Kinh tế

Năm 2023: Điện Bàn vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế

Nguyễn Minh Tạo 09/02/2024 11:45

Năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội Điện Bàn vẫn chưa hết khó khăn, tuy nhiên trên một số lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp… đa phần xuất hiện điểm sáng tích cực, hầu hết chỉ tiêu đều đạt vượt kế hoạch đề ra.

dien-ban-xuan-a1.jpg
Nền nông nghiệp Điện Bàn đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2023. Ảnh: G.K

Nổi bật là hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch khi đều có sự tăng trưởng khá, chiếm vị trí thứ hai trong cơ cấu kinh tế thị xã với tỷ trọng 24,7%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương.

Trong đó, sự ra đời của siêu thị Go! tại phường Điện An không chỉ trở thành siêu thị đầu tiên xuất hiện khu vực Bắc Quảng Nam mà còn mang đến nguồn hàng hóa đa dạng, chất lượng, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân.

Năm 2023, giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ của Điện Bàn ước thực hiện 5.578 tỷ đồng, đạt 101,49% kế hoạch, tăng 14,68% so với năm 2022.

Với ngành sản xuất nông nghiệp, năm 2023 cũng chứng kiến nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) ước thực hiện 1.717 tỷ đồng, đạt 100,14% kế hoạch, tăng 2,14% so với năm 2022.

Tổng sản lượng cây lương thực có hạt hơn 80.578 tấn đạt trên 104% kế hoạch năm, tăng 4,44% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích lúa gieo trồng gần 10.740 ha, năng suất bình quân đạt 61,34 tạ/ha, sản lượng cả năm đạt 65.880,7 tấn. Tình hình chăn nuôi ổn định, tổng sản lượng thủy sản ước gần 3.642 tấn/3.500 tấn, đạt 104,05% kế hoạch năm...

Theo ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, năm 2023 bức tranh kinh tế thị xã đan xen nhiều thuận lợi và thách thức. Dù vậy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy, giám sát của HĐND, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã, các đoàn thể, các ngành, địa phương và nhân dân, đặc biệt sự tập trung lãnh đạo, điều hành công tác của UBND thị xã, tình hình kinh tế - xã hội Điện Bàn nhìn chung chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, năm 2023 một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt. Do đó, năm 2024 công tác điều hành, chỉ đạo cần quyết liệt hơn nhằm nâng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế, phấn đấu tăng 10% trở lên.

Nhằm hiện thực mục tiêu này, ông Trần Úc cho biết, thị xã sẽ đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ thường xuyên trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… thị xã cũng sẽ nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành; xây dựng kế hoạch bám sát tình hình thực tiễn... Tiếp tục thực hiện các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư...

dien-ban-xuan-a2.jpg
Hạ tầng thương mại hoàn thiện giúp ngành thương mại dịch vụ Điện Bàn tăng trưởng, phát triển tốt.Ảnh: G.K

Phát huy tốt những lợi thế của địa phương, tập trung phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư trên địa bàn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn Nhà nước, nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thu hút nhà đầu tư. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng đất không hiệu quả, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.

Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, đặc trưng, thế mạnh tại địa phương.

Hỗ trợ liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân...

Nguyễn Minh Tạo