Xanh lên cánh rừng gỗ lớn
Hiệp Đức được biết đến là "thủ phủ" của những cánh rừng trồng được cấp chứng chỉ bền vững, mở ra hướng đi đầy triển vọng.
Hợp tác trồng rừng gỗ lớn
Trên cung đường Trường Sơn Đông đi qua địa phận xã Sông Trà (Hiệp Đức), nhà máy chế biến ván thanh (từ gỗ) và viên nén năng lượng (từ các phế phẩm gỗ) của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Hiệp Đức đã được đầu tư khá quy mô từ năm 2020.
Sản phẩm sau chế biến của công ty được xuất sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Song hành với việc xây dựng nhà máy, năm 2021 công ty đã cấp hỗ trợ hơn 200 nghìn cây giống tai tượng Úc cho người dân xã Sông Trà, trồng trên diện tích 117ha.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Hành chính - pháp lý của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Hiệp Đức cho biết, trước đây công ty phải vận động tuyên truyền để người dân biết được lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn đạt tiêu chuẩn. Công ty cam kết hỗ trợ đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc và đầu ra của rừng gỗ lớn. Từ đó người dân mới yên tâm triển khai mô hình.
"Đến nay, diện tích keo mà công ty hỗ trợ bà con đều đang phát triển tốt. Để tạo vùng lõi nguyên liệu ổn định lâu dài, công ty cung ứng giống hàng năm cho người dân có nhu cầu tham gia cùng công ty, mở rộng vùng trồng để cung cấp nguyên liệu gỗ lớn bền vững" - bà Hiền nói.
Đến thăm vườn keo của ông Trương Văn Phổ được trồng ở Sông Trà từ tháng 5/2021, nhiều người trầm trồ vì cây lớn nhanh do trồng đúng quy cách.
Ông Phổ nói: "Ban đầu nghe trồng rừng gỗ lớn phải tốn thời gian dài hơn, tôi và nhiều hộ khác cũng phân vân. Nhưng sau đó nghe công ty cam kết và giải thích rừng gỗ lớn ít tác động môi trường, giá lại tốt hơn, chúng tôi thấy cũng đúng nên tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn cùng công ty.
Đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm cây keo gỗ lớn đều được công ty lo, chúng tôi chỉ trồng theo đúng kỹ thuật, chăm sóc keo cẩn thận. Nếu không may có bão làm rừng cây hư hỏng, công ty cũng mua sản phẩm để làm viên nén năng lượng, nên chúng tôi cũng yên tâm hơn".
Bạt ngàn xanh phía núi
Những đồi núi xanh bạt ngàn đã được người dân xã Hiệp Thuận, Hiệp Hòa (Hiệp Đức) trồng rừng theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng FSC - (Forest Stewardship Council - Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển & quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới).
Ông Ngô Văn Dũng (xã Hiệp Thuận) nói: "Chúng tôi sớm tiếp nhận được chứng chỉ FSC từ năm 2013 nhờ có HTX Hiệp Thuận. Tôi có 5ha rừng trồng đã được chứng nhận đạt chuẩn.
Trồng rừng đạt chứng chỉ giúp rừng được nâng cao chất lượng, giá trị gỗ cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tốt hơn, đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho chúng tôi".
Ông Nguyễn Hữu Dương - Giám đốc HTX Hiệp Thuận cho hay, tổng diện tích rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ ở Hiệp Hòa, Hiệp Thuận khoảng 1.100ha.
"Ban đầu khi tham gia người dân e ngại vì miền Trung hay có bão, để cây lâu họ sợ bão làm gãy đổ thì công cốc. Ngoài lợi ích về môi trường hay giá cả tốt hơn, thì để người dân yên tâm, HTX đã cam kết sẽ mua bảo hiểm cho rừng trồng theo cấp độ gió.
Khi rừng đạt chứng chỉ FSC thì HTX sẽ mời đơn vị phi chính phủ đến kiểm định và lo chi phí. Sau một thời gian, người dân đã yên tâm hơn và tham gia trồng rừng gỗ lớn ngày càng nhiều hơn" - ông Dương cho biết.
Tính đến nay, tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trên toàn tỉnh khoảng 7.084ha, thì huyện Hiệp Đức đã đạt khoảng 3.200ha, hướng tới đạt được 6.000ha đến năm 2025.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết điều kiện địa hình của Hiệp Đức đồi núi không có độ dốc cao như các huyện miền núi khác nên việc trồng rừng gỗ lớn đạt chất lượng cao.
Việc trồng rừng đạt chứng chỉ FSC trên địa bàn đã được nhân dân cùng vào cuộc với doanh nghiệp. Huyện tạo điều kiện tốt nhất thu hút doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy ở vùng lõi nguyên liệu, giúp nhân dân yên tâm cùng tham gia trồng rừng đạt chứng chỉ FSC, rừng gỗ lớn để cung cấp gỗ cho doanh nghiệp.