Sau cơn ác mộng...
Ở những ngôi làng Đại Lộc, Duy Xuyên, ở cả những huyện miền núi Tây Giang, Trà My, đôi lúc người ta gặp những em học sinh đến trường trên những chiếc xe đạp mang cái tên là lạ: John, Gary, Dennis, hay những ký hiệu viết tắt, những con số, ngày tháng... Đó không phải là nhãn hiệu của một hãng xe nào. Đằng sau mỗi cái tên ấy là một gương mặt con người, một đoạn đời, một số phận, một kỷ niệm, một tình yêu, một niềm tưởng nhớ...
Ký ức về những cái tên
Ngày 11/9/2023, bên lề cuộc gặp cấp cao Việt - Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chứng kiến Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình trao lại cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện cuốn nhật ký của ông bị thất lạc trong một trận đánh hồi chiến tranh - một hành động biểu tượng cho sự hòa giải và chữa lành. Một trong hai cựu chiến binh Mỹ đại diện trao lại cuốn nhật ký đó là Matt Keenan.
Matt Keenan đến Việt Nam năm 1971, đóng quân ở núi Đà Sơn, Đà Nẵng với nhiệm vụ kiểm soát không lưu. Trở về Mỹ, nhiều năm về trước, ông phát hiện ra mình bị ung thư vì chất độc da cam trong thời gian phục vụ tại Việt Nam.
Đối với nước Mỹ, hàng chục năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam, hội chứng hậu chiến (PTSD) và chất độc da cam vẫn đang cướp đi nhiều sinh mạng. Matt quyết định quay trở lại chiến trường xưa, tìm hiểu về hậu quả của chất độc da cam trên đất Việt Nam.
Mỗi ngày Matt Keenan đến Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam TP.Đà Nẵng vào buổi sáng, ông đi khắp các phòng, chào hỏi từng người, từ các cô giáo đến từng học viên - nạn nhân chất độc da cam.
Đến một căn phòng đặt bốn chiếc máy may công nghiệp, Matt được các cô bé đang học may ở đây chào đón thân tình như với một người ông. Và trong góc, cô bé tên Linh nhìn thấy Matt đã lập tức đứng dậy, đập tay, nở nụ cười ngây ngô nhưng đầy tình cảm, ôm hôn lên má ông.
Khi trở ra, Matt nói nhỏ: “Cô biết Linh là ai không? Đó là cháu của mẹ Nhu. Mỗi ngày cô bé đều ôm hôn tôi như vậy. Nên mỗi khi đi qua bức tượng Mẹ Nhu ở ngã ba vào Đà Nẵng, tôi đều dừng lại ngắm nhìn, chỉ trong một khoảnh khắc, tôi cảm nghiệm được mọi thứ: chiến tranh, hòa bình, đau thương và hòa giải”.
Matt đã quyết định ở lại sinh sống tại Đà Nẵng, làm tình nguyện viên giúp các nạn nhân chất độc da cam, và thấy sức khỏe tinh thần tốt lên rất nhiều. Gần 10 năm đã trôi qua như vậy.
Trên website Purple Fox - trang tin tức của cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, có một bài đăng của cựu binh Warren Smith: “Tôi đã tìm thấy một nhóm bạn đáng mến, tôi tham gia và nó mang lại cho tôi cảm giác ấm áp suốt cả năm qua: nhóm cựu chiến binh Mỹ tặng xe đạp cho học sinh ở các vùng quanh Đà Nẵng và Quảng Nam, tôi chắc nhiều đồng đội đã từng đi qua đó.
Đó là một chương trình được phát triển bởi Matt Keenan, cựu binh đóng quân ở Đà Nẵng vào cuối cuộc chiến. Anh đang vận hành chương trình mua xe đạp cho trẻ em nghèo để các em có thể đến trường. Giá của một chiếc xe đạp là 75 đô la và bạn có thể đặt tên cho nó để sơn lên khung xe tùy ý.
Tôi đã chọn tên của mình cho chiếc xe đạp đầu tiên, và chiếc thứ hai tôi đặt dòng chữ HMM-364 trên đó. Tôi hỏi Matt, người dân có khó chịu khi xe đạp mang tên một đơn vị quân đội Mỹ không? Anh đáp: không!”.
Câu chuyện của đứa trẻ mồ côi
Chương trình của Matt đã trao tặng 850 chiếc xe đạp cho trẻ em khó khăn, phần lớn được quyên góp từ các cựu binh Mỹ. Matt kể về một trong những người tặng xe đạp đặc biệt nhất, cô Stephanie Hanson Caisse, người yêu cầu ghi trên một chiếc xe dòng chữ: “Hạ sĩ Young và Stephanie”.
Năm 1968, chàng trai trẻ Gary Young vừa tốt nghiệp trung học thì có lệnh nhập ngũ. Anh được đào tạo thành lính quân y chuyên theo máy bay trực thăng làm nhiệm vụ cứu thương cho lính thủy quân lục chiến, đóng tại Non Nước, Đà Nẵng.
Trận đầu tiên ra chiến trường ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, máy bay bị bắn hạ, hạ sĩ Gary Young tử nạn mà không biết rằng cô bạn gái ở Mỹ đang mang thai đứa con của anh.
Hai tháng sau đó, Stephanie ra đời, không hề biết về cha. Cô được một gia đình tử tế nhận nuôi và đến năm 26 tuổi, lần đầu tiên mới biết đến người cha đã chết ở chiến trường Việt Nam.
Lần tìm những ký ức về cha qua hàng trăm đồng đội cũ để viết thành cuốn sách “Di sản của một người lính cứu thương” - đối với cô là hành trình chữa lành nỗi đau của đứa trẻ mồ côi. Stephanie mong muốn một ngày được đến thăm Việt Nam, tìm đến dòng sông ở tỉnh Quảng Nam xa xôi.
“Một hôm tôi nhận được cuộc điện thoại giữa đêm khuya: một cựu binh bạn của cha tôi đi thăm lại Việt Nam, đã tìm đến đúng khúc sông nơi ông gặp nạn, mang theo một viên đá đặt nơi đó để tưởng niệm bạn mình”.
Bên cạnh viên đá là tấm ảnh của Stephanie và bông hồng đỏ, trên đá khắc dòng chữ “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Stephanie đã gửi tặng 20 chiếc xe đạp đến những đứa trẻ nghèo ở Đại Lộc. “Tôi hân hạnh được góp phần nhỏ bé này để hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước. Tôi biết cha tôi sẽ vui vì điều đó” - cô bộc bạch.
Warren Smith biết đến câu chuyện của Stephanie, con gái của người đồng đội cũ cùng đơn vị không quân HMM-364. Warren đến Việt Nam năm 1964 để huấn luyện bay và bảo trì máy bay trực thăng.
“Chiếc xe đạp mang tên đơn vị HMM-364 được trao tặng cho một em bé vào đúng ngày mà hơn nửa thế kỷ trước, chiếc máy bay chở cha của Stephanie bị bắn hạ.
Nhiều lần, những trận chiến đã tạo ra những đứa trẻ mồ côi, chúng tôi đã phải chuyển nhiều em ra các trại mồ côi ở Đà Nẵng. Khi đến Việt Nam, chúng tôi đã tưởng sẽ giúp được người dân ở miền Nam, thế mà cuối cùng những trận chiến lại diễn ra ngay trong những ngôi làng của họ” - ông nói.
Chữa lành những vết thương
Matt chưa hề kêu gọi gửi tiền quyên góp, nhưng trên mạng xã hội, dưới mỗi dòng status của ông cùng những tấm ảnh các em học sinh được nhận xe đạp với nụ cười rạng rỡ, đều xuất hiện những dòng bình luận của bạn bè ông là các cựu binh Mỹ.
Chẳng hạn: “Tiếp tục đi Matt, anh là người mà Chúa đã chọn để trao gửi sứ mệnh hòa bình”; “Thật tuyệt vời!”; “Cầu Chúa phù hộ cho anh để tiếp tục công việc ý nghĩa này”. Và cứ thế, những cái tên tiếp nối nhau xuất hiện trên những chiếc xe.
Chương trình của Matt Keenan cũng hợp tác với một chương trình khác của cựu binh Mark O’Connor. Mark tham chiến tại Việt Nam năm 1970, là lính bộ binh trong các chiến dịch “Tìm và diệt”.
Năm 2009, ông trở lại Việt Nam lần đầu tiên để chữa trị chứng PTSD với những cơn ác mộng và trầm cảm, chuyến đi giúp ông cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Năm 2015, Mark bắt đầu quyên góp để mua xe đạp giúp học sinh nghèo Việt Nam. Trong 9 năm nay, chương trình mang tên “Xe đạp vì giáo dục Việt Nam” do Mark vận hành đã gửi tặng 1.300 chiếc xe đạp cho trẻ em khó khăn các huyện miền núi.
Matt kể: “Tôi chưa từng thấy một cựu binh nào quay trở lại thăm Việt Nam mà nói rằng họ thấy tệ hơn, tất cả đều cho biết tâm trạng được cải thiện nhiều.
Có lẽ do Việt Nam gắn với những ký ức đau buồn về chiến tranh, những xóm làng nghèo khó xơ xác, bom đạn tàn khốc, cái chết của đồng đội, nỗi sợ chết, một đoạn đời tuổi trẻ khốc liệt, khiến cho khi nghĩ đến Việt Nam, nhiều cựu binh chỉ có lòng thù ghét.
Thế rồi khi quay lại đây, nhìn thấy một đất nước hòa bình, cuộc sống bình thường, con người cởi mở thân thiện, những ký ức đó đã tan đi”.
Trên website của Valor - một tổ chức chuyên đưa các cựu binh trở lại Việt Nam để chữa hội chứng PTSD, viết: “58.000 lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam. Nhiều gia đình tiễn người thân ra đi chỉ nhận lại một lá cờ gấp gọn.
Một số đã trở về nhà nhưng tâm trí chưa bao giờ thực sự trở về. Chương trình của chúng tôi đưa các cựu binh trở lại những bờ biển xa xôi ở Việt Nam để tìm thấy niềm an ủi trong lòng hiếu khách và sự chấp nhận của kẻ thù xưa”.
Khi hận thù, não tiết ra hormone cortisol gây căng thẳng, khó chịu, còn khi đem lại niềm vui cho người khác, trao đi tình yêu thương, hormone endorphin được tiết ra giúp người ta có cảm giác vui vẻ hạnh phúc.
Có lẽ khi quay lại Việt Nam, giúp đỡ trẻ em những vùng chịu hậu quả chiến tranh, trao tặng tình yêu thương con người và nhận lại “lòng hiếu khách và sự chấp nhận của kẻ thù xưa” chính là một thứ hormone chữa lành cho các cựu binh Mỹ sau cơn ác mộng.