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa ông. Người Quảng xưa có câu “chánh Đông cái lông không còn”, ý nói cường điệu về cái lạnh khắc nghiệt của mùa mưa.
Nhưng ngày nay, do đô thị hóa, mở đường khắp nơi, nên hướng nào cũng có người làm nhà cả. Rồi máy lạnh, nhà kính, lò sưởi… đã khiến con người sống xa rời thiên nhiên, ít phụ thuộc vào khí hậu. Thế là phong thủy hoặc nếp nhà cũng phải thay đổi theo.
“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Với xứ Quảng xưa, thì đúng như vậy, nhiều làng nghèo chỉ có 2 - 3 con trâu để cày bừa, việc xếp lịch nhà nông cứ theo trâu mà làm. Ngày nay thì chỉ các làng nghèo hoặc hẻo lánh mới còn 2 - 3 con trâu cày bừa, các làng khá giả làm gì còn trâu, thậm chí hết đất nông nghiệp.
Rồi xã hội bình quyền hơn, vai trò của người phụ nữ đang lên ngôi, nên “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” cũng chẳng cứ “kiêng tuổi đàn ông” như xưa. Rồi do đổ mái bằng, hoặc nhà một mái, đa số không đặt cây đòn đông, nhiều nhà hoặc công trình còn không làm lễ thượng lương, chỉ mỗi khởi công và về nhà mới. Nhưng thợ thầy không buồn, vì gần như cuối tuần nào chủ nhà cũng có đãi nhậu...