Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững
Những năm gần đây, không ít doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân ở Quảng Nam đầu tư phát triển mạnh mô hình sản xuất rau củ quả an toàn, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ và an toàn dịch bệnh. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Sản xuất rau củ quả theo hướng hữu cơ
Vùng rau chuyên canh ở Hội An xanh nghít, bạt ngàn với rau cải, mồng tơi, rau muống, dền đỏ, húng, quế, hành. Trên ruộng rau, nhà nông tất bật nhổ cỏ, bón phân, tưới nước, bắt sâu để chuẩn bị cung ứng sản phẩm ra thị trường dịp Tết Giáp Thìn.
Bà Trần Thị Hồng Trang – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hội An cho hay, làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) có hơn 200 hộ dân tham gia sản xuất 18ha rau chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mỗi năm, nông dân canh tác 4 vụ và tổng sản lượng thu hoạch đạt 700 – 800 tấn rau các loại. Nếu tính bình quân 1kg rau bán ra thị trường với mức giá 25 nghìn đồng thì hằng năm người dân Trà Quế thu về gần 19 tỷ đồng.
Tại thôn Thanh Đông của xã Cẩm Thanh cũng có 11 hộ dân tham gia mô hình trồng rau hữu cơ chuyên canh với diện tích gần 1,3ha. Hằng năm, số hộ dân trên bán ra thị trường 8 – 10 tấn rau các loại, thu về khoảng 230 triệu đồng.
“Chính quyền Hội An thường xuyên quan tâm hỗ trợ người dân đẩy mạnh quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ rau hữu cơ, rau theo tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể “làng rau Trà Quế”.
Nhờ vậy, sản phẩm rau Trà Quế không chỉ tiêu thụ trên địa bàn Hội An mà còn mở rộng ra nhiều địa phương khác, nhất là tại các chợ và một số siêu thị lớn như Metro, Big C, Co.op Mart… ở Đà Nẵng” – bà Trang chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc hỗ trợ sản xuất rau củ quả an toàn ngày càng được ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương chú trọng.
Chỉ tính riêng năm 2023, các đơn vị liên quan tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho 330 lượt hộ nông dân. Cạnh đó, đầu tư hơn 215 triệu đồng nâng cấp hệ thống nước tưới cho các khu sản xuất rau hữu cơ và hỗ trợ chứng nhận rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hội An, Đại Lộc, Điện Bàn.
Theo ông Vũ, hiện nay tổng diện tích sản xuất rau củ quả an toàn trên địa bàn Quảng Nam là hơn 85ha, trong đó 41ha có chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và hơn 44ha có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Tuy diện tích sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn còn thấp nhưng hầu hết sản phẩm đều có đầu ra ổn định, thu nhập của người trồng rau tăng lên đáng kể” – ông Vũ nhìn nhận.
Phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp
Giai đoạn 2021 - 2030, Quảng Nam định hướng về phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số nhằm kết nối giữa sản xuất, chế biến và thị trường.
Trong đó, đáng chú ý là nghiên cứu thử nghiệm mô hình “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.
Theo đó, mục tiêu là mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, …), đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Chăn nuôi an toàn sinh học
Năm 2020, HTX Chăn nuôi công nghệ cao Gò Nổi thuê 19.000m2 đất tại thôn Bến Đền (xã Điện Quang, Điện Bàn) để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò 3B quy mô lớn theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh.
Ông Ngô Trọng Hoàng – Giám đốc HTX cho biết, hằng năm đơn vị nuôi khoảng 300 – 400 con bò 3B. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ tự nhiên, cỏ voi trồng quanh trang trại, bã đậu nành và các loại phế phụ phẩm nông nghiệp ủ chua.
Lúc mới thả nuôi, bình quân một con bò 3B có trọng lượng 200kg hơi; nuôi khoảng 8 – 10 tháng, trọng lượng mỗi con đạt 450 - 500kg hơi là xuất bán.
“Trừ chi phí đầu tư, hằng năm HTX lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng từ mô hình chăn nuôi này” – ông Hoàng chia sẻ.
Ngoài trang trại bò 3B của HTX Chăn nuôi công nghệ cao Gò Nổi, trên địa bàn tỉnh còn có một số mô hình tiêu biểu như trang trại nuôi gà thịt thảo mộc của HTX Nông nghiệp & kinh doanh dịch vụ Tiền Phong (xã Tiên Phong, Tiên Phước) với quy mô mỗi năm 5 nghìn con, lãi ròng 150 triệu đồng; trang trại nuôi heo cỏ địa phương theo phương thức hữu cơ với quy mô 200 con của HTX Tâm Đức Phú (xã Tam Lãnh, Phú Ninh)…
Quảng Nam đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất trên lĩnh vực chăn nuôi giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nông hộ. Hầu hết mô hình liên kết ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, toàn tỉnh có 32 trang trại nuôi heo thịt, 40 trang trại nuôi gà thịt, 1 trang trại nuôi vịt thịt có sự liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần CP Việt Nam, Công ty cổ phần Thái Việt Corporation, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty cổ phần chăn nuôi gia cầm Vietswan, Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam…
Bình quân mỗi lứa, các trang trại heo nuôi khoảng 45.450 con, chiếm 13,25% tổng đàn heo của Quảng Nam; các trang trại gà và vịt nuôi khoảng 870.000 con/lứa, chiếm 9,67% tổng đàn gia cầm của tỉnh.
Hình thức liên kết chăn nuôi bò lai thương phẩm theo chuỗi giá trị giữa các HTX và nông hộ cũng phát triển khá mạnh. Mô hình này do các HTX làm chủ liên kết, chịu trách nhiệm cung ứng con giống, vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Nổi bật trong thời gian qua là HTX Chăn nuôi công nghệ cao Tiên Phong, Câu lạc bộ chăn nuôi Tiên Sơn (Tiên Phước); HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng, HTX Sản xuất & dịch vụ nông - lâm nghiệp Nhân Nghĩa thuộc huyện Bắc Trà My…