Mái nhà cho voi
Là báu vật của rừng vùng thượng nguồn, những chú voi giờ đây đã có một mái nhà an toàn đúng nghĩa từ chính cộng đồng người dân xung quanh, cũng là những vệ tinh của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi.
Phục hồi môi trường sống
Hàng rào xanh bằng cây bồ kết đang được chăm sóc tại những vùng giáp ranh giữa khu bảo tồn và đất sản xuất của người dân xung quanh.
Trong khu vực 19.000ha dành cho voi sinh sống, đã không còn những thửa rẫy hay căn nhà nào. Di dời nhà và rẫy để nhường chỗ cho voi, là một trong những hoạt động đầu tiên trong câu chuyện từng bước phục hồi môi trường sống cho đàn voi.
Những chiếc bẫy ảnh cùng hệ thống giám sát đa dạng sinh học đã góp phần nhận diện hiện trạng “mái nhà” của voi rừng. Ngoài các hoạt động kiểm kê đa dạng sinh học, việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trở thành kim chỉ nam để giữ không gian sống cho đàn voi. Đến thời điểm hiện tại, cùng với 5,3km hàng rào bồ kết được trồng và chăm sóc, những cánh rừng xanh ngày một dày dặn hơn.
Tháng 8/2023, WWF ra mắt sáng kiến Liên minh Bảo tồn voi châu Á (AEA) với mục tiêu giảm thiểu tình trạng sinh cảnh của voi bị mất và thu hẹp. Liên minh ra đời trong bối cảnh các mối đe dọa đối với loài voi không thể đơn phương được giải quyết mà cần tới sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia, các đối tác trong khu vực. Trọng tâm của AEA là tăng cường các hoạt động nghiên cứu, giám sát, bảo vệ và quản lý.
Trong nỗ lực của cộng đồng bảo vệ đàn voi rừng ở thượng nguồn, ông Nick Cox - Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ (WWF thực hiện) cho rằng, phục hồi môi trường sống cho voi cũng chính là để loại bỏ những mối đe dọa với sự tồn tại của chúng.
Trong cảnh quan vùng Trung Trường Sơn, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc vùng sinh thái ưu tiên khi có hệ động thực vật đa dạng, phong phú, với nhiều loài thuộc diện nguy cấp nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như hoàng đàn giả, kim giao, voi, chà vá chân xám, vượn má vàng Trung Bộ, gà lôi trắng…
Tuy nhiên, theo ông Nick Cox, tại khu bảo tồn này, vì voi có 8 cá thể nên mới chỉ là một quần thể nhỏ. Và đàn voi đang đối mặt những tác động tiêu cực của sự quan hệ cận huyết, các khiếm khuyết về mặt di truyền cũng như dễ bị tổn thương do bệnh tật. Bên cạnh đó, sinh cảnh và nguồn thức ăn hạn hẹp cho đàn voi này trong tương lai cũng là những mối đe dọa.
“Đặc biệt, với quần thể nhỏ như thế, khả năng tồn tại của chúng đang bị đặt trong tình trạng nghiêm trọng. Do vậy, đàn voi gồm 8 cá thể này là lời nhắc nhở về các thách thức bảo tồn phía trước, nhưng cũng là biểu tượng của sự hy vọng, bằng những nỗ lực tối đa, chúng ta có thể phục hồi môi trường sống của voi và loại bỏ những mối đe dọa đối với sự tồn tại của chúng” - ông Nick Cox nói.
Theo USAID, voi châu Á hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống và chất dinh dưỡng, tạo đường mòn trong rừng rậm và thay đổi sinh cảnh rừng, mang lại lợi ích của các loài động vật khác.
Ngay cả dấu chân voi cũng tạo thành các hệ sinh thái nhỏ - nơi có nhiều sinh vật cư trú, do vậy, chúng được xem như những “kỹ sư của hệ sinh thái và thợ làm vườn của rừng”.
Canh gác từ bước chân voi
Ông Nguyễn Văn Bình - người đàn ông đã 4 lần dời nhà “nhường chỗ cho voi”, từ Sầm Nưa, Hồn Nứa, Cán Dù rồi ra tận Cấm La (Quế Lâm) dựng nhà, hiện là một trong những hạt nhân tích cực cùng lực lượng chuyên nghiệp tham gia bảo vệ voi rừng.
Am hiểu tường tận từng khu vực có đàn voi sinh sống, cùng với tâm huyết bảo vệ voi, những người như ông Bình ngày một nhiều hơn ở Nông Sơn.
Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Bản Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi nói, danh sách những hộ dân tham gia bảo vệ voi rừng đăng ký mỗi ngày một dài thêm.
Họ không chỉ chạm mặt, đối diện với voi nhiều lần mà còn thông thuộc đường rừng, đặc tính hoang dã của từng cá thể. Đến nay, ban quản lý đã thành lập 5 nhóm bảo tồn cộng đồng các xã Quế Lâm, Phước Ninh, Quế Trung, Hiệp Hòa (Hiệp Đức) và thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang).
Đã có nhiều hơn những bảng cảnh báo và biển ranh giới lâm phận được đặt dọc các trục vào rừng. Những buổi tập huấn tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cũng như hỗ trợ điện năng lượng mặt trời, thau đồng, hướng dẫn cách xử lý khi đàn voi xuất hiện cho các hộ dân sống gần rừng để mỗi người dân tự ý thức rằng, việc bảo vệ đàn voi cũng như quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học chính là giữ cho voi một mái nhà an toàn.
Những chiếc chiêng đồng khắc thông điệp bảo vệ loài voi được khu bảo tồn cung cấp cho người dân để cảnh báo voi không xâm nhập nơi ở của họ.
Ông Lương Quang Minh (thôn Phước Hội, xã Quế Lâm) thi thoảng vẫn đánh chiêng cảnh báo để voi không xâm nhập nơi ở của người dân, mỗi khi dấu chân voi xuất hiện ở bìa rừng. Những thông tin voi xuất hiện ngày nào, ở đâu... đều được vợ chồng ông thông báo đến ban quản lý. Từ những dữ liệu của người dân, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thiết lập các phương pháp quản lý phù hợp.
Mỗi nỗ lực của cộng đồng sẽ góp phần hỗ trợ loại bỏ các mối đe dọa đối với voi rừng, và cũng là cách cộng đồng bản địa hợp lực vì tài nguyên của quê hương mình.