Câu chuyện khởi nghiệp

Hành trình của “Bánh mì Xin Chào” tại Nhật Bản

GS.TRẦN VĂN THỌ 10/02/2024 09:30

Anh em Bùi Thanh Duy và Bùi Thanh Tâm khởi nghiệp ở Tokyo lúc người em mới 25 tuổi và người anh 31 tuổi. Hai “ông chủ” này đã xác lập được thương hiệu “Bánh mì Xin Chào” lan tỏa từ Tokyo đến nhiều địa phương và đang tiếp tục lớn mạnh.

tnb-61774-01(1).jpg
GS.Trần Văn Thọ gặp Duy (trái) và Tâm tại nhà hàng “Bánh mì Xin Chào” ở Tokyo vào ngày 6/4/2023.

Hành trình khởi nghiệp

Duy và Tâm sinh ra và lớn lên ở huyện Đại Lộc. Duy sinh năm 1986. Sau hai năm vừa làm vừa học tiếng Nhật, Duy thi đỗ vào Khoa Kinh doanh của Đại học Yokkaichi thuộc tỉnh Mie. Tốt nghiệp năm 2013, Duy làm cho một công ty thông dịch ở Osaka cho đến khi cùng em trai khởi nghiệp cuối năm 2016.

Tâm sinh năm 1991. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tâm theo bước anh mình và tháng 4/2011 sang Nhật du học. Năm 2013 Tâm thi đỗ vào Khoa Kinh tế của Đại học Yokkaichi.

Vào mùa lễ hội Obon giữa tháng 8/2015, Tâm lên Tokyo, cùng người yêu đi chơi ở công viên Ueno và ở đó lóe lên cơ hội, để rồi cùng anh Duy bắt đầu khởi nghiệp khi còn học ở đại học.

Trên đường từ ga tàu điện đến công viên Ueno, Tâm vào khu chợ nổi truyền thống dành cho người châu Á tên là Ameyoko và thấy một hàng dài người xếp hàng mua bánh mì kebab tại cửa hàng nhỏ trong chợ. Kebab là một loại bánh Thổ Nhĩ Kỳ kẹp thịt bò hoặc thịt gà.

Tâm nhận thấy loại bánh kebab không thể ngon và tốt cho sức khỏe như bánh mì Việt Nam vì bánh kebab hầu như chỉ có thịt, rất ít rau và lại đơn điệu, không có hương vị đậm đà.

Tuy vậy, kebab vẫn được giới trẻ Nhật ưa thích vì mua và mang đi dễ dàng cũng như giá cả vừa túi tiền của nhiều người. Bằng trực giác nhạy bén về thị trường, Tâm nghĩ ngay là tổ chức quảng bá bánh mì Việt Nam chắc chắn sẽ thành công. Ngay chiều hôm đó, Tâm bàn với Duy. Hai anh em tâm đầu ý hợp, quyết định khởi nghiệp.

Duy đã tốt nghiệp khoa kinh tế, Tâm cũng đang học năm thứ ba đại học về ngành này, và hai anh em cùng quan tâm tìm hiểu về kinh doanh nên đã hiểu biết cơ bản cách tổ chức và quản trị doanh nghiệp, tiếp thị và tổ chức nhân sự...

Duy và Tâm nhờ một chuyên gia về luật công ty tư vấn giúp về mặt pháp lý khi khởi nghiệp. Hai anh em bàn, quyết định và chuẩn bị khá nhanh, tháng 10 năm 2016 đã mở cửa hàng đầu tiên.

Đúng là chớp nhoáng, chỉ có hơn một năm từ khi Tâm cảm nhận đầu tiên về tiềm năng của thị trường. Lúc đó Tâm vừa cùng với anh lo chuẩn bị lập công ty vừa lo viết luận văn tốt nghiệp.

Tâm chọn đề tài liên quan việc khởi nghiệp này để vừa nghiên cứu thêm hoạt động kinh doanh sắp tới vừa khỏi mất công tìm tài liệu để viết: Phát triển chuỗi bánh mì Việt Nam tại Nhật. Luận văn được Khoa Kinh tế của Đại học Yokkaichi đánh giá xuất sắc và được tờ báo địa phương của tỉnh Mie giới thiệu trên báo.

Vào thời điểm đó bánh mì đã xuất hiện trong các nhà hàng ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản. Duy và Tâm đi ăn thử thì thấy ở đâu bánh mì cũng chỉ là món phụ và đơn điệu, và cho rằng nếu làm chuyên nghiệp thì bánh mì sẽ đa dạng và ngon hơn nhiều. Từ những nhận xét đó, Duy và Tâm tự tin bắt đầu vay tiền và nghiên cứu mô hình kinh doanh thích hợp để khởi nghiệp.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27-30/11/2023 theo lời mời của nhà nước Nhật Bản; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân, các quan chức cấp cao Việt Nam đã dành thời gian đến thăm và thưởng thức các món ăn của cửa hàng “Bánh mì Xin Chào”.

Thương hiệu của sự nhạy bén

Theo tôi, thương hiệu “Bánh mì Xin Chào” được chọn phản ảnh tính nhạy bén trong cảm nhận về thị trường đã thay đổi theo sự phát triển nhanh của quan hệ Nhật - Việt.

tnb-61774-02.jpg
Menu đặc trưng của một trong các cửa hàng “Bánh mì Xin Chào” tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Số người Việt sinh sống tại Nhật Bản cũng như số người Nhật từng làm việc tại Việt Nam trở về rất đông. Hiện nay số người Việt Nam tại Nhật, kể cả du học sinh và thực tập sinh, đã lên tới khoảng 500.000.

Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành nước có số doanh nghiệp vốn Nhật Bản nhiều nhất tại ASEAN, kết quả là số người Nhật có kinh nghiệm sống và làm việc tại Việt Nam tăng nhanh.

Ngoài ra, giới trẻ Nhật Bản du lịch tại Việt Nam ngày càng đông. Những thay đổi này làm cho tiếng Việt ngày càng phổ biến tại Nhật Bản, đặc biệt là những cụm từ như “cảm ơn”, “xin chào”.

Từ nhận định này, tôi cho rằng các bạn Duy, Tâm chọn thương hiệu “Bánh mì Xin Chào” rất hay, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ phát âm đối với người Nhật.

Với khả năng tổ chức khoa học và hiểu thị hiếu của thị trường, Duy và Tâm đã thành công trong việc cải tiến bánh mì từ món ăn đơn giản thành một thương hiệu thực phẩm đa dạng và phong phú về hương vị.

Trước đây bánh mì đơn giản chỉ có thịt hoặc chả kẹp theo vài lá rau thơm. Bánh mì Xin Chào bây giờ có tới 11 loại khác nhau để khách hàng chọn lựa theo sở thích.

Mỗi loại bánh mì đều có cái chung như patê gan heo, bơ trứng, dưa leo, dưa chua, tương ớt, nước xốt, hành ngò để món ăn có hương vị đậm đà; nhưng mỗi loại có thêm một nhân thịt riêng thành ra có nhiều loại bánh mì từ chả, thịt heo nướng, thịt heo muối nước mắm, gà nướng, tôm bơ, đến patê gan heo, gà gỏi, chả bò, bò sốt vang...

Mới khoảng 7 năm khởi nghiệp, hai ông chủ của “Bánh mì Xin Chào” đã có khoảng 15 cửa hàng/điểm bán hàng tại Tokyo và nhiều thành phố khác, kể cả những nơi xa Tokyo như Kobe.

Khoảng 2/3 các cửa hàng/điểm bán hàng này hoạt động theo hình thức nhượng quyền kinh doanh, trong đó công ty của Duy và Tâm cho người khác dùng thương hiệu “Bánh mì Xin Chào” 5 năm và nhận một khoản tiền khá lớn. Đây là thành công lớn cho thấy thương hiệu “Bánh mì Xin Chào” mới ra đời vài năm đã xác lập uy tín trên thương trường.

Duy và Tâm còn cung cấp các loại nguyên liệu làm bánh mì cho các cửa hàng được nhượng quyền. Đây là một nguồn thu không nhỏ. Tại Saitama, tỉnh phụ cận của Tokyo, công ty đã lập một cơ xưởng tập trung sản xuất nguyên vật liệu làm bánh mì.

Thương hiệu “Bánh mì Xin Chào” lan tỏa nhanh chóng đã gây chú ý trên truyền thông ở cả Nhật, Việt Nam và cũng được giới thiệu trong chương trình của BBC tiếng Việt.

Tôi có gặp Duy và Tâm vài lần trong các buổi sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Nhật. Trong lần gặp đầu tiên tôi đã có cảm tình ngay, không phải chỉ vì đồng hương Quảng Nam mà chủ yếu vì ấn tượng trước sự thông minh và chân thật toát ra từ hai bạn trẻ.

Đầu tháng 11/2023 tôi đến thăm cửa hàng “Bánh mì Xin Chào” tại Asakusa, một địa điểm du lịch văn hóa ở Tokyo, và có buổi trò chuyện thú vị với Duy và Tâm.

Sau khi tham gia gọi vốn tại chương trình “Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam”, “Bánh mì Xin Chào” đang trong quá trình làm việc với Shark Bình để nhận 500.000 USD đổi lấy 15% cổ phần như đã thỏa thuận trên chương trình.

Hai anh em định mở 100 cửa hàng tại Nhật sau đó sẽ tiến ra các nước khác, cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế như Mc-Donald. Với sự thông minh, chân thật và năng lực tổ chức kinh doanh, tôi tin là hai bạn trẻ Quảng Nam sẽ thực hiện giấc mơ chiếm lĩnh thị trường thế giới và đạt được mục tiêu dài hạn này.

GS.TRẦN VĂN THỌ