Giao thông - Xây dựng

Mở trục dọc giao thông vùng tây bắc

TRẦN CÔNG TÚ 11/02/2024 07:34

Được khởi công gần 2 năm qua, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm “định vị” vùng tây bắc Quảng Nam có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sẽ thành hình trục chiến lược mới, là điều kiện cần để khai phá tiềm năng thế mạnh của khu vực.

tnb-62186-03.jpg
Lãnh đạo tỉnh xem phối cảnh các trục giao thông kết nối qua hệ thống sông Thu Bồn tại lễ khởi công cầu Văn Ly và đường dẫn.

Không còn cách trở đò giang

Sông Vu Gia, Thu Bồn gây chia cắt khu vực phía tây bắc của tỉnh, hình thành nên hệ thống bến đò ngang - dọc nhằm phục vụ người dân đi lại; có thể kể đến như Trung Phước, Tịnh Yên, Bến Dầu, Phú Thuận, Ông Đốc... Nơi đây, dòng sông - con đò đã thành hình đời sống và đi vào thi ca. Thế nhưng sự cách trở đò giang khiến giao thương với vùng lân cận bị hạn chế, gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Đò ngang cách trở, công nhân cánh tây Duy Xuyên phải đi vòng xa vài chục cây số mới đến được nhà máy đóng chân ven quốc lộ (QL) 14B. Người dân các xã Duy Tân, Duy Thu, Duy Phú và vùng lân cận của Duy Xuyên muốn giao thương hàng hóa, thăm viếng người thân ở vùng B Đại Lộc đành sử dụng đò ngang qua sông Thu Bồn. Vì mưu sinh, người dân nhiều xã vùng B Đại Lộc phải di chuyển bằng ghe thô sơ tròng trành trên sông Vu Gia để qua bãi biền sản xuất nông nghiệp...

Mong có cây cầu kết nối đôi bờ Vu Gia - Thu Bồn là khát vọng bao đời nay của nhân dân vùng tây bắc. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực, khi ngày 10/1/2022, dự án đường nối từ tỉnh lộ (ĐT) 609C đến QL14B có chiều dài 3,93km được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng, điểm nhấn chính là cầu An Bình vượt sông Vu Gia.

Đến ngày 24/7/2022, UBND tỉnh tiếp tục khởi công dự án đường nối từ QL14H đến ĐT609C (có chiều dài 6km, mức đầu tư 340 tỷ đồng) với cầu Sông Thu nối đôi bờ Thu Bồn.

Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Xuyên cho rằng, đây là một công trình có ý nghĩa chiến lược, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều địa phương.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, ngày 16/9/2023, dự án cầu Văn Ly và đường dẫn đã được UBND tỉnh khởi công xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng, tổng chiều dài 7,78km (cầu Văn Ly dài 460m). Cầu Văn Ly sẽ phá thế độc đạo tiếp cận vùng Gò Nổi (Điện Bàn), rút ngắn hành trình đi lại giữa Đại Lộc, Điện Bàn và các vùng lân cận; tránh nguy cơ mất an toàn qua đò Ông Đốc. Tuyến đường này cùng với đường nối từ QL14H đến QL14B, bao gồm cầu Sông Thu và cầu An Bình đang thi công, ĐT609B qua cầu Giao Thủy và QL, ĐT khác sẽ hình thành các trục đường chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây.

Trục dọc mới

“Tuy hai nhưng là một”, đó là câu kết có hậu đối với 2 dự án vừa đề cập. Bởi lẽ, 2 dự án hoàn thành sẽ “hòa chung” một trục đường liên thông từ Nông Sơn, ra Duy Xuyên, vượt cầu Sông Thu đến vùng B, qua cầu An Bình, vào địa phận vùng C Đại Lộc, khớp nối QL14B lên đường Hồ Chí Minh, hoặc xuống Đà Nẵng và ngược lại.

tnb-62186-01.jpg
Phối cảnh cầu Văn Ly vượt sông Thu Bồn, nối vùng Gò Nổi với Đại Lộc.

Trục dọc mới này sẽ giúp xóa bỏ đò giang cách trở, rút ngắn thời gian đi lại, tạo thuận lợi khai thác tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị - nông thôn, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng đất phía tây còn nhiều khó khăn. Tuyến đường còn kết nối văn hóa, du lịch qua Mỹ Sơn, các “địa chỉ đỏ”, các khu du lịch sinh thái...

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Công Dũng khẳng định đây là hành động thực tế về ưu tiên đầu tư phát triển các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, vùng căn cứ cách mạng; nhờ vậy góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng trong tỉnh.

“Không chỉ đơn thuần là một dự án về hạ tầng giao thông, mà sâu xa hơn, sự hiện hữu của cây cầu và đường dẫn sẽ là biểu tượng kết nối xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai của một vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường” - ông Dũng nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, toàn bộ trục giao thông Nam - Bắc có điểm đầu nối QL14H, gần ngã ba vào khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) là tuyến đường đặc biệt quan trọng, giúp người dân chủ động phòng tránh thiên tai.

Đại Lộc là địa phương nằm trong cụm đô thị động lực phía bắc Quảng Nam, đóng vai trò kết nối với Nam Giang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn trong mối quan hệ với Đà Nẵng. Địa phương đã nỗ lực và đạt nhiều thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Dẫu vậy, do thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, chia cắt bởi 2 sông Vu Gia, Thu Bồn cho nên những tiềm năng lớn chưa được khai thác xứng tầm, sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp không ít khó khăn. Vì lẽ đó, giao thông chiến lược được đầu tư sẽ mở “nút thắt” này.

TRẦN CÔNG TÚ