Nghệ sĩ Kimchi Hoang và đường đến âm nhạc
Tôi gặp lại Kimchi Hoang tại Hội An, sau hơn 20 năm chị ở nơi đất khách quê người. Chị vẫn vậy, vẫn cách ăn vận phóng khoáng, nghệ sĩ. Ở chị, cái phong thái hồn nhiên, cởi mở và nụ cười khiến người đối thoại luôn có cảm giác gần gũi, thân thiện.
Chị có tên Việt đầy đủ là Hoàng Thị Kim Chi, sinh năm 1959, tại Hội An. Qua đất Mỹ, chị lấy tên là Kimchi Hoang, cũng là bút danh khi sáng tác. Sinh ra trong một gia đình văn nghệ, thấm đẫm không khí âm nhạc, nên Kim Chi và các anh chị em mình hát rất hay. Tuy nhiên, chỉ có Kim Chi là người bước theo dấu chân của cha mình - nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ.
Kim Chi bắt đầu tự học đàn năm 11 tuổi. Nhà không có guitar, Kim Chi thường tìm đến nhà bạn bè có đàn để tự luyện. Violon cũng vậy, ban đầu chị cũng mò mẫm tự học. Kimchi Hoang có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, hễ nhìn ai đó chơi một bản nhạc, ngay sau đó chị có thể chơi lại đúng đến bảy, tám phần.
Cuộc chơi với sắc màu
Ngoài 40 tuổi, Kimchi Hoang có thêm cuộc chơi sắc màu. Chị đã tổ chức hàng loạt triển lãm cá nhân tại Mỹ và Việt Nam. Gần đây nhất là triển lãm cá nhân với chủ đề “Theo tóc mơ bay” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vào tháng 6/2023 với 50 tác phẩm tranh sơn dầu và màu nước mang phong cách trừu tượng.
Tình cờ, một buổi chiều chị nghe tin Trường Âm nhạc Huế về Hội An tuyển sinh và quyết định thử sức. Ở vòng sơ tuyển, chị được chọn ngay khi đáp ứng được kỹ thuật xướng âm và gõ nhịp. Đến vòng 2, chị đỗ thủ khoa với guitar và mandolin. Kimchi Hoang bước chân vào Trường Âm nhạc Huế khi đã 22 tuổi. Chị chọn học khoa violon, đơn giản vì nó khó hơn, nên tiêu chuẩn lương thực được nhận sẽ nhiều hơn.
Kimchi Hoang tốt nghiệp chuyên ngành phối khí và sáng tác khoa violon năm 1986. Ra trường chị về đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Tiên Sa, Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Kimchi Hoang lập gia đình năm 1994. Hai năm sau, chị sang định cư tại Mỹ. Hành trang của chị khi sang đất khách có cây đàn violon đã cũ.
Trên xứ người vẫn đau đáu với âm nhạc, Kimchi Hoang lao vào học tập. Ở tuổi 36, tuy sự tiếp thu đã bắt đầu chậm dần, nhưng Kimchi Hoang vẫn ghi danh vào học tiếng Anh tại Trường Đại học Minneapolis. Đồng thời chị đăng ký học chuyên ngành công nghệ âm nhạc (Sound Arts) tại trường và tốt nghiệp là kỹ sư âm thanh (Sound engineer).
Cũng thời gian này, Kimchi Hoang ghi danh theo học khoa âm nhạc. Tuy đã qua đại học âm nhạc tại Việt Nam nhưng chị muốn học ngôn ngữ âm nhạc, nhạc lý, xướng âm… bằng tiếng Anh. Với khả năng thiên bẩm và tay nghề biểu diễn đã có kinh nghiệm, chị được mời đánh violon chính (violon one) cho dàn nhạc của trường đại học. Chị cũng thường xuyên được mời tham gia biểu diễn trong vai trò solo violon với các ban nhạc ở các club âm nhạc hoặc sự kiện lớn tại Mỹ.
Kimchi Hoang luôn đau đáu nhớ quê nhà. Chị đã sáng tác rất nhiều nhạc khúc, ca khúc để giải tỏa tâm trạng của chính mình, được giới mộ điệu yêu thích như: “Mẹ trong tôi”, “ Đôi mắt mưa buồn”, “Trong veo giọt tình”, “Chờ ngày bình yên”, “Go out on a raining day”… Trong đó, ca khúc lấy được nhiều nước mắt của giới mộ điệu là “Những em bé không tên”.
Kimchi Hoang kể lại: “Một hôm, tôi và người bạn tên Kim Tuyến được nhóm Voice To Vision mời tham dự chương trình nói về số phận của những em bé bị bắt cóc, bởi nạn buôn người trên toàn thế giới. Nghe thuyết trình và xem những video điều tra, lòng chúng tôi đều dâng lên nỗi thương cảm vô bờ bến. Để giải tỏa cảm xúc, ngay sau khi về đến nhà, chúng tôi cùng viết phần lời bằng tiếng Việt”.
Một tuần sau, Kimchi Hoang cho ra đời ca khúc “Những em bé không tên”. Khi được đưa ra công diễn, nhạc cảm trong giai điệu đã tạo được nhiều cảm xúc cho khán giả, cho dù họ chưa hiểu được nội dung phần lời bằng tiếng Việt. “Em nhỏ bé bơ vơ/ Cần vòng tay của mẹ/ Cần vòng tay của cha/… Hãy cho em cuộc sống như triệu triệu bé thơ/ Hãy cho em tình thương sưởi ấm trái tim côi”.
Sau buổi diễn, một vị giáo sư gốc Tây Ban Nha và một nữ giáo sư người Hàn Quốc đến hậu trường gặp Kimchi Hoang với những dòng nước mắt xúc động. Họ đề nghị chị cho phép được phiên dịch lời bài hát qua tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hàn. Đồng thời bản nhạc này cũng được chọn làm nhạc khúc tiêu biểu của nhóm Voice To Vision.