Người Quảng Nam

Người Quảng ở xứ cờ hoa

Ghi ghép của PHẠM XUÂN HÙNG 09/02/2024 07:15

Tôi đến Mỹ vào mùa hè. Trừ sa mạc Mojave nóng như thiêu đốt, còn lại ở cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ nhiệt độ vừa phải, gió mát. Nhất là ở bờ Tây, ngay bang California mà người Việt thường gọi tắt là bang Cali gió thổi lồng lộng.

tnb-61877-07.jpg
Đồng hương người Quảng gặp nhau ở Mỹ. Ảnh: X.H

Ngay chỗ tôi đứng, Huntington Beach, bãi biển dài với bờ cát trắng mịn. Gió từ Thái Bình Dương thổi vào rười rượi mát. Tôi chợt nghĩ, không biết có ngọn gió nào từ Hội An hay Kỳ Hà lang thang mây trời rồi đậu xuống vai tôi. Nghĩ vậy là bởi chuyến đi dài ngày, miệng đã thấy nhớ món mỳ Quảng, tai đã thèm nghe giọng Quảng ríu ran, nói thôi đã như cãi…

Nguyễn Anh Vũ gọi điện bảo, anh Hùng đi đâu thì đi nhưng phải dành cho Vũ một ngày để thăm chơi New York. Tất nhiên, đến Mỹ mà không đến New York sao được.

Vũ đón tôi từ thành phố Boston, xe chạy miên man trên đường cao tốc nối Boston và New York. Nhà Vũ cách trung tâm New York chừng 2 giờ đồng hồ, ở Mỹ chừng đó dặm đường được coi là gần.

Tôi quen Vũ qua người bạn khác, Vũ là người Duy Xuyên, sang đây đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Từ Vũ, ba mẹ sang theo diện bảo lãnh và khi tôi thăm chơi nhà thấy đúng là “tam đại đồng đường” trên đất Mỹ. Cả nhà “rặt” giọng Quảng Nam, vợ Vũ cũng người Quảng, chủ một tiệm nails.

Vũ khéo tay, đam mê kỹ thuật nên làm nhiều nghề, gọi kiểu Việt Nam là “thợ đụng”. Nhưng nhìn gia cảnh thấy cũng khá giả, con cái học hành đường hoàng.

Tôi hỏi Vũ, sau dịch COVID-19 đã về quê lần nào chưa? Vũ bảo, em mới về. Nói rồi mở smartphone khoe ảnh luôn. Vũ bảo, em về cứ mê mấy cánh đồng lúa ở Hội An, Điện Bàn, còn thắng cảnh ở miền Bắc thì khỏi chê.

Đêm xuống, nghỉ lại nhà Vũ, tôi hỏi có lúc nào nhớ quê quá không? Vũ nhắp chén rượu, bảo, không nhớ sao được. Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng… mà lòng còn thương cây nhớ cội, huống chi, em ở xứ này, mở mắt ra là thấy cao tốc, thấy nhà cao tầng, anh bảo sao không nhớ. Tôi hỏi Vũ, sợ điều gì nhất. Vũ bảo, em lớn tuổi rồi, chỉ sợ con không rành tiếng Việt.

Dưới ánh đèn, tôi thấy Vũ nghiêng đầu về một phía, chừng như giấu một đuôi mắt vừa mới loang ướt.

Cách Vũ cũng khoảng 2 giờ đồng hồ xe ô tô là nơi ở của Hứa Văn Thưởng. Thưởng hẹn tôi ở New York. Thưởng đồng hương vợ tôi, quê ở Duy Xuyên, sang đây cũng vào thập niên 90. Vợ chồng Thưởng có khiếu kinh doanh nên kinh tế khá vững vàng.

Từ trung tâm thành phố New York, chạy gần 1 giờ đồng hồ mới đến được nhà hàng mà Thưởng đã đặt bàn ăn tối. Tôi nói, đi ăn chi xa dữ vậy? Thưởng bảo, biết anh sang đây đã dài ngày, chắc thèm đồ ăn Việt. Ở đây, quán ăn có khẩu vị Việt Nam đã hiếm, ngon thì lại càng hiếm. Nên chịu khó chút anh!

Trừ Cali, người Quảng ở rải rác nhiều bang trên đất Mỹ. Có nhiều nơi, người Quảng có vài mươi hộ tập trung một chỗ như ở khu Meyer, Pensacola thuộc bang Florida. Ở đây, hầu như đủ mặt các huyện thị ở Quảng Nam. Sống gần gũi nên có luôn hội đồng hương, ấn định ngày họp hội, liên hoan…, chẳng khác ở quê nhà.

Vợ chồng Thưởng gọi nhiều món ăn, nhưng rồi cả hai cứ chống đũa, chuyện trò suốt. Thưởng bảo, ở đây thèm tiếng Việt, thèm gặp người Việt quen biết lắm.

Nói về chuyện làm ăn, Thưởng bảo, người Việt mình sang đây đều chí thú làm ăn. Ai sang đây cũng chịu khó, có nghề gì trong tay thì làm nghề nấy, chưa có nghề thì học nghề như làm nails, giữ trẻ, cào tuyết, cắt cỏ, thổi lá...

Thấy tôi hơi ngạc nhiên, Thưởng bảo, ở đây cắt cỏ bằng xe và máy cắt. Cào tuyết thì vào mùa đông còn thổi lá vào mùa thu. Công cán thì sao, tôi hỏi Thưởng.

ông cán thì tùy việc, tùy bang nhưng việc nào cũng từ 12 đến 15 đô la một giờ. Siêng năng thì mỗi ngày cũng kiếm được từ 100 đến 150 đô la. Mức thu nhập ấy là sống tương đối đầy đủ. Vợ Thưởng tiếp lời, ở đây ai cũng lo làm ăn, vừa để trang trải cuộc sống, tích lũy được đồng nào thì san sẻ cho gia đình, bà con ở Việt Nam.

Cũng như Vũ, Thưởng buồn buồn bảo, xa quê ngái xứ mà anh. Có giúp vậy rồi qua lại đây mới thấy lòng nhẹ hơn.

Có đứt từng khúc ruột không? Tôi hỏi Nguyệt. Nguyệt là người tôi tình cờ gặp ở chợ Hà Tiên, một ngôi chợ thuần Việt ở Worcester thuộc bang Massachusett, cách Boston chừng trăm cây số.

Nguyệt họ tên đầy đủ là Lê Thị Nguyệt, quê ở thôn Thanh Vân, xã Đại Cường, Đại Lộc. Nguyệt nói người Quảng có câu hát thương nhau trường đoạn ối a đoạn trường, đoạn trường là đứt ruột đó. Nói rồi cười, cười mà mặt cứ cúi xuống.

Nguyệt sinh năm 1978 nhưng nhìn trẻ hơn tuổi. Sang đây từ năm 2000, Nguyệt không có nghề nên phụ bán ở chợ Hà Tiên. Công việc của Nguyệt là đứng quầy bán bánh mì kiểu Việt Nam.

Chợ Hà Tiên này do một người miền Tây Nam Bộ khởi xướng vài chục năm trước, bán đủ thứ, từ thực phẩm tươi sống đến cả hàng khô như mì tôm gói, mỳ Quảng khô… Biết tôi từ Việt Nam sang thăm chơi, vợ là người Quảng, Nguyệt mừng ra mặt.

Chị ở Duy Xuyên hả, qua Đại Lộc em có chút xíu chứ nhiêu. Nói rồi tay làm miệng kể. Nguyệt bán bánh mì ở đây theo ca, ngày 8 tiếng, công cán tính theo giờ, mỗi giờ 12 đô la.

Chừng đó đủ sống nhưng không quá dư dả. Hơn 6 năm rồi Nguyệt chưa về quê. Tôi hỏi, sao lâu về vậy. Nguyệt bảo, em tính làm thêm có tiền rồi về một lần cất nhà cho ba má ở quê luôn.

Trong ngôi chợ Hà Tiên này, tôi còn gặp thêm nhiều người Quảng nữa, Mạnh quê Điện Bàn, Hào quê Thăng Bình… Mạnh và Hào tầm 50 tuổi, có sức khỏe nên chuyên việc đẩy xe hàng thực phẩm tươi sống. Công cán được trả cao hơn Nguyệt, người nào cũng vui vẻ trò chuyện với tôi.

Tôi chẳng giấu giếm nói mình làm nghề báo, có đồng ý cho chụp ảnh mới chụp, đồng ý cho viết mới viết. Nguyệt bảo, anh chụp ảnh em thì chụp cho đẹp kẻo ở quê thấy họ cười. Mạnh và Hào thì xua tay, thôi anh viết là được rồi, chụp ảnh bọn em đẩy xe, kéo hàng, ở nhà thấy lại bảo bọn em làm cu li.

Làm cu li thì có sao đâu? Làm gì lương thiện, có thu nhập, sống được thì làm. Đó là lời Uy Nguyễn, một người Quảng bạn tôi ở bang Cali bờ Tây nói khi gặp tôi.

Uy Nguyễn quê ở thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, là Tổng Giám đốc Công ty Teletron chuyên về sản phẩm điện máy và nội thất, doanh số mỗi năm hơn trăm triệu đô.

Sinh năm 1970, Uy Nguyễn có thể coi là doanh nhân thành đạt. Nhưng trước đó, khi mới sang Mỹ, anh đã phải vượt qua nhiều khó khăn mới có ngày hôm nay. Uy Nguyễn bảo, ở đâu cũng vậy, phải cố gắng làm lụng, tương lai chỉ mỉm cười với ai biết đổ mồ hôi, biết quý mồ hôi. Nói đúng, cấm cãi anh hè.

Nghe chữ cấm cãi, tôi cười. Là bởi, người Quảng Nam đi đâu cũng được xem là hay cãi. Tôi hỏi Uy Nguyễn, người Quảng qua đây có cãi nhau không? Uy Nguyễn trả lời, cái đó ăn trong máu rồi, không cãi sao đặng. Như em chẳng hạn, kinh doanh là phải thuyết phục, tranh luận, người ta hiểu chưa tới, chưa đúng thì phải cãi cho đối tác thông tỏ, có vậy họ mới mua hàng chớ.

Ghi ghép của PHẠM XUÂN HÙNG