Về nhà với mẹ mới thấy mùa xuân...
Tết này, sau 8 năm xa quê, tôi mới lại được cùng mẹ mình đón tết. Những nôn nao của đứa con xa xứ được trở về nhà ăn tết, thật khó tả...
Tôi vẫn nhớ cái tết đầu tiên xa nhà, cũng là những năm tháng đầu tiên tôi đặt chân đến nước Nga.
Năm đó, tôi học dự bị một năm tại Trường Đại học Nông nghiệp quốc gia Liên bang Nga, được ở cùng với các bạn người Việt Nam. Chúng tôi động viên nhau và cùng nhau ăn tết xa nhà. Những chuẩn bị mau lẹ để cùng thời khắc với giao thừa ở quê, thì bên này chúng tôi cũng có... tết.
Tôi vẫn nhớ chiếc bánh chưng được một anh trong trường mua ở chợ người Việt. Anh ấy mua loại bánh sống để chúng tôi nấu cho có không khí tết quê hương. Kết quả là anh bạn Khalifa người Ai Cập hỏi cậu bạn trong trường: “Mấy cô gái người Việt Nam nấu cái gì mà nấu từ sáng đến khuya vẫn còn nấu vậy?” khiến chúng tôi cười nắc nẻ.
Cho đến khi cô bé cùng phòng cất giọng ca bài “Tết xa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tất cả chúng tôi đều rưng rưng nước mắt: “Thấm thía cái tết xa nhà/Nhớ quá những lúc bên cha/ Nhớ những bát canh chua và bữa cơm mẹ nấu”...
Khi chuyển sang học chính thức tại Học viện Thú y và Công nghệ sinh học Moscow, Tết cổ truyền thường đúng lúc tôi rất bận rộn. Bởi tết âm lịch Việt Nam thường rơi vào cuối tháng 1 đầu tháng 2 dương, trùng thời điểm nghỉ đông của sinh viên Nga nhưng với nghiên cứu sinh, đây là mùa thi và báo cáo chuyên đề nghiên cứu trước Hội đồng Khoa học.
Dù vậy, tôi vẫn nhủ với lòng: “Ai cũng có tết, nên mình cũng sẽ sắm một mâm cơm cúng giao thừa”. Chiều 29 tết, tôi tranh thủ rời phòng thí nghiệm sớm hơn một chút, đón xe buýt đến cửa hàng nhỏ của hai cô chú người Việt trong Trung tâm Thương mại Dubrovka, mua cho mình đòn bánh tét, đồ làm nem rán, gia vị nấu thịt kho trứng, giá đỗ. Sau đó tôi về cửa hàng kế bên ký túc xá để mua thêm trái cây, thịt, trứng cá và chai kvas - một loại nước truyền thống lên men từ lúa mạch của Nga.
Tối 30, tôi rời phòng thí nghiệm khi trời đã tối. Tuyết rơi trắng trời. Những giây phút ngày cuối năm khiến người ta trở nên bồi hồi, nỗi cô đơn cũng càng rõ ràng hơn.
Tôi cứ nghĩ đến việc nếu giờ này ở nhà, mình sẽ cùng cả nhà quây quần ăn bữa cơm tất niên, cùng xem chương trình Táo quân, sau đó sẽ cùng nhau chuẩn bị cho mâm cúng giao thừa…
Còn giờ đây, một mình tôi giữa trời tuyết lạnh, nước mắt lặng lẽ rơi, tự động viên mình rằng rồi một ngày nào đó sẽ được quay về đón tết đầm ấm bên gia đình.
Thương nhất là mẹ. Tôi biết ngày tết không có con ở nhà, mẹ buồn nhiều lắm. Nhưng lần nào gọi điện mẹ cũng đều động viên tôi. Em gái vẫn thường xuyên gửi ảnh ở nhà đón tết để tôi đỡ nhớ hơn. Những cuộc điện thoại của các thành viên gia đình ngày đó luôn đầy ắp tiếng cười và lời động viên. Nhưng khi cúp máy, bao giờ mắt tôi cũng ướt nhòe.
Sáng mùng Một, tôi vẫn đến trường như bình thường. Trong giờ giải lao, tôi kể với cô giáo và các bạn của mình rằng hôm nay là ngày tết ở Việt Nam.
Mọi người thường nói “С Новым Годом!”(Chúc mừng năm mới!) rồi hỏi tôi rằng câu này mà nói bằng tiếng Việt thì như thế nào. Sau đó họ đề nghị tôi dạy họ nói “Chúc mừng năm mới!”. Cậu bạn thân người Thái thì dùng Google dịch để nhắn câu chúc mừng năm mới cho tôi...
Năm nay, giao thừa tôi không phải lặng lẽ đi về giữa trời tuyết lạnh. Cũng không phải tự an ủi hay động viên mình, không phải một mình nấu và ráng ăn cho bằng hết cỗ bàn giao thừa nữa.
Năm nay tôi đã được trở về giữa lòng quê hương, cùng ăn tết với mẹ và những người thân yêu. Mùa xuân này, chúng tôi sẽ cùng nhau tạo thêm những khoảnh khắc đoàn viên...