Giữ văn hóa Việt nơi xứ người
Có rất nhiều lý do để người Việt, trong đó có những người trẻ Quảng Nam lựa chọn cuộc sống xa xứ, nhưng dù ở đâu, họ vẫn luôn mang trong mình tâm thức về nguồn cội, gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt.
Nỗ lực khẳng định bản thân
Với bất kỳ người nào ở nước ngoài, thì việc thích nghi ở môi trường mới là điều kiện bắt buộc để có thể tồn tại và phát triển.
Nguyễn Thị Bang (33 tuổi, Phú Ninh) kết hôn và rời Việt Nam sang Mỹ định cư cùng chồng từ năm 2018. Sống tại thành phố Lakewood (quận Pierce, tiểu bang Washington) dù không bị sốc vì sự thay đổi nhưng những ngày đầu của cuộc sống mới, Bang phải học, ngay từ chuyện sang đường. Cô cũng từng rất buồn khi trở thành nạn nhân của việc phân biệt chủng tộc trong những ngày đầu đi học.
Ở Clover Park Technology, không một ai trong nhóm bạn da trắng cùng lớp chấp nhận cô tham gia nhóm thực hành thí nghiệm, Bang đành lựa chọn một nhóm khác và cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể.
Bằng lòng tự tôn và ý chí của một cô gái Việt, Bang muốn chứng minh cho các bạn quốc tế thấy rằng, dù là màu da gì cũng không quan trọng, chính sự nỗ lực và quyết tâm đến cùng sẽ quyết định bạn không thua kém bất kỳ ai.
Với anh Phạm Dương Hưng (34 tuổi, Điện Bàn), hiện là giảng viên Trường Đại học Paul Sabatiern - Toulouse 3, Cộng hòa Pháp, “nhớ nhà, nhớ gia đình và quê hương Việt Nam” là những cảm xúc không bao giờ quên của chàng trai chưa bao giờ xa nhà quá 50km, trước khi đặt chân đến sân bay Paris.
Sau một tháng ở Pháp, Hưng quyết định chuyển sang ở cùng các bạn đồng hương để đỡ nhớ không khí Việt Nam và cũng vì không chịu được cảm giác một mình trong căn phòng mùa đông lạnh giá.
Dù đã có 4 năm học tiếng Pháp tại Việt Nam nhưng rào cản ngôn ngữ khiến Hưng gặp rất nhiều khó khăn để thích nghi cuộc sống mới. “Sáu tháng đầu sang Pháp, mình hầu như không thể giao tiếp với người bản xứ. Đây là rào cản trong tìm hiểu văn hóa và học tập” - Hưng kể.
Sau 12 năm học tập, làm việc và sinh sống tại Pháp, Hưng hài lòng với cuộc sống hiện tại khi có một gia đình nhỏ hạnh phúc, có công việc ổn định và được đi khắp nơi để mở mang tầm mắt về những vùng đất mới.
Để đạt được giấc mơ này, Hưng đã luôn nỗ lực không ngừng trong học tập và công việc, thay đổi bản thân để thích nghi tốt với cuộc sống xứ người.
Với Minh Ánh (33 tuổi, Tam Kỳ), việc định cư ở nước ngoài có phần đơn giản và thuận lợi hơn vì Ánh đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng trước khi đặt chân đến Hàn Quốc sinh sống.
Sau 4 năm đại học với ngành Hàn Quốc học, làm việc ở nhiều công ty và tập đoàn lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam và sau đó quyết định du học thạc sĩ, ngoài vốn tiếng Hàn khá tốt, Ánh còn hiểu rõ về văn hóa, con người và cuộc sống của đất nước xứ Kim Chi.
Ánh cho biết: “Hàn Quốc vốn là dân tộc luôn đề cao sự “thuần Hàn” nên khó dung nạp các yếu tố ngoại lai. Bản thân Ánh chưa trải qua vấn đề bị phân biệt chủng tộc nhưng khi sống tại Hàn Quốc, Ánh luôn tuân thủ pháp luật nước sở tại, không ngừng trau dồi năng lực, luôn phấn đấu trong công việc thì sẽ được tôn trọng và không ai dám coi thường mình”.
Ý niệm về nguồn cội
Lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào về văn hóa và cội nguồn là những cảm xúc mạnh mẽ đối với hầu hết người Việt khi bước chân ra nước ngoài.
Cho dù cuộc sống xứ người khá bận rộn và phải xa quê hương suốt nhiều năm nhưng trong tâm thức của 3 bạn trẻ Ánh, Hưng, Bang vẫn luôn ý thức gìn giữ văn hóa Việt trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong việc nuôi dạy con cái ý niệm về nguồn cội.
Nguyễn Thị Bang may mắn sống trong gia đình có 3 thế hệ là người Quảng nên các thành viên đều nói tiếng Việt mỗi ngày. Bang dạy các con biết về văn hóa ứng xử của người Việt, luôn vâng lời và kính trọng ông bà, cha mẹ, thân thiện và giúp đỡ những người xung quanh.
“Ở trường các con được học bằng tiếng Anh nhưng ở nhà mình giao kèo phải nói tiếng Việt với ba mẹ nên các bé tiếp thu rất nhanh. Dịp lễ tết hoặc Trung thu, mình thường dẫn các bé đi chợ Việt, đi chùa hoặc đến những nơi tổ chức các hoạt động văn hóa để các con luôn nhớ về Việt Nam và nguồn cội, gốc gác thuần Việt của mình”.
Với Minh Ánh, ngoài việc duy trì song song 2 ngôn ngữ Hàn - Việt cho bé gái 5 tuổi đang học mẫu giáo, ẩm thực Việt là cách gia đình Ánh luôn nhớ về Việt Nam.
“Nhà mình ngày nào cũng nấu món Việt và dùng gia vị Việt trong các món ăn. Dịp Trung thu thì cả nhà cùng nhau bày biện làm bánh hay ngày tết thì trang trí hoa mai giống không khí tết Việt và cho bé mặc áo dài truyền thống… Những hoạt động này giúp bé ý thức được nguồn gốc và văn hóa Việt đang chảy trong người mình - Minh Ánh nói”.
Ở Pháp, các chương trình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực truyền thống được cộng đồng người Việt và hội sinh viên thường xuyên tổ chức nhằm gắn kết và quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế.
Gia đình anh Phạm Dương Hưng thường tham gia các hoạt động trong hội như chuẩn bị văn nghệ ngày tết, ẩm thực Việt để lưu giữ thói quen. Về dạy con cái, anh thường mua sách, tài liệu về Việt Nam, về quê hương xứ sở và đọc cho bé nghe. Dịp tết hoặc hè, gia đình sẽ lại thăm Việt Nam mỗi năm một lần để con được gần hơn với ông bà và có thêm nhiều cảm nhận về quê hương Việt Nam.