160 năm Tây hành nhật ký
Đã tròn 160 năm kể từ ngày tác phẩm “Tây hành nhật ký” của Phạm Phú Thứ được dâng lên cho vua Tự Đức (31/3/1864) với mong muốn “mở rộng tầm nhìn cho triều đình ra ngoài thế giới Trung Hoa” để thực hiện canh tân toàn diện nhằm tránh họa mất nước.
Sứ bộ Phan Thanh Giản
Sau thất bại ở Đà Nẵng, tháng 9/1860, Pháp đem đại quân vào tấn công Gia Định. Ngày 25/2/1861 liên quân Pháp - Tây Ban Nha chiếm được Gia Định rồi đem quân chiếm Mỹ Tho.
Sau đó đánh lấy Biên Hòa, Vĩnh Long và chiếm đảo Côn Lôn. Triều đình Huế phải ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp.
Vua Tự Đức cảm thấy hết sức có lỗi với tổ tiên và thần dân vì để mất một mảnh giang sơn, nhất là đất Gia Định, nơi khởi nghiệp của nhà Nguyễn. Vì vậy năm 1863 nhà vua cử một sứ bộ rất hùng hậu sang Pháp và Tây Ban Nha để xin chuộc lại đất.
Sứ bộ gồm 64 người do 3 đại thần là Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm Phó sứ và Ngụy Khắc Đản làm Bồi sứ. Trong đoàn có một người lo lễ vật, hai thư ký, hai thông ngôn, bốn võ quan, hai thầy thuốc, còn lại là người phục vụ.
Phía Pháp cũng cử một đoàn gồm 9 người đi theo để hỗ trợ, trong đó có Trương Vĩnh Ký (Thông ngôn) và Tôn Thọ Tường (quan chức).
Sứ đoàn khởi hành từ Thuận An ngày 21/6/1863 đến Gia Định đổi tàu lớn để ra đại dương. Đoàn rời cảng Bến Nghé ngày 4/7 trên quân hạm Europeen của Pháp, đi theo lộ trình Singapore - Malaysia - Ấn Độ Dương, biển Ả Rập đến Aden, vào Biển Đỏ đến thị trấn Suez.
Tại đây, sứ đoàn lên bộ đi xe lửa qua Cairo đến hải cảng Alexandrie của Ai Cập trên Địa Trung Hải, rồi xuống tàu Labrador, đi qua đảo Crète của Hy Lạp, qua đảo Sicile của Italy, qua đảo Corse của Pháp, đến cảng Toulon rồi đến Marseille ngày 10/9. Tại đó, sứ đoàn được Đại úy Aubaret (một người giỏi chữ Hán và tiếng Việt) hướng dẫn lên bộ đi xe lửa đến Paris ngày 13/9.
Trên đường đi sứ bộ được đón tiếp nồng nhiệt. Đến Suez sứ bộ đã treo Hoàng kỳ có thêu 4 chữ đỏ “Đại Nam khâm sứ” và được bắn 19 phát đại bác để chào mừng.
Đến Paris sứ đoàn được Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đón tiếp và hứa sẽ sắp xếp để được yết kiến Hoàng đế Napoléon III vào tháng 10 nhưng nhà vua bận việc nên mãi đến 5/11 mới yết kiến.
Sứ bộ đã trình quốc thư của Tự Đức lên Napoléon III, trong thư nhà vua có yêu cầu xét lại một số điều khoản của hòa ước Nhâm Tuất 1862 trong đó nhấn mạnh: “Nước tôi đã bồi thường chiến phí nên đất thuộc ba tỉnh ấy phải được trả lại”.
Sau khi được Napoléon III hứa sẽ sửa lại một số điều khoản khắc nghiệt của bản hòa ước (giao cho Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa cùng Bộ trưởng Ngoại giao soạn thảo Hòa ước mới), sứ bộ lên đường sang Madrid (Tây Ban Nha) ngày 8/11/1863.
Ngày 18/11 sứ đoàn trình quốc thư của Tự Đức cho Nữ hoàng Isabella II, đến ngày 20/11 lên đường về nước. Từ Madrid đoàn đi xe lửa đến Valencia rồi lên tàu đi Barcelona. Khi ngang qua Italia sứ đoàn ghé Tòa thánh và được Giáo hoàng tiếp.
Ngày 18/3/1864 đoàn về đến Sài Gòn, chạng vạng tối 28/3 đến Thuận An. Ngày 31/3/1864 sứ bộ đã tấu trình mọi việc lên vua Tự Đức. Trong các bản tấu trình có tập “Tây hành nhật ký”.
Tây hành nhật ký
Về nguyên tắc “Tây hành nhật ký” là cuốn biên niên sử về 9 tháng công cán sang phương Tây của sứ bộ Phan Thanh Giản. Nhưng sách lại do Phạm Phú Thứ ghi chép.
Ta xác quyết điều đó vì trong các bản khắc in đều ghi tác giả là Phạm Phú Thứ và theo nhà nghiên cứu Trần Quốc Anh (Tạp chí Đông Á, tập I) thì trong hồ sơ tấu trình lên vua Tự Đức ngày 31/3/1864 có “Tây hành nhật ký” và cuối quyển sách có ghi: “Thần Phạm Phú Thứ phụng thảo”.
Mặt khác trong sứ bộ ngoài Phạm Phú Thứ không ai có đủ chữ nghĩa, lòng đam mê học hỏi, óc quan sát và sự nhạy bén để tiếp thu kỹ thuật mới mà ghi chép lại một cách đầy đủ mọi sự việc (Phan Thanh Giản thì già yếu, mệt mỏi, nặng trĩu áp lực, Ngụy Khắc Đản thì bận viết “Như Tây ký”).
Trần Quốc Anh cũng cho rằng “Tây hành nhật ký” còn có tên là “Tây phù nhật ký”, “Như Tây sứ trình nhật ký” và “Giá Viên biệt lục”. “Giá Viên biệt lục” ngoài nội dung của “Tây hành nhật ký” có còn có phần thơ “Giá Viên thi thảo” (bản này có lẽ do Cử nhân Phạm Phú Lâm (gọi Phạm Phú Thứ bằng chú) và Tú tài Trương Trọng Hữu (rể Phạm Phú Thứ) sao lục và thêm vào).
Cũng theo tác giả trên trong tài liệu đã dẫn thì hiện nay trong kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội có 4 dị bản của “Giá Viên biệt lục”.
Ba bản in dưới triều Thành Thái mang các ký hiệu VHv 1770 (292 trang), VHv 296/1,2 (188 trang), VHv 2232 (104 trang) và một văn bản viết tay có ký hiệu A.100 (140 trang) có tựa đề “Tây phù nhật ký”.
“Tây hành nhật ký” gồm 3 quyển: quyển Thượng chép về cuộc hải trình từ Huế sang Pháp; quyển Trung chép về những sự việc trên đất Pháp; quyển Hạ ghi chép chuyến sang Tây Ban Nha và trở về lại Huế.
Sách cũng đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Việt. Năm 1919, Nguyễn Đình Hòe và Ngô Đình Diệm dịch quyển Thượng ra tiếng Pháp và đăng trên BAVH (từ trang 121 - 216).
Năm 1921 Nguyễn Đình Hòe cùng Trần Văn Toản dịch quyển Trung ra tiếng Pháp và đăng trên 2 số của BAVH ở các trang 147 - 187 và 243 - 281. Hai bản dịch này được lấy từ bản viết tay có lẽ là bản “Giá Viên biệt lục” đề cập ở trên.
Ở miền Nam hai tác giả Tô Nam và Văn Vinh đã dịch ra tiếng Việt đăng trên tạp chí Văn Đàn suốt 1 năm từ số xuân Tân Sửu (1961) đến số xuân Nhâm Dần (1962). Bản này vào năm 2001 được Nhà xuất bản Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh in lại.
Ở miền Bắc tác giả Quang Uyển đã dịch ra tiếng Việt và in ở Hà Nội. Bản này được NXB Đà Nẵng in lại vào năm 1999.
Có thể nói “Tây hành nhật ký” là cuốn du ký đầu tiên của người Việt ghi chép sinh hoạt của người phương Tây, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, tuy không mới mẻ đối với chúng ta hôm nay nhưng lại cực kỳ mới mẻ và quý hiếm vào thời ấy.
Khi viết, Phạm Phú Thứ rất bình tĩnh bằng một thái độ khách quan không chối bỏ cũng không bị choáng ngợp trước nền văn minh kỹ thuật của họ. Ông lặng lẽ quan sát và chắt lọc để ghi chép.
Hạn chế duy nhất của quyển sách là viết theo lối biên niên và cách phiên âm mới các địa danh rất khó cho người đọc.
Điều đáng nói nhất của quyển sách là đằng sau những thông tin lạnh lùng, Phạm Phú Thứ muốn cung cấp những hiểu biết quan trọng cho vua Tự Đức và những đại thần “bảo thủ” của triều đình Huế ngày ấy để họ có một cái nhìn rộng rãi hơn, “ra ngoài thế giới Trung Hoa”.
Để từ đó thức tỉnh mà thực hiện một cuộc canh tân sâu rộng mới mong giàu mạnh mà giữ được độc lập dân tộc trước sức bành trướng của các đế quốc Tây phương. Rất tiếc, chừng đó chưa đủ để khiến Tự Đức quyết đoán hơn và đám triều thần bảo thủ tỉnh ngộ.
“Tây hành nhật ký” thể hiện tài năng, trí tuệ và tấm lòng của một danh nhân đất Quảng.