Cách trồng rừng của Aral Diêu
Tôi theo Aral Diêu lên núi thăm rừng. Khu rừng của Diêu xoan, lát, chò, lim, trẩu, chuối, dứa... lớn nhỏ chen nhau, đa số chưa tới 5 tuổi, trừ vài ba cây đã có tuổi trên mười, vốn của bố Diêu để lại.
Bỏ học về núi... trồng rừng
Diêu 26 tuổi, người Cơ Tu ở thôn Pring xã Chaval (Nam Giang), đen nhẻm, ít nói, chỉ cười, áo quần bụi bặm, cả cái xe cũng cũ nát, mấy ai biết đó từng là một sinh viên nông lâm Huế, học đến năm thứ ba thì đùng đùng bỏ.
Chuyện thì dài, nhưng gọn thế này: “Năm 2019, em về nhà làm rừng giúp bà con, vô rừng mới thấy mọi thứ chỉ là cái vỏ, bởi bên trong là keo, rồi gỗ bị chặt phá la liệt. Em sốc, ngẩn ngơ luôn. Em bỏ” - Diêu nói. “Đơn giản vậy sao?” - tôi hỏi. “Dạ, năm 2017, em đọc "Cuộc cách mạng của một cọng rơm" của Masanobu Fukuoka. Ông dạy phương pháp làm nông. Nó giúp em tư duy về cuộc sống và nghề nông”.
Và 2019, từ chuyện trên, mở ra một lối khác trong đời chàng thanh niên này. Diêu bỏ học. Tin đâu sét đánh ngang tai. Bố của Diêu là già làng uy tín, rất buồn, nhưng ít nói, chỉ có mẹ là rên rẩm miết.
Người Cơ Tu vẫn duy trì tập quán làm rẫy xong là bỏ hoang để vài năm sau quay lại đốt. Diêu xin bố miếng rẫy đầu tiên, thay vì bỏ hoang thì cậu trồng các loại cây trên, chạy xin cây con, hạt giống. “Cái khó là ban đầu em ham nhiều quá, đến 3 miếng rẫy, tốn năng lượng, mất thời gian.
Mấy năm dịch, cho em độ lùi để suy ngẫm. Em nghĩ mình đang có rừng, lại có kỹ năng, mắc chi chạy theo người ta? Vấn đề là em phải chế ngự lòng tham, không bị cuốn.
Nếu có 10 hay 20ha, em chỉ để 1ha sinh kế, còn lại trồng rừng tự nhiên. Theo cảm nhận của em, đó là con đường duy nhất để đồng bào tồn tại và sống tốt. Biến đổi khí hậu chỉ một phần mà thôi, cái chính là con người. Chỉ cần 5 - 10 năm trồng keo nữa, rừng sẽ mất sạch”.
Để có cái ăn, vợ chồng Diêu trồng chuối, thơm, sau một thời gian đã có cái để bán. Đó là tư duy không mới, nhưng đúng. Lấy ngắn nuôi dài. “Lúc đầu vợ chồng hục hặc, nhưng rồi cũng ổn” - Diêu nói và bỏ lửng, vung tay phát dây leo trước mặt. Sở hữu ba miếng rẫy mênh mông, làm chuồng nuôi heo đen và ao cá giữa rừng.
“Em bận lắm, có khi cả năm mới chăm rừng một lần” - Diêu nói và chỉ vào đám cây trẩu vươn cao xa tắp, rằng người ta trả mua nhưng không bán.
Giọng Diêu trầm hẳn: “Xã khác em không biết, chứ ở đây không có ai làm như em. Trước đây còn rừng, văn hóa cộng đồng còn, nay đã lùi xa rồi. Anh biết không, trước đây 5 năm thì mang, rùa, sơn dương vùng này còn, nay thì hết rồi, vì chúng không có gì để ăn”.
Nỗi niềm người ở rừng
Tôi ngồi với vợ chồng họ ở nhà sàn, hỏi Diêu: “Theo em, chính sách về nông lâm ở miền núi hiện nay, dưới cái nhìn đặc thù vùng cao và kỹ thuật bản địa ra sao, khi cái cần nhất là bảo tồn và phát triển bền vững để tạo sinh kế cho đồng bào, vừa giữ gìn di sản rừng?”.
Diêu nói: “Thực ra em chưa quan tâm nhiều về chính sách nông lâm miền núi. Nhưng ở vùng em hiện nay, chính sách miền núi phần lớn ở dạng hỗ trợ cây trồng, con giống. Người miền núi họ đã quá quen với cuộc sống tự do với rừng, giờ bảo họ phải chăm những thứ đòi hỏi kỹ thuật và phân bón thì rõ ràng họ sẽ không làm được.
Người dân nơi đây đã phụ thuộc bên ngoài quá nhiều rồi. Nhà nước đã không cho người dân lấy cây rừng làm nhà, giờ còn muốn người dân phụ thuộc những thứ bên ngoài như phân bón à? Chưa kể những cây họ mang đến hầu như đã bão hòa hoặc dư thừa đến mức phải chặt và kiểu như "mang con bỏ chợ". Người dân muốn đi thì đi không nổi, còn về thì không biết phải bắt đầu từ đâu vì rừng còn đâu để về, tri thức bản địa đâu để làm”.
Tôi quay sang vợ Diêu, “hỏi thật em thấy chồng làm đúng không? Thu nhập từ chuối, thơm có đủ ăn không?”. “Chồng em đúng, tụi em không lo cái ăn, vì ở đây chủ yếu tự cấp tự túc”. Một cảm xúc thật tốt trào lên trong tôi. Vậy là đôi bạn trẻ đang bước một bước quyết liệt, tự tin, bởi đâu chỉ là sẽ có một gia tài rừng lớn sau 5 - 10 năm nữa, mà họ có một điều lớn hơn là “hoàn nguyên bản ngã của rừng và chính mình”.