Người Quảng Nam

Mưa từ nơi khác

PHƯƠNG GIANG 12/02/2024 09:20

Rời quê nhà Cẩm Kim (TP.Hội An) lên đường sang Úc theo một học bổng đào tạo, rồi lại thêm chuyến đi xa hơn sau đó vài năm, Võ Nguyễn Đức Phước (giảng viên Khoa Thủy lợi - Thủy điện, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) vẫn hằn khắc ký ức về những con lụt bời bời nước bạc của tuổi thơ khốn khó quê nhà. Những ngày nghe mưa từ xứ lạ, tâm tư như một thứ hành trang để anh theo đuổi đam mê với chuyên ngành xây dựng công trình thủy...

tnb-62014.jpg
Võ Nguyễn Đức Phước - giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng khi đang theo học tại Úc. Ảnh: NVCC

Từ Cẩm Kim đến... New Zealand

Ngày hai buổi đến trường bằng đò ngang sông Thu từ Cẩm Kim qua Hội An, Võ Nguyễn Đức Phước tốt nghiệp THPT, rồi vào giảng đường Khoa Thủy lợi - Thủy điện Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

“Có lẽ là may mắn, khi tôi đỗ vào đại học bằng... nguyện vọng 2. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến việc theo học ngành xây dựng, làm kỹ sư, nhưng sự mới mẻ của chuyên ngành xây dựng công trình thủy đã thực sự thay đổi thái độ học tập của mình.

Tôi tiếp cận với kiến thức về công trình thủy lợi, thủy điện, chỉnh trị sông, bảo vệ bờ. Sau đó, tham gia công tác sinh viên nghiên cứu khoa học, những khái niệm mới mẻ về vận chuyển bùn cát, lũ lụt... giúp tôi cảm nhận sự thú vị và vai trò của ngành học này đối với cộng đồng, nhất là làng quê nơi mình ở. Đó cũng là cơ duyên để tôi tìm hiểu và gắn bó nhiều hơn với chuyên ngành” - Đức Phước chia sẻ.

Năm 2017, Võ Nguyễn Đức Phước là một trong số ít giảng viên nhận được học bổng của chương trình Aus4Skill từ Chính phủ Úc - một trong trong những học bổng hỗ trợ nguồn nhân lực cho Việt Nam. Phước trải 2 năm sống tại Melbourne, theo đuổi chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tài nguyên nước. Vượt qua nhiều trở ngại của môi trường đào tạo khắc nghiệt, Phước tốt nghiệp thủ khoa của ngành.

Tháng 2/2023, Đức Phước lại bắt đầu hành trình mới: nghiên cứu sinh chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Auckland (New Zealand) chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng và môi trường.

“New Zealand là đất nước hướng tới sự phát triển bền vững phát triển con người - xã hội và quản lý thiên tai. Định hướng này phù hợp với định hướng phát triển của bản thân, hướng tới sự phát triển cân bằng tựa tự nhiên của các biện pháp quản lý tài nguyên nước.

Tôi chọn duy nhất nguyện vọng tại Trường Đại học Auckland (xếp hạng tốp 85 trường đại học trên thế giới) khi làm hồ sơ xin học bổng của Chính phủ New Zealand về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Hành trình ấy đang bắt đầu!” - Phước nói.

Năm 2020, Võ Nguyễn Đức Phước gửi cho tôi vài dòng tin nhắn qua ứng dụng messenger suy nghĩ của anh sau những gì đọc được trên báo Quảng Nam về thảm nạn sạt lở ở miền núi Nam Trà My, Phước Sơn.

Anh nói đến khái niệm “Kỹ thuật nhân đạo” và “Thiết kế dự án bền vững”, hai môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao về tài nguyên nước ở Úc.

Đại ý, mọi công trình, khi chỉ mới ở bước phác thảo, đã phải tính toán những tác động đến yếu tố thích nghi với đời sống con người và hòa hợp cùng thiên nhiên, hướng tới giá trị bền vững...

Đi để trở về

Cuối tháng 11/2023, đề tài “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng được chính thức nghiệm thu, bàn giao cho Sở KH&CN Quảng Nam.

Công trình có sự tham gia của giảng viên Võ Nguyễn Đức Phước, dưới sự chủ trì của PGS-TS. Nguyễn Chí Công - Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Đó cũng là dấu mốc đáng nhớ của Phước, với câu chuyện dài về đề tài ngập lụt và phát triển đô thị ở quê nhà.

Đức Phước nói, các hoạt động nghiên cứu mà anh tham gia gần đây chủ yếu xoay quanh việc đánh giá nguy cơ ngập lụt đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu. Nguy cơ ngập lụt đang tăng cao ở nhiều đô thị, không chỉ riêng Tam Kỳ. Đó là kết quả của quá trình thay đổi điều kiện tự nhiên hiện tại như đắp sông, lấn đồng, thay đổi lớp phủ thấm nước...

Thách thức hiện tại là các giải pháp tựa tự nhiên rất khó thực hiện ở vùng lõi đô thị, mà phần lớn chỉ có thể triển khai ở các đô thị mới. Ít ra, đó cũng là hướng mở để có thể triển khai những toan tính bền vững và dài hơi cho câu chuyện phát triển đô thị tương lai, ngay từ bây giờ.

Gắn vấn đề giải quyết ngập lụt đô thị với câu chuyện của mình trên hành trình mới, Đức Phước cho hay, mục tiêu duy nhất của mình là học tập cách giải quyết bài toán ngập lụt đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu.

“Lâu dài hơn, tôi rất muốn những nghiên cứu đó được hiện thực hóa, giúp ích điều gì đó cho quê hương. Để những thế hệ sau này có thể áp dụng các biện pháp xanh tựa tự nhiên trong giải quyết bài toán thủy lợi” - Phước chia sẻ.

PHƯƠNG GIANG