Tâm sự đầu năm
Khổng Tử viết: “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” (70 tuổi theo lòng mình muốn mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý). Tôi đã qua tuổi này những mấy năm, có chút sự nghiệp nho nhỏ; con cái tôi cũng đã thành người hữu dụng cho xã hội, nên tự tin tâm sự với bạn đọc trong những ngày đầu năm, xem như cùng nhấp chén trà mừng xuân vậy.
Nói với tuổi mười tám
Các bạn trẻ của tôi. Các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Các bạn chuẩn bị hết thời học sinh phổ thông và sẽ không thiếu người bâng khuâng giữa tiếp tục con đường học vấn hay vào đời kiếm sống.
Các bạn đừng lo lắng chuyện này. Đại học (ĐH) không phải là con đường duy nhất để vào đời, không phải là con đường duy nhất để có việc làm tốt.
Các bạn cần xác định phải có việc làm, trước là nuôi sống bản thân, sau đó giúp gia đình và đóng góp cho xã hội, hay là cố lấy cho được tấm giấy được gọi là văn bằng tốt nghiệp ĐH để rồi tìm không được việc làm mà mình yêu thích?
Các chuyên gia hàng đầu về giáo dục trên thế giới, đã đúc kết ra 3 nguyên nhân cơ bản: Bạn vào ĐH vì cha mẹ muốn bạn vào ĐH; bạn vào ĐH vì bạn bè vào ĐH; bạn vào ĐH vì không biết làm gì sau khi rời trường phổ thông. Và họ đã xác quyết những nguyên nhân này đều sai. Các bạn nên nhớ ĐH không dành cho mọi người.
Tại sao các bạn không chọn cho mình cái nghề? Học nghề, chi phí rẻ hơn, thời gian nhanh hơn, kiếm việc làm dễ hơn. Trước mắt, các bạn hãy suy nghĩ như ông cha ta từng dạy là mong ăn no mặc ấm, rồi từng bước nỗ lực vươn lên. Các bạn biết tìm niềm vui trong công việc là thành công.
Cuốc đất, trồng khoai mà các bạn yêu công việc ấy, thấy được niềm vui trong công việc ấy, thì các bạn sẽ có cuộc sống phong lưu. Nếu có cố gắng, các bạn sẽ thay đổi được vận mệnh của mình.
Mấy năm nay, phong trào khởi nghiệp ở Quảng Nam khá khởi sắc cũng đáng để các bạn suy nghĩ. Không ai hiểu các bạn hơn các bạn. Khi đã xác định rồi thì phải yêu nó, dốc tâm sức vun bồi nó, nó mới trả ơn lại các bạn.
Nói với tuổi hai mươi
Chúc mừng các bạn đang ngồi trên giảng đường ĐH. Vài ba năm nữa, các bạn sẽ là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ,… Tương lai đang chào đón các bạn. Các bạn có thể tự hào, nhưng không được tự mãn. Các bạn cần phải nhét nặng hành trang vào đời ngay từ bây giờ, không khéo sẽ muộn. Trường học và trường đời khác lắm.
Peter Ferdinand Drucker (1909-2005), chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị. Ông được coi là cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại, là tác giả nhiều cuốn sách quản lý nổi tiếng, trong đó có cuốn “Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21”.
Cuốn sách này được xuất bản năm 1999, có đoạn: “Những người thành công nhất trong 10, 20 năm tới có thể không phải là người thông minh nhất ngày hôm nay, hay biết cái đúng nhất bây giờ. Công nghệ họ biết bây giờ sẽ lạc hậu vào lúc đó.
Thành công trong thời đại thông tin sẽ được xác định bởi khả năng học và học liên tục. Vì tri thức sẽ trở nên lạc hậu nhanh chóng tới mức những người thành công sẽ chính là người học cả đời”.
Ý kiến này, theo tôi, không chỉ dành cho các bạn mà dành cho tất cả mọi người. Vấn đề còn lại là nỗ lực của từng người.
Sinh thời, Bác Hồ cũng từng nhắc nhở mỗi người đều “Phải biết tự động học tập”; “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự đào thải mình”.
Tâm sự với phụ huynh
Chúc mừng quý vị có con ngày một lớn khôn và càng ý thức hơn rằng con cái là tương lai của cha mẹ, nhưng cũng đừng quên cha mẹ là quá khứ của con cái.
Xưa nay, ai làm cha làm mẹ cũng đều mong con mình thành rồng thành phượng, nhưng ước mong và thực tế khác biệt như ngày với đêm, như mưa với nắng.
Hãy tiếp tục nuôi ước mong ấy để có động lực tin yêu cuộc đời hơn. Đừng so sánh con mình với ai mà tội con, tội mình. Khuyên dạy cho con biết trời không triệt đường sống của ai, không phụ nỗ lực của ai. Có đi ắt có tới. Nỗ lực để không uổng phí một kiếp người.
Quý vị phải trang bị hành trang vào đời cho con rằng trong cuộc sống có những thời điểm rất khó khăn. Người thành công là người vượt được khó khăn và kiên định với mục tiêu của mình.
Trước mọi quyết định, hãy suy nghĩ thật kỹ, nhìn xa về tương lai, đừng bị chi phối bởi những cảm xúc bồng bột nhất thời. Quan trọng, quý vị phải làm gương.
Dù làm thuê, cuốc mướn, quý vị cũng phải cho con thấy nỗ lực của mình trước cuộc sống. Nghèo nhưng không hèn, không có ai khinh về đạo đức, lối sống.
Tam Tự Kinh viết: “Tính tương cận, tập tương viễn” (Tính thì gần giống nhau, do được giáo dục mà trở thành khác xa). Giáo dục từ gia đình quan trọng lắm và quý vị phải làm gương, nhất là gương thương mình thương người, không phải lợi mình hại người. Đó là việc đơn giản, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, sẽ hình thành nhân cách của con. Nhân cách là điều tạo nên giá trị của một con người trong xã hội.