Tết, về với bến đỗ bình yên
(QNO) - Chiều cuối năm, mang trái tim về ngồi dưới hiên nhà rũ bụi. Nắng chiếu những tia cuối ngày yếu ớt, những chiếc lá cuối cùng của năm cũ trở về với lòng đất mẹ để tiếp nối vòng tròn tái sinh.
Ai đi rồi cũng phải quay về. Như 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân. Tôi cũng về, về với bến đỗ bình yên của mình: Nhà!
Tôi về nhà, ngồi thật vững chải, ước muốn trở thành con thuyền đã không còn. Chỉ muốn được là mình, vậy thôi.
Cây thay lá, hoa đã nở, chỉ có lòng người đóng khép. Ba đi, nội chẳng còn. Tết là đoàn viên nhưng tôi chưng hửng.
Đêm giao thừa đầu tiên khi tôi vào đại học, ba đau. Tôi mong sao thời gian thu ngắn lại để ba có thể chờ tôi lớn thêm chút nữa nhưng nào ngờ đó là giao thừa cuối cùng tôi có ba.
Mấy năm sau, vào đêm giao thừa cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, nội cũng không còn nữa. Tôi nhớ rõ khoảnh khắc ấy, cả nhà quây quần bên nhau, tiếng guitar năm nào, ca khúc đón xuân được cất lên, vẫn tiếng vỗ tay chúc mừng năm mới. Thế rồi sau đó cả gia đình lặng đi, tiếng thút thít ở đâu xung quanh, đôi mi của tôi cũng ướt từ bao giờ.
Thiếu một người, rồi hai người…
Cả đại gia đình “Tứ đại đồng đường” đã gần 40 năm, năm nào cùng có mặt đông đủ để đón chào khoảnh khắc chuyển giao của đất trời. Tôi sinh sau đẻ muộn nên được hưởng không khí này đâu đó chừng hơn 20 năm.
Mấy chục năm ấy, cả nhà vẫn quen sự có mặt của nhau. 12 giờ, cùng đếm ngược, cùng hát, cùng nghe thư chúc mừng của Chủ tịch nước, cùng mừng tuổi nội, cùng được nhận lì xì. Mấy đứa con nít cứ tới tết là rủ nhau tập hát, tập làm thơ để đến giờ “biểu diễn” và nhận tiền thưởng.
Từng làm truyền hình, dẫn chương trình... tôi đã qua nhiều sân khấu lớn nhỏ, nhưng sân khấu trên tấm phản ở quê mỗi dịp giao thừa là sân khấu đầu tiên trong cuộc đời. Những hình ảnh ngày đó khắc sâu trong tâm khảm mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in.
Tết về, nhớ những ngày phụ bà nội lau lại đống sách báo cũ, nhìn cách nội nâng niu những kỉ niệm ngày xưa, kể cho tôi nghe thời kháng chiến bà là giáo viên dạy văn. Trong cuốn hồi ký còn đó những bài viết của nội.
Tết về, nhớ những háo hức được bà nội mua cho đôi dép, mấy đôi bông tai, theo nội đi chợ gội đầu, mua cả đống thịt heo, dưa củ về để ăn dần.
Tết về, nhớ ba vất vả chở những thùng thức ăn thừa từ Tam Kỳ về quê cho mấy con heo; nhớ những ngày ngóng trông ba trực tết về muộn; nhớ những ngày mấy mẹ con cùng ngồi trên chiếc Dream được ba chở về ngoại chơi xuân...
Tuổi thơ bình yên nuôi tôi lớn bằng chất liệu yêu thương ấy để rồi cũng chính nó làm tôi ray rứt những ngày còn lại. Thật ra thì lúc nào tôi cũng thương, cũng nhớ nhưng tết về là cảm giác lại rất khác, chạnh lòng, cô liêu.
Cách đây mấy năm tôi có viết vài dòng, tôi bảo ba cố gắng đợi tôi lớn để bù đắp cho ba, nhưng ba không đợi được. Cuối năm, cũng có một chút tiền thưởng, cầm trên tay cũng chẳng buồn mua quần áo mới, chưa biết phải sắm sửa gì cho gia đình. Nước mắt cứ lăn dài khi đến lúc có tiền rồi nhưng không thể mua cho ba cái áo, cái quần mới.
Ai đó nói rằng thời gian có thể chữa lành những vết thương nhưng với tôi thời gian thật tàn nhẫn. Thời gian trôi đi, mọi mong ước đều trở nên xa vời như kiểu tôi đưa tay cố bắt một cơn gió nhưng không được.
Tết về mang theo những nhớ mong, những thèm khát được sum vầy đủ đầy. Vắng người thân, tết với tôi chênh chao vô cùng. Nhưng may mắn, đời tôi còn có mẹ.
Giờ này, nắng đã tắt, ngước nhìn trời thấy những xa xăm...
Và nhà tôi, vẫn luôn là bến đỗ bình yên.