Quy hoạch - Đầu tư

"Chỗ đứng" đô thị trong quy hoạch

HỮU PHÚC 10/02/2024 15:25

Đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 đã hoàn thiện. Vai trò, vị trí, cả “danh phận” của các đô thị được đặt ở đâu trong đồ án quy hoạch tỉnh, là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc sư.

tnb-61981-02(2).jpg

Trong lịch sử hình thành một vùng đất, đô thị giữ vai trò trung tâm của phát triển, cho nên khi xây dựng chiến lược, các nhà lập quy hoạch chú trọng thiết kế song song trục hành lang kinh tế và không gian mở đô thị. Nơi nào hoạt động kinh tế diễn ra sầm uất, thì nơi đó thường hình thành những đô thị năng động và ngược lại.

Cân xứng 2 cực đô thị vệ tinh

Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 xác định 2 cụm động lực gồm đô thị Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành.

Cụm đô thị động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc sẽ kết nối với các không gian kinh tế của Đà Nẵng. Đơn vị liên danh tư vấn lập quy hoạch mong muốn sẽ tạo ra chuỗi đô thị ven sông, ven biển khi nơi này có tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò khá lý tưởng.

Trong đó, Hội An sẽ là đô thị hạt nhân du lịch trong tam giác di sản quốc tế Hội An – Cù Lao Chàm – Mỹ Sơn, một đô thị đủ tầm tổ chức các sự kiện quốc tế. Điện Bàn nằm sát Đà Nẵng và Hội An, về lợi thế so sánh thì còn nhiều dư địa phát triển nổi trội. Còn Đại Lộc nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối dễ dàng với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Trong khi đó, cụm đô thị động lực Phú Ninh – Tam Kỳ - Núi Thành sẽ gánh vác vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ của Quảng Nam.

Vùng này đã khớp nối hạ tầng khung quốc gia (sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi); có cảnh quan ven biển, sông Trường Giang, Bàn Thạch dễ cho kiến thiết không gian đô thị sinh thái. Theo lộ trình, sau năm 2030 Tam Kỳ là đô thị loại 1, huyện Núi Thành sẽ là đô thị động lực phát triển công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng việc xác định các đô thị vệ tinh của tỉnh đã được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với định hướng không gian phát triển “2 vùng, 2 cụm động lực, 6 hành lang phát triển”.

Mỗi cụm đô thị có đặc trưng, thế mạnh và bề dày lịch sử văn hóa vùng đất khác nhau nên sẽ tương trợ, bổ sung cho nhau phát triển. Các đô thị hạt nhân sẽ làm vệ tinh lan tỏa động lực cho vùng chậm phát triển.

Các chuyên gia quy hoạch kiến trúc xây dựng đánh giá “điểm cộng” trong đồ án quy hoạch tỉnh là hướng đến thiết lập đô thị tiện ích thông minh. Đồng nghĩa với việc sử dụng công nghệ thông minh để tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng và tài nguyên, cũng như quản lý hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị…

Định vị đô thị mang tầm vóc mới

Trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, Quảng Nam có tỷ lệ đô thị hóa đạt 26,3%, chỉ đứng trên Quảng Ngãi là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất. Song, các đô thị lớn của tỉnh (Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành, Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc) đều hình thành ở vùng đồng bằng, ven biển, là trung tâm hành lang kinh tế Bắc – Nam, thuận lợi kết nối 2 vùng Đông – Tây.

tnb-61981.jpg

Tỷ lệ đô thị hóa giữa các vùng cũng chênh lệch lớn, trong khi vùng Đông đạt 31,77% thì vùng Tây chỉ đạt 13,34%. Giá trị và tầm vóc của các đô thị lớn Quảng Nam được nâng cao do nằm trong vùng có nhiều di sản kiến trúc đô thị và văn hóa độc đáo của nhân loại như Hội An, Mỹ Sơn.

Các di sản kiến trúc có giá trị văn hóa và lịch sử được xác định là tài sản của đô thị, nên đồ án quy hoạch tỉnh khi định hình không gian phát triển đã tính đến yếu tố phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng đô thị. Đó là sự lựa chọn thông minh và bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, với lợi thế đường bờ biển dài gần 125km, sở hữu nhiều di sản văn hóa thế giới, đồ án đã thể hiện rõ khát vọng của Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo ông Phương, tỉnh cần xác định được chỗ đứng của các đô thị trong không gian quy hoạch chung; cho nên phải hoàn thiện phương án tổ chức không gian cho các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị đi đôi với đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông, điện, năng lượng, hạ tầng thủy lợi, cấp thoát nước…, và đã tính đến các kịch bản, giải pháp phòng chống lũ, ngập lụt đối với các đô thị ven biển, ven sông.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Ngô Ngọc Hùng nhìn nhận, đồ án quy hoạch tỉnh không thoát ly phương án tổ chức không gian đô thị đặt trong trục phát triển các hành lang kinh tế, hình thành chuỗi đô thị ven biển, ven sông nương theo sinh thái tự nhiên. Và tất nhiên sẽ xây dựng các không gian liên kết kinh tế với đô thị, liên kết đô thị với nông thôn.

HỮU PHÚC