Quy hoạch đô thị miền núi
Quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị được các địa phương miền núi quan tâm xây dựng, và điểm chung hướng đến là chú trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đủ năng lực kết nối liên vùng, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa vùng cao.
Lợi thế vùng cao
Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Phước Sơn giai đoạn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 6/2022. Trên cơ sở này, Phước Sơn điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung thị trấn Khâm Đức và vùng phụ cận đến năm 2030.
“Khâm Đức có quỹ đất khá lớn với mặt bằng khu trung tâm rộng hơn 500ha, phù hợp cho định hướng quy hoạch sử dụng đất và phát triển giao thông nội thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan. Đáp ứng mục tiêu xây dựng nên một đô thị sinh thái miền núi xanh, sạch đẹp và giàu bản sắc” - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, ông Lê Quang Trung chia sẻ.
Ở huyện Đông Giang, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch và ban hành quy định quản lý kèm theo đồ án Quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5.000) đô thị Prao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đinh Văn Bảo cho biết, địa phương cũng đã trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Sông Vàng.
Trong mối tương quan với quy hoạch vùng huyện, Đông Giang căn cứ thời hạn quy hoạch để xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa tương thích.
Một điểm đáng chú ý là đô thị huyện lỵ của Đông Giang, Phước Sơn và cả Nam Giang đều có đường Hồ Chí Minh đi qua. Tuyến đường nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây này là đầu mối giao thông thuận lợi, kết nối thông suốt với các tỉnh Tây Nguyên, qua nước bạn Lào.
Riêng huyện Nam Giang sở hữu thêm lợi thế khác nhờ có quốc lộ 14D lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang; quốc lộ 14B thông suốt đến Đà Nẵng; đường Trường Sơn Đông liên hoàn tới Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My, vào đến Quảng Ngãi...
Bảo tồn văn hóa
Quy hoạch, phát triển đô thị gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa được các huyện miền núi đặc biệt quan tâm. Ở trung tâm huyện lỵ, nhiều công trình xây dựng được thiết kế cách điệu theo giá trị văn hóa bản địa.
Mô hình “Tuyến đường văn hóa, văn minh đô thị” mở ra lưu thông thông thoáng, an toàn giữa không gian xanh - sạch - đẹp, góp phần hình thành ý thức thị dân trong guồng xoay cuộc sống đô thị.
Thực hiện quy hoạch đô thị Khâm Đức, Phước Sơn xác định phát triển đô thị phải trên cơ sở nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc...
Địa phương đang hoàn thiện Khu bảo tồn văn hóa Bhnoong đảm bảo các điều kiện tổ chức “Ngày hội văn hóa Bhnong” diễn ra hàng năm. Huyện cũng đang tôn tạo cảnh quan hồ Mùa Thu; tiếp tục nâng cấp Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức; các bia di tích Khâm Đức, Ngot-ta-vak...
Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa Cơ Tu là điểm nhấn đáng chú ý của huyện Đông Giang. Trong đó, địa phương chú trọng tôn tạo, bảo tồn các công trình lịch sử đã được công nhận như khu di tích làng Đào, khu Bến Hiên, khu di tích Cột Bườm (Cột Buồm)...
Đồng thời triển khai công trình có kiến trúc tiêu biểu, như Công viên văn hóa Cơ Tu Đông Giang tại Prao, Công viên cây xanh xã Ba, Công viên văn hóa Dốc Kiền (thuộc đô thị Sông Vàng)...