Xã hội

Những “sứ giả thiện nguyện”

Hồ Trần Minh Quân, Nguyễn Lê Anh Tuấn 11/02/2024 08:08

Chuyện của những bạn trẻ tôi gặp như những “sứ giả thiện nguyện”. Họ hết lòng dành mọi tâm huyết kết nối những tấm lòng thiện nguyện đến với mảnh đời khó khăn…

tit-chinh.png

(QNO) - Chuyện đầu năm mới Giáp Thìn xin kể về của những bạn trẻ tôi gặp, họ như những “sứ giả thiện nguyện”, dành mọi tâm huyết kết nối những tấm lòng thiện nguyện đến với mảnh đời khó khăn… Không cần ai ghi nhận hay ngợi khen, họ tự nguyện kết nối và lan tỏa giá trị sống đẹp vì cộng đồng.

tit-phu_1(1).png

Nhiều người hẳn chưa quên việc tử tế của chàng trai Trần Oai Tiên (28 tuổi, xã Thăng Phước, Hiệp Đức) mới đây đã dành toàn bộ số tiền 10 triệu đồng từ Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” để hỗ trợ đồng bào vùng cao Quảng Nam. Với Tiên, giải thưởng dù trao cho cá nhân nhưng có sự góp sức thầm lặng của rất nhiều nhà hảo tâm trên hành trình thiện nguyện. Trong vai trò của một người kết nối, Tiên chỉ nhận về mình niềm hạnh phúc để giá trị “sống đẹp” trở nên ý nghĩa hơn.

anh_1.png
Trần Oai Tiên nhận Giải thưởng "Thanh niên sống đẹp".

Tiên nói, chính niềm hạnh phúc đã nối dài hành trình thiện nguyện san sẻ yêu thương của mình. Đầu tiên phải kể đến những nồi cháo thiện nguyện do Tiên cùng một vài người bạn dành một phần tiền lương hằng tháng để hỗ trợ các bệnh nhân tại các bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, từ năm 2018. Trách nhiệm của việc thiện nguyện bắt đầu nặng nề hơn khi Tiên đứng ra kêu gọi cho một thanh niên trong làng bị nhiễm trùng máu, hoàn cảnh khó khăn, đang đứng trước bờ vực sinh tử.

chum-anh_2_4.png
Anh Tiên trợ cấp cho 30 cụ già neo đơn mỗi tháng.

“Thời điểm đó không nhiều người biết đến tôi trong vai trò của một người thiện nguyện. Trên tinh thần tình làng nghĩa xóm, tôi kết nối mọi người để cùng nhau hỗ trợ người bạn gặp nguy nan. Điều vượt xa mong đợi là sự đồng cảm lan rộng, người nhiều hỗ trợ vài trăm nghìn, ít thì vài chục nghìn. Tôi đi từng nhà nhận sự gửi gắm của mọi người, gom góp rồi mang vào TP.Hồ Chí Minh trao cho gia đình này trang trải chi phí điều trị. Do chưa thịnh hành dịch vụ chuyển khoản nên tôi về quê nhận tiền mặt hỗ trợ, rồi vào Nam trao lại rất nhiều chuyến. Kỳ tích đã đến sau đó không lâu, bệnh tình người bạn này chuyển biến tích cực, phục hồi sức khỏe và được ra viện” - Tiên kể.

Từ câu chuyện này, Tiên được mọi người tin tưởng. Rồi không làm mọi người thất vọng, những hoạt động thiện nguyện sau đó của chàng trai này luôn thực hiện với cái tâm trong trẻo, trách nhiệm cao. Tiên nói, để tránh sai sót trong việc kêu gọi, bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào đều có xác minh từ địa phương, đúng với thực tế gia đình. Những tình cảm của nhà hảo tâm luôn trao gửi đúng địa chỉ, đúng thời điểm. Cứ vun vén, tích góp niềm tin, Tiên trở thành địa chỉ thiện nguyện tin cậy của rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

chum-anh_5_7.png
Tiên hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương trên địa bàn huyện Hiệp Đức.

Ba năm qua, Tiên kết nối các nguồn lực, duy trì việc nuôi dưỡng 30 cụ già neo đơn, bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi tháng, chàng trai này đi đến từng nhà, trao phần trợ cấp cho mỗi cụ là 500 nghìn đồng, bao gồm 300 nghìn tiền nhu yếu phẩm và 200 nghìn tiền mặt. Những tháng nguồn hỗ trợ của nhà hảo tâm cao hơn thì số tiền trợ cấp sẽ tăng lên. Trường hợp vận động không đủ, Tiên bỏ tiền túi bù vào.

phat-bieu-cua-tran-thanh-oai(2).png

Cạnh đó, anh Trần Oai Tiên thường xuyên vận động hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, thương tật đột xuất, trao xe đạp cho trẻ em, nhu yếu phẩm và áo ấm cho đồng bào vùng cao… Việc thiện nguyện đáng nhắc đến là Tiên kết nối các nhà hảo tâm để xây dựng 38 căn nhà tình thương trên địa bàn huyện Hiệp Đức, trong đó có cả xây mới và sửa chữa. Qua đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn có điểm tựa tinh thần, trở nên lạc quan và tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Hành trình phía trước, Tiên không dám suy nghĩ cao xa khi bên cạnh vẫn còn những toan lo cho cuộc sống. Với chàng trai này, niềm vui sống của các cụ già neo đơn và những mảnh đời khốn khó là đích đến của đời anh…

tit-phu_2.png

Mỗi người một việc, song điểm chung giữa Hồ Châu Nghĩa (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) và Trương Thị Tương Vi (xã Duy Trung, Duy Xuyên) là trái tim hướng về vùng cao.

NẤU ĂN CHO TRẺ

Mới 24 tuổi, song chàng trai Hồ Châu Nghĩa đã mang yêu thương đến hàng chục nóc trên rẻo cao Nam Trà My, Bắc Trà My. Nghĩa chia sẻ, anh tham gia các động thiện nguyện từ năm 2020, khi theo các tổ chức đoàn, CLB, nhóm thiện nguyện hỗ trợ người dân vùng cao trong đại dịch, thiên tai. Và sau những chuyến đi, Nghĩa bắt đầu đồng cảm với khó khăn còn bủa vây nơi đây.

chum-anh_9_12.png
Các hoạt động thiện nguyện về vùng cao của Nghĩa.

Năm 2023, Nghĩa đứng ra thành CLB Trái tim tình nguyện Tiên Phước với 50 thành viên là những đoàn viên, thanh niên địa phương nhiệt huyết trong công tác thiện nguyện. Song do CLB còn non trẻ nên việc kết nối những nhà hảo tâm trong buổi ban đầu rất hạn chế. Nguồn hỗ trợ chủ yếu từ người thân quen trên địa bàn huyện. Tích góp được vài triệu đồng, CLB sẽ tổ chức trao quà trong khả năng hoặc phối hợp với các đơn vị thiện nguyện khác.

phat-bieu-cua-ho-chau-nghia.png

Gần một năm qua, Nghĩa cùng các thành viên trong CLB duy trì chương trình nấu ăn cho trẻ vùng cao. Nghĩa cho biết, qua những bài viết, hình ảnh, video trên Facebook về hoạt động của CLB, rất nhiều nhà hảo tâm đã tin tưởng, đồng hành và hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm, áo ấm, dụng cụ học tập học tập… Hàng chục bữa ăn đã được tổ chức. Nơi xa nhất là điểm trường nóc Tu Nấc (xã Trà Cang, Nam Trà My) với khoảng 2 giờ đồng hồ đi bộ.

chum-anh_13_15.png
Nghĩa và các thành viên CLB Trái tim tình nguyện lội bộ hàng tiếng đồng hồ để mang quà đến với các em nhỏ.

Đặc biệt, CLB Trái tim tình nguyện Tiên Phước đã nhận đỡ đầu điểm trường nóc Tu Lung (xã Trà Tập, Nam Trà My). Hằng tháng, Nghĩa và các bạn trẻ sẽ tổ chức các chương trình nấu ăn, cắt tóc, miễn phí, trao quà bánh và sinh hoạt cùng 35 học sinh nơi đây. Nhìn những cô giáo vơi bớt phần nào khó khăn, trẻ em ăn ngoan lành những đĩa thức ăn do mình chế biến, Nghĩa có thêm động lực để kết nối nhiều hơn, lan tỏa sẻ chia trong cộng đồng.

NHỮNG CHUYẾN “DU LỊCH” THIỆN NGUYỆN

Sau những ngày dài tất bật với công việc, thay vì những chuyến du lịch, chị Trương Thị Tường Vi (32 tuổi, xã Duy Trung, Duy Xuyên) chọn việc thiện nguyện về vùng cao để tái tạo động lực cho bản thân mình.

Chị Vi kể, mình là một trong những thành viên sáng lập CLB Tuổi trẻ Duy Xuyên và những người bạn, chị được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB. Từ năm 2016, nhóm bạn trẻ này tổ chức những đêm nhạc “cây nhà lá vườn” để quyên góp, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Vài năm sau đó, nhiều thành viên không còn gắn bó với các hoạt động của CLB do làm ăn xa. Để duy trì các chương trình hướng về cộng đồng, chị nhận trách nhiệm kêu gọi nguồn lực.

chum-anh_17_20.png
Hoạt động thiện nguyện của chị Vi và các thành viên trong CLB.

Làm việc trong ngành dược tại TP.Đà Nẵng, 3 năm qua chị Vi kết nối nhiều y, bác sĩ và các nhà hảo tâm trong lĩnh vực này. Trung bình một chương trình, chị vận động từ 70-80 triệu đồng, chưa kể thuốc thang, vật tư y tế. Hoạt động chủ yếu của CLB Tuổi trẻ Duy Xuyên và những người bạn là nấu ăn cho trẻ, khám bệnh, cấp phát thuốc, trao tặng nhu yếu phẩm và các vật dụng, thiết bị cần thiết.

phat-bieu-cua-truong-thi-tuong-vy(1).png

Tám năm - một hành trình thiện nguyện, với uy tín, trách nhiệm và không mưu cầu cho bản thân, những chương trình thiện nguyện về vùng cao do cô gái này khởi xướng đều nhận được sự tin tưởng, hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm.

Năm 2023, Hồ Châu Nghĩa và Trương Thị Tường Vi
được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng bằng về
thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện
vì cộng đồng.

Nhịp sống những ngày cuối năm bon chen, bộn bề. Những “sứ giả thiện nguyện” như Hồ Châu Nghĩa, Trần Oai Tiên, Trương Thị Tường Vi… cũng bận rộn xuôi ngược trên những nẻo đường thiện nguyện. Bước chân họ chắc chắn sẽ gặp nhiều ít gập gềnh, song trái tim yêu thương của họ luôn ấm nồng, xua tan giá lạnh, mang nắng xuân ấm áp, tươi vui đến bao cảnh đời có khốn khó…

Thực hiện: HỒ QUÂN
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN

Hồ Trần Minh Quân, Nguyễn Lê Anh Tuấn