Mỳ Quảng xa xứ...
Một ngày nọ tôi tới Đồng Tháp. Cơ duyên gặp một người Quảng xa xứ.
Trưa nắng, tôi tấp xe vào quán dừa xiêm trên đường Nguyễn Huệ (thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) giải khát. Nhìn sang bên kia đường, biển hiệu “Quán mỳ Quảng Giáo Lượng” khiến tôi tò mò.
Gặp đồng hương ở miệt xa
Không gian quán nhỏ, chỉ vừa đủ ba bộ bàn ghế với bếp. Mùi từ nồi nhưn mỳ xộc lên thơm lựng. Hai vợ chồng chủ quán loay hoay trong bếp.
“Ngày nhà chú bán được mấy ký mỳ mà làm rau sống nhiều rứa?”. Nghe tôi hỏi giọng Quảng, ông khựng lại nhìn tôi bật cười rồi trả lời: “Ngày bán từ 10-15 ký mỳ, nhưng phải nhiều rau sống, bà con trong này thích ăn rau theo hương vị mỳ Quảng”.
Bà vợ đang nấu nhưn mỳ quay qua hỏi, “em trên làng Quảng Đà xã Bình Phú, huyện Tân Hồng xuống hả?”. (Bà nghĩ tôi là người làng Quảng ở vùng biên).
“Dạ không phải, cháu ở Quảng Nam mới vào”. Nghe tôi trả lời, bà thả cặp đũa đang khuấy xào nhưn xuống, điều chỉnh lửa nhỏ rồi ra ngồi tiếp chuyện.
Bà Lê Thị Lượng có gần 30 năm bán mỳ, món ăn của quê mà bà mang theo khi vào miền Tây sinh sống. Sợ tôi không quen khẩu vị, bà nói: "Mỳ Quảng quê mình đậm đà hơn, có mùi thơm của củ nén với dầu phụng và tôm đất, tô mỳ đặc sệt. Trong ni thì không có củ nén với dầu phụng như ở quê, nên chưa được đã”.
Rồi bà giải thích thêm: “Bà con miền Tây ăn nhạt hơn một chút, nhiều nước nhưn và phải nóng hôi hổi mới thích. Cô chiều khách làm theo kiểu như vậy, nhưng những gì tinh túy nhất để làm ra tô mỳ Quảng vẫn giữ nguyên, ví dụ như hương vị, màu sắc vàng tươi từ nghệ quyện vào nước nhưn, cách ướp thịt gà, thịt heo".
Bà Lượng người Duy Xuyên, năm 1975 vào Sài Gòn học sư phạm. Ra trường rồi theo chồng người Đồng Tháp về huyện Hồng Ngự dạy học. “Hồi đó lương giáo viên ít lắm, dạy chừng 10 năm ổng xin nghỉ, còn lại mình cô bám nghề” - bà Lượng tâm sự.
Năm 1997, do sạt lở, nhà cửa, đất đai, tài sản bị nhấn chìm xuống sông Tiền, cả gia đình bà Lượng đưa nhau về Sa Rài sinh sống. “Hồi đó mới về đây khổ dữ lắm, thiếu hụt đủ thứ, con cái đến 4 đứa đang tuổi ăn, tuổi học, kinh tế lúc nào cũng chật vật. Bả mở quán mỳ Quảng bán kiếm thêm thu nhập, lấy luôn biển hiệu Mỳ Quảng Giáo Lượng đến nay” - chồng bà giải thích.
Giấc mơ đưa mỳ Quảng đi xa
Mỳ Quảng Giáo Lượng có hai mức giá 20 và 25 nghìn đồng/tô, tùy theo nhưn thập cẩm, gà hay giò heo. “Ở đây mức sống còn thấp lắm nên giá này là vừa” - bà Lượng nói.
Tôi nhìn những bức ảnh treo trong phòng khách, thấy toàn hình ảnh những người trẻ nhận các giải thưởng giáo dục. Thấy tôi chăm chú, bà hồ hởi: “Mấy đứa con của cô đó”.
Dẫn tôi vào chỉ lên mấy bức ảnh, bà giới thiệu từng người. “Đây là thằng đầu, tiến sĩ ở bên Mỹ, đây là em gái kế nó làm ở ngân hàng, còn 2 đứa kia là giảng viên đại học trên Sài Gòn”. Bà nở nụ cười đầy tự hào, chỉ về nồi nhưn mỳ nói nhỏ: “Nuôi mấy đứa ăn học nhờ nồi nhưn nớ đó”.
Tôi chỉ là khách qua đường, nhưng chừng như gốc gác Quảng khiến vợ chồng chủ quán thân tình, xởi lởi ngay. “Cô với chú chuẩn bị đi Mỹ thăm con, thăm cháu, 3 tháng nữa mới về”. Bà vừa dứt, ông chồng cãi ngay: “Qua Mỹ bán mỳ thì có, chứ thăm thú gì”.
Bà Lượng cười giải thích: “Con cái đón qua, mục đích là để cha mẹ đi chơi, không cho làm lụng nữa, mà cô lại thấy bán mỳ Quảng bên Mỹ đắt khách, nên ham làm không đi chơi, ổng cà khịa đó”.
Câu chuyện đang dở có khách vào gọi mỳ, bà làm mỳ cho khách xong quay lại tiếp chuyện. “Đợt trước, con nó bảo lãnh ba mẹ qua Mỹ chơi. Vô tình vào siêu thị thấy bán mỳ Quảng sợi sấy khô, dầu phụng, củ nén…, rứa là chạm đến nghề, mua về làm thử cho con cháu nó ăn, không ngờ mỳ sấy mà trụng ra mềm như mỳ lá tươi. Con mời bạn về đãi, ai cũng khen ngon. Hôm sau họ nói cô làm món đó bán, rứa là cô khởi nghiệp luôn” - bà Lượng tếu táo.
Theo lời bà kể, mỗi ngày bên đó bán khoảng 200 hộp, tương đương chừng 25kg mỳ tươi, mỗi hộp giá từ 12 -15 đô la, tùy theo từng loại nhưn. Ba giờ sáng thức dậy nấu, vào hộp để sẵn, shipper đến nhận chuyển đi.
Con trai bà ở Texas, xa khu người Việt. "Ở khu con của cô sống đa số người Tây Ban Nha, họ làm việc ngành dầu khí rất đông. Họ thân thiện và tốt bụng, chỉ cần mình luôn vui vẻ và cởi mở là dễ hòa nhập” - bà nói. Bà bảo, mình nhớ anh chàng tên Caddo - một kỹ sư dầu khí nhận xét: “Đúng là món ăn của cô rất tuyệt!”.
Bà Lượng cho biết thêm: “Đợt trước chỉ làm bán theo đơn đặt hàng từ bạn bè của con. Nay muốn bán công khai, gắn biển hiệu hẳn hoi, con tôi đã đăng ký thương hiệu Mỳ Quảng Giáo Lượng. Đến nay thủ tục đã xong, chờ ăn tết xong lên đường”.