Nông nghiệp - nông thôn Điện Bàn chuyển biến mạnh mẽ
Thời gian qua, nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của thị xã Điện Bàn gặt hái nhiều “quả ngọt”.
Thành quả lớn
Theo ngành nông nghiệp Điện Bàn, trong 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu của năm 2023, nông dân trên địa bàn 20 xã, phường của thị xã canh tác hơn 20.071ha cây trồng các loại. Trong đó, riêng diện tích cây lương thực có hạt là 13.115ha, gồm: 10.739,7ha lúa và 2.375,8ha bắp.
“Qua thống kê, năm 2023 năng suất lúa bình quân của Điện Bàn đạt 61,34 tạ/ha và năng suất bắp bình quân đạt 61,81 tạ/ha. Nhờ năng suất hai loại cây trồng chủ lực vừa nêu đạt cao nên năm qua tổng sản lượng cây lương thực có hạt của thị xã đạt 80.565,5 tấn, tăng 4.725,5 tấn so với kế hoạch đề ra và tăng 4,42% so với năm 2022” - ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết.
Thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi của Điện Bàn cũng chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2023, toàn thị xã có 31.546 con heo, 24.659 con bò (trong đó bò lai, bò 3B là 19.234 con), 450 con trâu và 1.514.460 con gia cầm các loại.
Đáng chú ý, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và đảm bảo an toàn dịch bệnh ngày càng được người dân địa phương đầu tư xây dựng.
Đến nay, Điện Bàn có 33 trang trại chăn nuôi đạt quy mô trang trại theo Luật Chăn nuôi, trong đó có 21 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02 (ngày 28/2/2020) của Bộ NN&PTNT.
Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của Điện Bàn đạt 3.642 tấn, tăng 142 tấn so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, sản lượng khai thác hơn 2.579 tấn và sản lượng nuôi trồng xấp xỉ 1.063 tấn…
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Ông Nguyễn Đức Chơi cho hay, năm 2024 Điện Bàn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.
Thị xã sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp gắn với quy hoạch NTM. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo phương thức liên kết chuỗi giá trị (sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm) để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn.
Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyên canh tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tích cực hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất an toàn và vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, quan tâm hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh. Mở rộng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở các xã để tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò cao sản, hạn chế ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Những năm qua, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở thị xã Điện Bàn đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2023, tất cả 8 xã gồm Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Tiến, Điện Hòa đều duy trì xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Quyết định số 2072 (ngày 9/8/2022) của UBND tỉnh.
Đáng ghi nhận, trong số 8 xã nêu trên thì có 6 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, hiện nay Điện Bàn đã có 60 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, trong năm 2023 Điện Bàn có thêm 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Như vậy, đến nay toàn thị xã có tổng cộng 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 - 4 sao.