Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam: Cung ứng nguồn sâm giống chất lượng
Những năm qua, với nhiều giải pháp hiệu quả, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đã bảo tồn và phát triển cây dược liệu gắn với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; từng bước hình thành và phát triển vùng nguyên liệu có quy mô lớn phục vụ cho việc chế biến sâu nhiều loại sản phẩm từ dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng.
Trong năm 2023, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam sản xuất được 109.500 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi, tăng gần 2 lần so với năm 2022; số lượng hạt thu hái khoảng 180.600 hạt, tăng gần 4% so với cùng kỳ.
Nguồn cây giống sản xuất được trong năm 2022 và 2023, trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025 (Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh và Quyết định số 1325 ngày 17/5/2022 của UBND tỉnh, trung tâm đã cung ứng cho huyện Nam Trà My 98.333 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi để hỗ trợ cho người dân địa phương theo cơ chế hỗ trợ và Nhà nước đặt hàng.
Năm 2022 cung ứng 20.000 cây, với số hộ dân được hưởng lợi là 485 hộ và năm 2023 là 78.333 cây, với 1.163 hộ trên địa bàn 7/10 xã theo quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My được hưởng lợi.
Đồng thời, số lượng cây giống còn lại hằng năm phát triển trồng mới tại vườn bảo tồn sâm Ngọc Linh giống gốc của tỉnh và cung ứng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu tập trung gắn với chế biến các loại sản phẩm như dược phẩm, nước uống, viên nén, mỹ phẩm...
Trong những năm đến, để thực hiện tốt Đề án phát triển sâm Việt Nam, trung tâm tập trung công tác đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao năng lực sản xuất cây giống, từng bước đảm bảo nguồn giống có nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng, cung ứng cho phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện Nam Trà My nói riêng.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất cây giống để phục vụ tốt công tác bảo tồn và phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh và một số loại cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, các bộ ngành có liên quan tập trung nghiên cứu khoa học, phấn đấu trở thành trung tâm giống sâm Ngọc Linh của cả nước.