Điểm đến

Khẳng định thương hiệu điểm đến Mỹ Sơn

THÂN VĨNH 09/02/2024 05:42

Đón 380 nghìn lượt khách mua vé tham quan, doanh thu hơn 60 tỷ đồng, đạt 344,31% so với cùng kỳ, vượt gần 216% kế hoạch cả năm. Đây là những con số vô cùng ấn tượng, phản ánh quá trình phục hồi ngoạn mục của du lịch Mỹ Sơn trong năm 2023.

ms0.jpg
Mỹ Sơn xây dựng nhiều sản phẩm mới phục vụ khách tham quan. Ảnh: T.VĨNH

Du lịch vượt chỉ tiêu

Năm 2023, mặc dù khách quốc tế đến Quảng Nam gia tăng, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, nhất là các thị trường khách truyền thống. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn thách thức, du lịch Mỹ Sơn vẫn gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.

Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, tổng lượt khách tham quan khu đền tháp năm 2023 chạm 380 nghìn lượt, đạt 344,31% so với cùng kỳ (335 nghìn lượt khách nước ngoài, đạt 500,90% so với cùng kỳ).

Tổng doanh thu 60,305 tỷ đồng, đạt gần 216% kế hoạch năm. Riêng doanh thu dịch vụ bán hàng chạm 5,3 tỷ đồng, thuyết minh đạt 255 triệu đồng.

Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, bên cạnh những yếu tố khách quan từ sự phục hồi chung của du lịch Việt Nam, Quảng Nam thì không thể không nhắc đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, lãnh đạo đơn vị, nhất là trong công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng hình ảnh, sản phẩm dịch vụ du lịch Mỹ Sơn.

Năm 2023, Ban Quản lý đã triển khai hàng loạt chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch từ trực quan đến trực tuyến như tham gia Hội chợ quốc tế VITM Hà Nội, Ngày hội Hội đồng hương Quảng Nam (TP.Hồ Chí Minh), Ngày hội Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam (TP.Hội An), Triển lãm không gian Di sản văn hóa và sản phẩm thủ công truyền thống (Ninh Bình)…

ms2.jpg
Mỹ Sơn đi đầu trong quá trình chuyển đổi số. Ảnh: T.VĨNH

Hình ảnh Mỹ Sơn đã xuất hiện trên nhiều kênh thông tin báo đài, các hãng phim truyền hình… Đặc biệt, thông qua hệ thống internet, ứng dụng chuyển đổi số, hàng trăm tin, bài đã được đăng tải trên các trang website, mạng xã hội như facebook, zalo… giúp lan tỏa hình ảnh Mỹ Sơn đến gần hơn với du khách trong nước, quốc tế.

Cạnh đó, một số tiết mục, sản phẩm du lịch mới cũng được đưa vào biểu diễn, phục vụ khách như múa Đội “Ciet”, “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”, “Mùa hạ về bên tháp cổ”, “Xuân về tháp cổ”… mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách tham quan.

“Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo hạ tầng dịch vụ, đầu tư trang thiết bị, phát triển sản phẩm du lịch mới gắn với chuyển đổi số, thực hiện văn hóa, văn minh, nội quy trong hoạt động xe điện, bổ sung lực lượng hướng dẫn thuyết minh, đa dạng mặt hàng lưu niệm... đã mang đến sự phong phú, mới lạ cho du khách trong quá trình khám phá, trải nghiệm Mỹ Sơn” - ông Phan Hộ chia sẻ.

Hồi sinh các đền tháp Champa

Năm 2023 dự án bảo tồn nhóm tháp A với sự hỗ trợ của các chuyên gia Ấn Độ đã chính thức hoàn thành đưa vào đón khách sau nhiều năm thi công, góp phần mở rộng không gian di sản, tôn thêm vẻ đẹp cho Mỹ Sơn.

Từ thành công của dự án, đã tạo tiền đề tốt để Ban Quản lý Mỹ Sơn và các cấp ngành liên quan của tỉnh tiếp tục kết nối chuyên gia ASI, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam xúc tiến hồ sơ kỹ thuật, nghiên cứu khảo sát, khu tháp F, chuẩn bị các điều kiện cho dự án trùng tu nhóm tháp E,F trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

ms4.jpg
Các dự án bảo tồn thành công đã góp phần mở rộng không gian di sản giúp du lịch Mỹ Sơn phục hồi ngoạn mục trong năm 2023. Ảnh: T.VĨNH

Ông Phan Hộ cho biết, năm 2023 được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu những kết quả đạt được trên lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di sản, trọng tâm là dự án hợp tác trùng tu với Ấn Độ. Trong đó, việc hoàn thành công tác bảo tồn các kiến trúc đền tháp đã mở ra những cơ hội mới cho Mỹ Sơn những năm tiếp theo, rõ nét nhất là sự hợp tác với các chuyên gia đến từ Quỹ Carlo Maurilio Lerici (Ý).

Năm 2023, các chuyên gia đã bước đầu tiến hành dọn dẹp khảo cổ khu tháp L, vẽ lại mặt bằng khu tháp L theo hiện trạng, xây dựng cơ sở dữ liệu trước khi lên phương án khảo cổ, trùng tu vào năm 2024. Xây dựng hồ sơ, phương án kỹ thuật trùng tu, tôn tạo khu tháp D1, D2.

Phối hợp với Viện Khảo cổ học (Bộ VH-TT&DL) tiến hành khảo cổ, thám sát, phát lộ con đường hoàng đạo từ khu tháp K đến khu tháp E,F, trở thành một sự kiện nổi bật trên lĩnh vực khảo cổ học năm 2023 tại Việt Nam, hé mở những triển vọng về việc khai quật các dấu vết trong lòng đất Mỹ Sơn những năm tiếp theo.

Không chỉ thành công ở những dự án lớn, năm 2023 đạt nhiều kết quả trong công tác bảo tồn di sản như trùng tu, tôn tạo các mảng tường kiến trúc tháp B6, B2, B4, chỉnh lý đài thờ B1; gia cố các tháp có nguy cơ sập đổ, ảnh hưởng đến sự an toàn du khách như tháp C2, D1, B5, E6, E3.

Tổ chức diệt cây cỏ, cây thân mộc tại các nhóm tháp A’ bằng công nghệ sinh học, tiến hành dọn vệ sinh định kỳ, số hóa hiện vật… hướng đến hồi sinh di sản vững chãi, xinh đẹp, an toàn hơn.

Một thành công nổi bật mà Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đạt được năm 2023 chính là công tác chuyển đổi số. Thể hiện rõ nhất ở hoạt động quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm du lịch. Trong đó, việc đưa sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ (Audio Guide) với 6 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Hàn, Nhật, Trung vào thử nghiệm từ giữa cuối tháng 6/2023 đã mang lại kết quả ngoài mong đợi.

Với những ưu điểm vượt trội như nội dung thuyết minh chính xác, giúp khách chủ động nghe các bài thuyết minh theo ý thích và ngôn ngữ phù hợp, nghe lại nhiều lần… đã tạo điểm nhấn thú vị, làm phong phú, đa dạng hơn các sản phẩm dịch vụ Mỹ Sơn, được du khách đánh giá cao.

Ông Phan Hộ khẳng định, việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch không chỉ đáp ứng nhu cầu khách tham quan, mang đến những trải nghiệm thú vị, nâng cao chất lượng điểm đến, làm giàu giá trị di sản mà còn thể hiện sự thích ứng, đón đầu xu thế thời đại, hướng tới xây dựng nhiều hơn những sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu, góp phần giải quyết hài hòa giữa bài toán phát triển du lịch và bảo tồn di sản tại Mỹ Sơn.

THÂN VĨNH