Khi rừng là “nhà”
(QNO) - Những ngày xuân qua rất vội. Khi người người, nhà nhà đang mải mê với kế hoạch du xuân, đang náo nức check-in ở những lễ hội đầu năm nồng ấm rộn ràng, thì họ, những cán bộ ở Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4 (Trạm chốt chặn rừng lim Lăng - Zuôih, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang) đã lặng lẽ tạm biệt gia đình, trở lại với “ngôi nhà” lớn hơn của mình. Ngôi nhà đó, là cánh rừng lim quý hiếm nằm ngay bên lòng hồ, với hàng ngàn gốc lim soi bóng xuống rừng già...
Xuân nơi chốt gác
Mỗi người mỗi quê. Không khí Tết chộn rộn khắp ngả từ những ngày cuối tháng Chạp. Góc núi bên hồ thuộc địa bàn xã Zuôih, người dân đã tất bật cắm cờ rực đỏ khắp ngả đường. Tiếng nhạc xuân vọng qua bên kia hồ, nơi trạm đóng chốt, càng nôn nao cảm giác được trở về nhà của bao những người giữ rừng. Một năm dài, họ ở rừng nhiều hơn ở nhà, những chuyến trở về rất vội chỉ làm người ta thêm nhung nhớ.
Là người giữ rừng, họ đã chọn cho mình ít nhiều mất mát. Nên chừng như họ hiểu và cảm thông cho nhau hơn, như trong một gia đình. Trạm trưởng Phạm Ngọc Thạch, người có thâm niên lâu nhất ở Trạm này, càng hiểu hơn tâm tình của anh em. Trước Tết, anh đã phân lịch trực cụ thể, động viên anh em cố gắng bám trụ với chốt. Từ trạm trưởng, trạm phó đến anh em nhân viên đều túc trực để trên hết, phải tròn nhiệm vụ của chính mình. Trạm nằm ở một địa bàn khá “hiểm yếu”, canh giữ cánh cổng vào rừng thiêng, nên chỉ cần một phút lơ là thôi, có thể đâu đó, cây rừng sẽ ngã xuống. Họ, thà đổ máu của mình, để canh giữ “kho báu” nơi đại ngàn.
Lịch trực Tết đã được phân cụ thể cho từng tổ. Thay phiên nhau trực gác, những chuyến tuần tra vẫn được nối dài, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ. Tết, anh em vẫn được về nhà đón xuân, nhưng phải chia sẻ những ngày nghỉ ngắn ngủi để có lực lượng “trực chiến” nơi trạm gác. Đón xuân giữa rừng, họ chia nhau những thức quà mang từ nhà, để nguôi ngoai cảm giác trống vắng ngày đầu năm mới. Mấy năm gần đây, trạm đã được dựng kiên cố hơn, có điện từ hệ thống năng lượng mặt trời do chính quyền huyện hỗ trợ, anh em cũng có thêm điều kiện để “vui xuân” từ ti vi, loa đài. Giữa rừng, tất nhiên không thể nào đủ đầy như nơi khác, nhưng anh em trong trạm chốt chặn rừng lim vẫn kịp mang vào ít hoa, treo một lá cờ mới, trang trí cho “tổ ấm” của những người giữ rừng trong ngày đầu năm mới.
[VIDEO] - Cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4 tuần tra, bảo vệ rừng ngày tết:
Người dân ở xã Lăng (Tây Giang) và xã Zuôih (Nam Giang) đã quá quen thuộc với những khuôn mặt của từng người ở trạm. Là nhờ những buổi đi tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các quy định khi vào rừng lấy lâm sản phụ, không săn bắt thú rừng trái phép. Là những lần xuống địa bàn để nắm tình hình, hoặc biết bao cuộc gặp gỡ ngay giữa rừng trong các chuyến tuần tra. Tận tụy với công việc, gần gũi với người địa phương, Trạm bảo vệ rừng có thêm “tai mắt” là những người dân bản địa. Tết, anh em thi thoảng được bà con gửi tặng quà: vài thức bánh truyền thống, cá suối, rau rừng. Có người quý anh em, mang vào một ít rượu để tặng anh em dùng trong những hôm không có chuyến tuần tra. Ngày Tết xa gia đình, nhưng cũng có “hơi người”, vơi bớt nỗi buồn giữa thẳm sâu rừng già.
Mười năm. Từ thời điểm lòng hồ thủy điện đóng nước, cũng là thời gian Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4 (Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang) được thành lập. Ở lại bên lòng hồ thủy điện tại xã Zuôih (Nam Giang) nơi khu vực giáp ranh, những cán bộ của chốt đã ăn rừng, ngủ rừng, nằm lại giữa hiu quạnh với bao gian nan trắc trở. Họ ở đó, thầm lặng và miệt mài để giữ lấy cánh rừng lim quý giá cùng hàng trăm gốc lim cổ thụ.
Sống với rừng
Gió lùa từ lòng hồ lên căn lán trại, thông thốc. Lạnh cắt da. Mùa đông đến muộn, sương bảng lảng phủ xuống cánh rừng. Yên vắng. Thi thoảng lại có tiếng tác của con hoẵng, con nai nào đó vọng lại từ thăm thẳm phía rừng già. Nước từ lòng hồ dâng lên đến xâm xấp chân căn chòi gác. Bữa cơm tối dọn vội. 7 người, là cán bộ và nhân viên kiểm lâm của trạm quây quần bên bữa tối với vài món rau rừng, cá suối, một ít măng khô và thịt mua từ người dân bên kia hồ.
Tháng 8/2014, trạm được thành lập. Hai tháng sau đó, một chiếc phà được hạ thủy, cấp cho cán bộ nhân viên ở trạm. Đó cũng là “ngôi nhà” đầu tiên của anh em kiểm lâm. Nhiều năm ròng, anh em sinh hoạt, ăn ngủ lênh đênh trên chiếc phà như những “ngư phủ” giữa đìu hiu vắng lòng hồ. Khu dân cư gần nhất, lúc đó, cách xa ít nhất 5 cây số, không có đường qua lại. Hành trang của những kiểm lâm viên ngày ấy, là balô, luôn sẵn sàng tăng võng.
Sau này, chủ trương sắp xếp bộ máy quản lý, bảo vệ rừng đã tạo cuộc “cách mạng” mới trong công tác giữ rừng. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang được sắp xếp lại, song vẫn chủ trương giữ lại Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4. UBND huyện Tây Giang cũng quan tâm hơn đến chỗ ăn, ở của lực lượng giữ rừng vùng giáp ranh này.
Bữa cơm tối ở trạm qua nhanh. Hình như, chạm mặt với nhau mỗi ngày, mỗi giờ, họ cũng không có quá nhiều câu chuyện để kể cho nhau nghe, ngoài những thông tin về công việc. “Hôm qua chỗ dốc gần suối Lớn, có đâu chục cái bẫy, tụi em vừa gỡ. May quá chưa có con chi bị dính bẫy”. “Thân lim già đổ ngang trong núi nay bị nước cuốn xuống đâu chừng chục mét nữa đó anh. Nước đợt này lớn dữ”..., những câu chuyện chóng vánh trôi đi, nhường lại không gian yên vắng thường lệ ở góc rừng.
Bhling Hội là “lính trẻ” nhất ở trạm. Gia cảnh khó khăn, cuộc sống thiếu thốn, Hội vào làm việc ở trạm mà không có nổi một chiếc xe máy. Thương anh em, trạm trưởng Bùi Ngọc Thạch cho Hội mượn chiếc xe máy cũ để ngày nghỉ có phương tiện về thăm nhà. Hội hơi rụt rè, ít tiếp xúc, nhưng trong công việc lại tỏ ra rất cố gắng và tận tụy. Đêm xuống, Hội phụ anh em dọn dẹp bát đũa, rồi ra mép lán ngồi buông cần câu. Đó cũng là thú vui giản dị mỗi đêm, của những anh em ở trạm. Trạm phó Lê Văn Hia cũng ra ngồi gần chỗ Hội. Cả tháng, có khi là vài tháng, Hia mới được về thăm gia đình, cách nơi trạm đóng chân cả trăm cây số.
Vì những mầm xanh
Nhớ lại những ngày đầu vào trạm, Bùi Ngọc Thạch nói, sống không sóng điện thoại, không điện, lúc đó thiếu thốn mọi bề. Tết nào, anh em cũng chia nhau trực xuyên Tết, có nhiều giao thừa phải lặn lội ngược núi tìm nơi có sóng, gọi vội một cuộc điện thoại về gia đình. Mưa lũ có thời điểm cô lập trạm cả tháng trời, anh em tự túc bằng những thứ kiếm được từ rừng.
Chỉ còn tôi là ở lại với trạm này mười năm nay rồi. Nhiều anh em chịu không nổi áp lực công việc, thanh niên trai trẻ nhớ vợ con, lần lượt chuyển công tác hoặc nghỉ hẳn. May mắn, luôn có lực lượng chuyên trách là người địa phương, yêu rừng, tiếp tục gắn bó với công việc của trạm.
Anh Bùi Ngọc Thạch - Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4 (Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang)
Gian khó như một “đặc thù” đối với nghề giữ rừng. Ăn rừng, ngủ rừng, ai cũng đôi lần “rưng rưng” những nỗi niềm riêng. Nửa năm trước, trạm trưởng Bùi Ngọc Thạch bị sỏi thận, tắt đường tiểu. Nén đau, anh đi xe máy tự chạy về xuôi, vào thẳng bệnh viện. “Nếu chuyến đi đó không quyết chạy về, chờ chuyển viện, bác sĩ nói chắc bàng quang đã vỡ” - anh kể.
Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4 quản lý lâm phận hơn mười ngàn héc ta rừng, trong đó có cánh rừng lim quý hiếm với hơn 1.600 cây có đường kính gốc từ 25cm.
Trong lâm phận của trạm quản lý, có một thân lim chết. Đã ba mùa lũ, mỗi năm thân lim ấy lại trôi ra ngoài một chút. Anh em lo lắng thân lim trôi ra ngoài lâm phận, khó quản lý. Nhưng rồi tất cả động viện nhau, khi nào cây còn ở đất của Tây Giang, thì mình vẫn còn phải giữ. Không chỉ giữ lấy những cánh rừng lim, mà giữ cả từng miếng dăm gỗ, giữ từng mầm cây con. Giữ rừng, là trách nhiệm và sứ mạng của họ. Hiểm nguy thì luôn chực chờ. Trong rừng già, có bao bất trắc mà chỉ cần chủ quan, thiếu kinh nghiệm, có thể phải trả giá bằng cả mạng sống.
“Trước khi về trạm, tôi đã có 5 năm làm kiểm lâm ở nhiều xã thuộc huyện Phước Sơn, chạm mặt lâm tặc nhiều lần. Có người đến gặp, nói với tôi ông nên “biết điều”, mấy cây trong rừng không phải là việc của ông. Nhưng nếu mình nhắm mắt, thì tôi đã chết ngay lúc đó rồi, không đợi người ta làm gì mình. Kể cả thân cây lim đã chết trong kia, vẫn thuộc về rừng. Nó sống trong cội nguồn của nó, tôi vẫn sẽ giữ đến miếng dăm gỗ cuối cùng. Gia đình của tôi có 4 anh em trai, ba người anh đã chết. Cái chết với tôi không còn là điều đáng sợ nữa. Có lẽ vì lì lợm thế, nên tôi vẫn được tin tưởng, giữ lại trạm cho đến tận bây giờ” - Trạm trưởng Bùi Ngọc Thạch nói.
[VIDEO] - Anh Bùi Ngọc Thạch - Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 4 (Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang) chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ rừng lim:
* * *
Gió vẫn thông thốc thổi từ lòng hồ. Xào xạc tiếng rừng. Mỗi năm, nhẩm đếm, anh em ở trạm đã trực trong rừng hơn 9 tháng ròng. Họ sẽ còn ở lại, "gác cổng" cho cánh rừng thiêng sâu trong lòng hồ thủy điện...