Cuộc sống thường ngày

Gom rác từ... đại dương

LÊ QUÂN - GIANG BIÊN 11/02/2024 08:45

Những con tàu cập bến không chỉ đầy chặt cá tôm. Buổi cuối ngày, lúc bến cá dừng lao xao, phụ nữ làng biển lại kéo nhau đi gom rác... những con tàu mang về từ đại dương.

tnb-61955-10.jpg
Đặng Thị Mỹ Ly được tuyên dương "Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023" vì những hoạt động tích cực của chị, đặc biệt đối với vấn đề về môi trường và phục hồi hệ sinh thái biển. Ảnh: NVCC

Đợi tàu, chờ... rác

"Cuộc trở về" của rác từ đại dương là hành trình ngoạn mục khởi đi bởi một phụ nữ trẻ tuổi, năng động và luôn đau đáu câu chuyện môi trường: Đặng Thị Mỹ Ly.

Đã hơn một năm rưỡi, tính từ tháng 4/2022, dễ dàng bắt gặp một nhóm phụ nữ tại bãi biển thôn Tân An (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình), ngóng tàu đánh bắt cập bến. Họ không chờ cá tôm mà chờ... rác. Khi tàu vào bờ, con cá, con mực là của ngư dân. Còn túi lưới đựng vỏ lon, chai nước là phần dành lại cho họ.

Mỗi túi lưới có sức chứa hơn 30kg, toàn rác thải có thể tái chế. Nhóm phụ nữ đưa lưới rác lên bờ rồi phân loại. Vỏ lon nhôm để riêng, chai nhựa phần riêng.

Xong, các chị mang đi bán lấy tiền gây quỹ, gọi là Quỹ rác biển. Từng ngày, nhóm phụ nữ chờ rác mang về từ biển khơi ngày một đông hơn. Những con tàu chứa túi rác chở về cũng... nhiều hơn.

Quỹ rác biển cộng dồn đến nay đã chừng 30 triệu đồng. Số tiền này các chị để dành hỗ trợ phụ nữ địa phương gặp khó khăn đột xuất do tàu thuyền của gia đình không may gặp sự cố trên biển và chia sẻ với những đứa trẻ khó khăn của làng biển.

Đặng Thị Mỹ Ly - trong câu chuyện của những phụ nữ làng biển Tân An, là một người biết nghĩ đồng thời biết làm.

Nghĩ từ bản thân mình là phụ nữ có chồng ra khơi, nghĩ mình từ một người lớn lên và sống nhờ vào biển cả, nghĩ ngôi làng mình đang nhìn về phía biển mỗi ngày, mà làm. Bởi những tin tức về ô nhiễm môi trường biển, đại dương cứ dày lên hằng ngày.

Mỹ Ly biết rằng khi ròng rã hàng tháng trời trên biển, các loại rác sinh hoạt trên tàu đều vứt xuống biển. Dĩ nhiên biển cả không thể chọn lọc được cách dung chứa rác thải. Điều này lâu dần sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học biển, nhất là các rạn san hô.

Chính từ những suy nghĩ đó, chị Mỹ Ly nảy sinh ý tưởng xây dựng mô hình thu gom rác thải từ những con tàu và quyết tâm hành động.

Khơi nhận thức mới

Hiện thực hóa ý tưởng, với lợi thế của một Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Mỹ Ly tiếp cận với cộng đồng và bắt đầu gieo vào mỗi người hậu phương của bạn biển về một môi trường đại dương xanh.

"Tôi tổ chức khảo sát đối với những phụ nữ là vợ các thuyền viên để nắm bắt thông tin, tham khảo ý kiến của họ. Sau đó, tôi gặp gỡ 25 chủ tàu, tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác để các anh hiểu rõ hơn về mô hình" - chị Đặng Thị Mỹ Ly kể chuyện về sự hình thành mô hình.

Để vận hành mô hình, chị Ly tìm đến các tổ thuyền xin lưới cũ và cùng chị em làm thành "túi đựng rác", cấp phát trở lại cho 25 tổ thuyền. Và đã có 25 cam kết từ chủ tàu bắt tay đồng hành tham gia mô hình; bắt đầu cho một nhận thức mới, hành động vì môi trường.
Những người làng biển hiểu điều Đặng Thị Mỹ Ly khơi ra. Họ đồng lòng với chị, để mô hình thu gom rác thải từ đại dương lan tỏa.

Từng ngày một, hình thành nhiều hơn những lớp người đi biển biết trọng quý nguồn sống của mình từ hành động nhỏ nhất. Cho đến tháng 8/2023, đã có thêm 40 chủ tàu cá ký cam kết mang rác từ biển trở về đất liền.

Đặng Thị Mỹ Ly cũng là một trong 6 Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở của Quảng Nam được Hội LHPN Việt Nam tuyên dương "Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023".

Chúng tôi hình dung Mỹ Ly cứ như có đôi chân không mỏi. Thoắt cái, đã thấy chị ở làng Tân An cùng dọn rác biển, rồi lại cùng chị em phân loại phế liệu, xắn tay áo trồng cây làm đẹp đường làng...

Bao nhiêu việc không tên, để duy trì một niềm tin: Nhận thức về bảo vệ và giữ môi trường biển sẽ từng ngày lớn lên từ những người đang sống cùng với biển.

LÊ QUÂN - GIANG BIÊN