Bánh mì cho tết đoàn viên
Bốn năm du học Mỹ, tôi vẫn chưa về nhà. Niềm mong mỏi được hạnh ngộ cùng gia đình mỗi mùa Tết đoàn viên chưa bao giờ nguôi ngoai. Một mùa Tết nữa không có bánh chưng, bánh tét, lại càng không có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, tôi nghĩ hóa ra bánh mì vẫn có thể làm nên một mùa Tết an khang...
Bánh mì trong... tiệm phở
Trường tôi học là Hamline University, ở St Paul, Minnesota (một tiểu bang vùng Trung Tây của Hoa Kỳ). Tôi sống gần trường, cách chừng 4 con phố nên thường đi bộ đến lớp.
Sáng sớm vội đi học, lần nào ngang quán Phở Pasteur tôi cũng ngửi thấy mùi thịt nướng trong không khí, lòng cồn cào nhớ Việt Nam vô hạn.
Cô Tiên, chủ quán quê ở Sài Gòn, đặt chân đến Mỹ năm 2005. Cô nói rằng đặt tên Phở Pasteur cho những người già Việt Nam xa xứ nhớ về quán phở Hòa từng ở trên đường Pasteur, Sài Gòn trước năm 1975. Tuy bán phở nhưng quán lại có bánh mì khá ngon.
Phở Pasteur mới mở năm 2019, cô Tiên mở quán chỉ vì kiều bào ở đây không nhiều như California, tìm quán Việt ăn cho đỡ thèm lại càng khó.
Vì để tạo không khí Việt Nam nhiều nhất có thể, cô trang trí quán với tranh mã đáo thành công, một chiếc ti vi phát nhạc bolero ngay lối vào, một chiếc ti vi khác chiếu xe cộ Sài Gòn. Phở Pasteur còn có một mùi phở đặc trưng, nên bước vào quán lại có cảm giác như… ở nhà.
Lúc tôi còn sống tại TP.Tam Kỳ, học cấp 2 ở Trường THCS Lý Tự Trọng, tôi hay ăn cơm thịt nướng trước trường. Đặc sản thịt nướng ở Việt Nam hình như là phải nướng ở ngoài đường nơi xe cộ qua lại.
Mỡ hành phải được rán nóng chảy, tóp mỡ bùi bùi béo béo thì cơm ăn mới chắc bụng. Những hương vị đó, ở đất Mỹ này, càng thêm sống động khi tôi rảo bước qua quán Phở Pasteur. Mặc dù cô không nướng thịt ở ngoài đường, nhưng mùi thịt nướng vẫn đậm đà, vẹn nguyên, vẫn thơm lừng mùi nước mắm.
Ổ bánh mì ở quán to gấp đôi bánh mì ở Việt Nam để phục vụ khách Mỹ vốn to cao. Bánh mì vẫn được phết pate, bơ trứng, đầy đủ đồ chua và rau, dưa leo, hành, kẹp với thịt nướng nóng giòn.
Tôi thường mua bánh mì với một ly cà phê sữa đá, không chỉ vì chúng ăn nhập với nhau, mà còn bởi thứ gì có thể Việt Nam hơn với một ổ bánh mì và một ly cà phê?
Trời trở lạnh, khách vãng lai mong một tô phở ấm, nhưng tôi lại thấy người Việt tha hương ăn bánh mì ở quán nhiều hơn cả. Dường như việc ăn chiếc bánh mì, vừa đi vừa nhai đã trở thành một điều quen thuộc nằm lòng.
Không một người Việt Nam nào không biết ăn bánh mì, mà phải vừa ăn vừa làm việc khác mới đúng điệu hay sao? Chiếc bánh mì theo chân người Việt đến ruộng lúa, đến công sở.
Trẻ con cấp Một đã biết ăn bánh mì khi bố mẹ nhao nháo cho kịp giờ làm giờ học. Người Việt tha hương, vì thế mà nhớ nhung ổ bánh mì giản dị ấy đến bội phần.
Gieo nhớ thương nơi viễn xứ
Tôi nghĩ, bởi vì xa xứ nên người Việt trên đất Mỹ vô tình quảng bá ẩm thực nước nhà tới những cộng đồng khác. Bạn bè tôi không ai là chưa thử bánh mì ở quán Phở Pasteur cũng vì tôi hay càm ràm bánh mì ngon lắm, thử đi.
Người yêu tôi, một người Mỹ trắng, một lần có thể ăn tới hai ổ bánh mì, trong khi tôi một ổ phải ăn thành hai bữa vì bánh mì quá to. Anh còn biết so sánh thịt heo nướng hoặc thịt bò nướng ngon hơn thịt gà khi kẹp với bánh mì.
Những người tôi gặp, khi nhắc đến ẩm thực Việt, họ đều biết một là bánh mì, hai là phở, ba là cà phê, nhưng cà phê thì hay đi kèm với bánh mì mất rồi.
Sự thân thuộc của chiếc bánh mì Việt Nam càng quan trọng hơn khi nó đã trở thành niềm... an ủi cho biết bao người Việt tha hương, đặc biệt là du học sinh, trong những ngày Tết cổ truyền cận kề.
Với những bang người Việt đông, gói bánh chưng, bánh tét là điều bình thường. Tôi nhớ năm đầu đi du học, tôi có dịp được đón Tết với gia đình bạn của ba tôi tại Boston. Mọi người tụ tập mặc áo dài, nấu bánh chưng, hát hò và phát lì xì rất vui.
Nhưng rồi những năm về sau, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, quây quần bên nồi bánh chưng trong cái lạnh giá nước Mỹ là một điều rất xa xỉ đối với du học sinh như tôi cũng như đối với rất nhiều người Việt nơi này.
Chiếc bánh mì, vì lẽ đó, đã trở thành món ăn thân thuộc vào Tết cổ truyền. Điều này có lẽ rất khác so với cách người Việt đón Tết, nhưng biết làm sao khi bánh chưng, bánh tét khan hiếm hoặc đắt đỏ? Với hoàn cảnh như thế, chiếc bánh mì hằng ngày lại trở thành đặc sản cho năm mới, chúc nhau một năm thịnh vượng với ước muốn được trở về quây quần bên mâm cơm tất niên.
Thay vì trào nước mắt nhớ nhà, nhớ mâm cỗ cúng lúc nửa đêm, người ta mua một ổ bánh mì cuối ngày sau khi xong ca làm. Vừa đi vừa nhai cái vỏ giòn rụm, miếng thịt nướng thơm lừng và pate bơ trứng, thêm ít rau mùi và tương ớt, vậy mà xong thêm một mùa Tết tha hương trong những giấc mơ sầu xứ.
Chiếc bánh mì đơn giản, dễ dàng tiếp cận và đầy ý nghĩa, không chỉ là thức ăn mà còn là sự chấp nhận thay đổi trong tâm hồn Việt. Mỗi lớp vỏ giòn và mỗi miếng nhưn thơm ngon như là một lá thư tình cảm, là lời chúc phúc, gửi đi những ước mong về quê nhà cho một năm mới tràn đầy may mắn và thành công.