Mẹ rừng
(QNO) - “Mẹ rừng cho ta củi đốt. Cho thuốc chữa bệnh. Cho cái ăn, nước uống. Cho sự khỏe mạnh, bình an. Đàn bà được dạy để đan lát, dệt thổ cẩm. Đàn ông được ban sức khỏe để giữ rừng. Mẹ rừng, là nguồn sống”...
Xanh thắm Tây Giang
Những đứa con của rừng lớn lên từ mùi khói. Con trai học rèn rựa, rèn rìu, học cách chơi đàn abel. Con gái học mẹ dệt thổ cẩm, biết cách tra hạt trên nương, biết ủ men rượu cần để dành cho những ngày trọng đại. Nhưng có một bài học mà họ còn được học từ sớm hơn cả những điều ấy: học yêu lấy rừng.
Chúng tôi ngược lên vùng cao khu 7, về với xã Ch’ơm, nơi phên dậu của Tây Giang giáp ranh với nước bạn Lào. Riah Nhít, người bạn núi đón chúng tôi với lời hẹn ngược rừng, thăm cánh rừng nguyên sinh ở ngay sát bên ngôi làng của bạn. Ngước nhìn lên, đã thấy những bóng cây cổ thụ sừng sững. Màu xanh ngút ngàn trước mắt.
Riah Nhít tìm, chặt lấy 2 đoạn cây khô đưa chúng tôi làm gậy. Còn thiếu một “chiếc gậy” cho thành viên còn lại, Nhít cứ loay hoay mãi nhưng không tìm thấy đoạn cây khô nào khác. Anh quay mặt về phía rừng, lầm rầm điều gì đó.
Chúng tôi không khỏi thắc mắc vì xung quanh Nhít có khá nhiều cây. Anh lý giải, không phải cây nào cũng chặt được Nói đoạn, Nhít vung dao lên, chặt lấy một cành cây tạp để đưa cho thành viên còn lại. Phút “lầm rầm” của Nhít khi nãy, là lúc anh đang khấn vái để xin phép “thần rừng”.
Chúng tôi đặt chân lên thảm lá mục dày, êm như bước đi trên một tấm nệm mềm. Nơi này, hệ động thực vật khá phong phú, không chỉ những thân cây cổ thụ còn nguyên vẹn, mà đồng bào hầu như không đụng đến rừng. Họ chỉ chặt những cây nhỏ, cây tạp, và đụng đến một cây rừng nào, họ cũng đều xin phép thần rừng.
Hình như, chính sự nghiêm cẩn thành kính với rừng, trong niềm tin tuyệt đối về sức mạnh và sự chở che của thần rừng, họ mới có cảm giác an toàn. An toàn trong chính “ngôi nhà lớn” của mình, là rừng xanh. Đó cũng là thứ sức mạnh phòng vệ cho Tây Giang, nơi có đến 90% cư dân là đồng bào Cơ Tu, để giữ được rừng trước những cuộc “thảm sát” như ở nhiều nơi. Rừng vẫn được giữ, và từng người, từng nhà sẽ là thành viên đắc lực để bảo vệ lấy bao cánh rừng bạt ngàn miền biên ải...
Một đoàn người trở ra từ lối mòn mà chúng tôi đang đi. Trên lưng họ, là những gùi củi được xếp tròn, đều tăm tắp. Đều là củi khô. Riah Nhít nói, họ lấy củi về để chuẩn bị đi “tà moòi”: nhà gái sẽ chuẩn bị lễ vật để đến thăm thông gia của mình trong mùa xuân mới. “Nhìn gùi củi nhỏ như thế, nhưng cũng mất một buổi mới lấy đủ. Bà con rất kiêng kị việc xâm hại vào rừng, nên họ chỉ chặt củi khô từ những thân cây đã gãy mục, đã chết. Tục này vẫn được giữ cho đến tận bây giờ” - Nhít lý giải.
[VIDEO] - Xanh thẳm những cánh rừng Tây Giang:
Linh thiêng “Mẹ rừng”
Năm 2020, tôi vào Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn) sau gần một tháng trời đường bị cắt đứt. Dòng sông Đăk Mét xé toang trung tâm xã Phước Thành, lấp kín đá hộc trắng xóa kéo dài cả chục cây số. Những tảng đá to bằng chiếc ô tô, bị lũ cuốn từ đỉnh núi, hung tợn kéo sập nhà cửa, ruộng rẫy. Tang tóc.
Không lâu sau đó, tôi ngược qua phía Tây Giang. Hoàng hôn tím sẫm, phủ lên những nóc nhà của thôn Arầng (xã Axan). Chúng tôi đi xuyên qua những con suối nhỏ, qua những rặng cây ăn quả của người làng. Trên đó, có một cánh rừng già. Rừng đã giữ đất, giúp cho ngôi làng nhỏ bình yên sau cơn giận dữ của đất trời. Liên tiếp năm 2020 và 2021, tất cả các khu tái định cư, khu dân cư ở Tây Giang đều an toàn, trong khi nhiều nơi khác, lũ quét và sạt lở gây nhiều thảm nạn.
Già làng Hốih Nhiếc (thôn Arầng, xã Axan) nói, bà con được ơn chở che của “Mẹ rừng”. Nhiều năm rồi, đồng bào vẫn đều đặn tổ chức lễ hội Tạ ơn rừng trong làng sinh thái di sản Pơmu. Là niềm tin, sự kính ngưỡng tuyệt đối với “Mẹ rừng”, là những ước vọng gửi gắm vào thần linh, ngự trị trong những cánh rừng xanh thẳm.
Họ mang đến gà, dê, bánh sừng trâu, xôi nếp, sắn luộc, rau rừng..., rất nhiều thức vật mà dân làng có được, từ rừng, mời thần linh về dự lễ, để cầu mong được chở che, phù hộ mùa màng tươi tốt, không ốm đau bệnh tật. Con gà trống trên nóc mái gươl, thật kỳ lạ, cũng được dùng để tượng trưng cho cây cối ở trong rừng.
Con gà có 3 phần: đầu, mình, chân tay. Cây cối cũng thế. Thần linh trú ngụ trong đó. Nếu để ý kỹ, tất cả tượng gà trống ở vùng này đều ngoảnh cổ về gươl. Điều đó thể hiện cho sự cầu mong hướng mọi sự tốt lành về người dân, thần linh luôn nhìn về dân làng để mang đến những điều tốt đẹp.
Già làng Hốih Nhiếc, thôn Arầng, xã Axan (Tây Giang)
[VIDEO] - Lễ tạ ơn rừng của người Cơ Tu:
Rừng hiện hữu trong mọi ý niệm, mọi triết lý, mọi nghĩ suy của những người Cơ Tu. Già làng Bríu Pố, chủ nhân của bức tượng “Mẹ rừng” kể lại câu chuyện cổ, rằng xưa có hai con ích kỷ, tung tin xấu để không một ai dám vào rừng làm nương rẫy, săn bắn, hái lượm để một mình độc chiếm cánh rừng.
Một ngày mưa gió, đứa con lười biếng, không muốn vào rừng gỡ bẫy nhưng sợ cha, nên vừa đi, vừa chửi. Những cái bẫy trống trơn, cho đến cái cuối cùng, có một người đàn bà mắc bẫy. Bà ấy giống người, nhưng tóc xanh như lá, chân như rễ cây. Người con hoảng sợ bỏ chạy. “Mẹ rừng” bấy giờ mới lên tiếng: “Ta là mẹ rừng, cai quản khu rừng này”. Nói xong, mẹ rừng nắm cổ người con, dúi vào bụi dương xỉ để cảnh cáo. Bà đổ trong gùi của mình rất nhiều muông thú, nói người con hãy mang về cho dân làng. Cả làng từ đấy tin rằng có mẹ rừng linh thiêng.
Là sự tích đấy, nhưng phải tin, tuyệt đối. Người Cơ Tu cho rằng cha mẹ tổ tiên của rừng là các vị thần. Họ tạo ra cây cối, nước non, chim thú. Con người sống hòa hợp với rừng. Nếu mất rừng sẽ mất tất cả. Nếu muốn sống tốt phải giữ. Muốn làm gì cũng phải xin, “Mẹ rừng” cho phép, mới được làm.
Già làng Bríu Pố - xã Lăng (Tây Giang)
Vọng tiếng đại ngàn
Sau 20 năm tái lập, Tây Giang có độ che phủ rừng lên đến 73%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 70% diện tích toàn huyện. Không hẳn một nỗ lực đơn thuần, đó thực sự là kỳ tích. Rừng gắn bó với người, người sinh ra thì rừng đã có trước, che chở, nuôi nấng con người.
Chính từ lẽ đó, người Cơ Tu ở Tây Giang rất coi trọng mọi việc làm khi động đến rừng, việc bảo vệ rừng già, rừng đầu nguồn sông, suối đã kết thành một nét văn hóa riêng. “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”, thái độ sống với rừng được địa phương này đưa hẳn vào... nghị quyết.
Tôi theo chân già làng Bríu Pố đi sâu vào cánh rừng. Già Pố dừng lại. Ông chỉ vào vào cây palung a'ut (cây thường sơn) mọc ven đường, nói đó là thứ “thần dược” trị sốt rét của người Cơ Tu.
Đồng bào không chết nhiều vì sốt rét, là nhờ Mẹ rừng cho cây này đấy. Nghĩa của nó là dạ dày con bìm bịp, rất tốt. Từ vật sống, đến cây củi cũng có linh hồn. Người Cơ Tu quan niệm có những loại củi quý đến mức người ta chỉ dùng để tặng, và chỉ mang ra để đốt lửa sưởi ấm, tiễn đưa người chết trước khi họ xuống mồ ma. Mọi thứ trong rừng đều là của quý.
Già làng Bríu Pố - xã Lăng (Tây Giang)
Từng bước chân của già làng cũng yên lặng như cái cách ông chạm vào từng cây cỏ, một sự kính ngưỡng tuyệt đối với rừng. Ông đi rất nhẹ, thi thoảng dừng lại, ngước mắt nhìn lên đâu đó phía những tán cây, nghe ngóng, đối thoại rầm rì. Một “cuộc nói chuyện” với thần rừng trong khe khẽ, trước khi bước vào mảnh đất của những vị thần…
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ về quyết tâm bảo vệ rừng của huyện:
Hiện nay, toàn huyện Tây Giang có diện tích rừng hơn 91.000 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 70% diện tích với nhiều cánh rừng quý như khu rừng lim, rừng đỗ quyên cùng với sự đa dạng của hệ thống động thực vật quý hiếm.
Tây Giang có hơn 2.000 cây có tuổi đời từ vài trăm năm đến cả nghìn năm. Đồng thời là địa phương phát hiện, quản lý, bảo tồn nhiều hệ động, thực vật quý hiếm, như khu rừng nguyên sinh Pơmu với 1.366 cây, trong đó có 725 cây có tuổi thọ từ 200 đến 1.328 năm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam; rừng đặc dụng Sao la; rừng Đỗ Quyên cổ thụ; rừng Lim, với tổng diện tích trên 1.000ha…
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, hàng năm địa phương này đều tổ chức lễ hội khai năm Tạ ơn rừng. Lễ hội là sự kiện tái hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đồng thời mang ý nghĩa rất lớn trong việc biểu dương các hành động đẹp, khuyến khích việc giữ rừng của các cộng đồng được giao khoán bảo vệ rừng.
Đồng bào Cơ Tu sẽ cùng chung tay gìn giữ môi trường tự nhiên, bảo vệ rừng già và nguồn nước. Hàng nghìn héc ta rừng nguyên sinh, từ quần thể pơmu di sản, rừng lim quý hiếm cho đến quần thể đỗ quyên được gìn giữ nguyên vẹn, xanh màu là minh chứng lớn nhất trong việc góp công bảo vệ của cộng đồng Tây Giang.
Từ năm 2015 đến nay, đồng bào cũng đã trồng mới hơn 4.000ha rừng. Nạn phá rừng tự nhiên được ngăn chặn, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng, môi trường sinh thái được bảo vệ tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang
* * *
Trống chiêng đã nổi lên giữa rừng già. Già Hôih Nhiếc cất câu hát quen thuộc vào lễ tạ ơn rừng. “Búp măng mọc ở rừng. Chim Gầm Gì ở đầu nguồn. Chim Triing ở cuối sông, đều cùng ở trong rừng. Một mai cái cây không bị bóc vỏ, con trút ko mất vảy, chúng ta phải cố gắng giữ gìn. Uống rượu đừng cãi nhau. Uống Tr'đin dừng làm điều không tốt. Hãy giữ lấy rừng, cho cháu con...”.