Cuộc sống thường ngày

Trương Mỹ Dung: “Sống cho cộng đồng để hiểu về chính mình...”

THƯ QUÂN 14/02/2024 08:00

Trương Mỹ Dung có những trải nghiệm phong phú ở nhiều vai trò, từ chuyên gia truyền thông cho đến tác giả sách tranh thiếu nhi, điều hành doanh nghiệp và mở nhiều lớp dạy Hán văn. Cô làm tất cả với quan điểm: sống cho cộng đồng để hiểu về chính mình...

tnb-61920-01(1).jpg
Chân dung Trương Mỹ Dung.

Trương Mỹ Dung (sinh năm 1989, quê Điện Bàn) khiến người ta có cảm tình vì gương mặt thanh tú, phong thái nhỏ nhẹ. Nhưng ẩn sau tính nữ ấy, là tố chất Quảng bàng bạc trong từng câu chuyện cô đang thực hành.

Căn tính Việt

* Tôi muốn mở đầu bằng một dự án truyền thông đang “gây bão” gần đây ở giới trẻ, là “Vắc xin văn hóa”. Tôi nghe các bạn “ngồi kể nhau nghe” về những nhân vật lịch sử tiêu biểu và thậm chí là những góc nhìn rất thời đại với các vấn đề văn hóa, lịch sử.

Ngoài “vắc xin văn hóa” Trương Mỹ Dung cũng đang dẫn dắt rất nhiều cuộc trà đàm khác xoay quanh chủ đề văn hóa truyền thống. Hẳn nhiên, thế mạnh của người có kiến thức và kỹ năng về mặt xã hội đã mang lại rất nhiều hiệu ứng cho các dự án mà Dung tham gia?

Trương Mỹ Dung: Đầu tiên về “vắc xin văn hóa” - một chương trình audio live được phát trên ứng dụng OnMic hằng tuần do tôi và các bạn (vốn là học viên các lớp chữ Hán cổ) thực hiện. Có những buổi nói chuyện thu hút từ 200 đến 300 thính giả và họ ở lại xuyên suốt hơn 2 tiếng đồng hồ để nghe chúng tôi trò chuyện và thảo luận về các vấn đề văn hóa Việt Nam. Hình như những cuộc trò chuyện đã có hiệu ứng.

Và cũng bất ngờ thay, những hoạt động vì cộng động này lại giúp Mỹ Dung nhận ra chính mình - hóa ra, tôi đã vốn luôn lưu tâm đến những điều này từ ngay buổi đầu sự nghiệp. Các cuốn sách tranh tôi viết cho trẻ em luôn lấy bối cảnh đồng quê, và khi làm việc với họa sĩ minh họa, tôi luôn nhờ họ vẽ nhân vật mặc trang phục truyền thống.

tnb-61920.jpg
Trương Mỹ Dung đã đồng hành với tổ chức Ruy Băng Tím ở vai trò Trưởng ban Truyền thông từ năm 2015 đến nay. Ảnh: NVCC

Cho nên hiệu ứng, nếu có, là sự lan tỏa của niềm tin và sự chân thành. Những “đại sứ truyền thông” trong các dự án văn hóa của tôi đều tự phát và gần như đều là học trò trong lớp dạy Hán cổ tôi mở.

Về mặt truyền thông, tôi trung thành với chính mình và kiên trì đi theo con đường đặt giá trị lên trên hết. Thách thức không nhỏ nhưng thành tựu cũng vô cùng xứng đáng.

* Có lẽ Ruy Băng Tím - tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên về phòng chống ung thư tại Việt Nam mà Dung là một trong những người đồng sáng lập, cũng bắt đầu bắt bằng sự chân thành như vậy?

Trương Mỹ Dung: Có lẽ nguyên cớ lớn nhất là vậy, đến từ tấm lòng muốn đóng góp cho cộng đồng của các chuyên gia, y bác sĩ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Khi thành lập Ruy Băng Tím, tôi nằm trong Ban truyền thông, lo việc xây dựng và tối ưu website, điều hành fanpage Kiến thức ung thư cho mọi người, vẽ minh họa, thiết kế hình ảnh, kết nối với các cơ quan truyền thông, tổ chức sự kiện... Với cá nhân tôi, những bài viết của Ruy Băng Tím, trước hết là viết cho người nhà của chúng tôi, sau nữa mới cho mọi người.

tnb-61920-03.jpg
Chọn cách truyền tải một nền văn hóa Việt đa dạng, giàu có qua chính các câu chuyện, đối thoại, theo Dung - là cách để người trẻ yêu hơn bản sắc Việt đang có trong mỗi người. Ảnh: NVCC

Chính vì thế, đứng trước những tranh luận về tính khoa học, bằng chứng, độ tin cậy… cuối cùng chúng tôi sẽ chọn hướng đi mà bản thân cho rằng hữu ích nhất với cộng đồng.

Bên cạnh những số liệu và những lời khuyên trung lập, tôi luôn tha thiết đề xuất với các bác sĩ và các nhà nghiên cứu, có thể nào cho thêm vài dòng mà nếu đặt trường hợp người thân của mình thắc mắc, mình sẽ đưa ra lời khuyên như thế nào.

Sách thiếu nhi là một mảng tưởng chừng dễ nhưng lại rất khó để được lứa bạn đọc này tiếp nhận. Liệu với tác giả Nguyên Trang, những thành tựu vừa qua phải chăng là may mắn?

Trương Mỹ Dung: Trước khi bén duyên với ngành Hán Nôm, tôi là "con mọt sách" với niềm đam mê văn chương bất tận. Tuy nhiên lúc đó tôi chỉ viết một cách rất bản năng thôi, cũng có truyện ngắn, tản văn… đăng báo.

Nhưng sau khi tham gia dự án của "Room to read", tôi tự trau dồi và đi học thêm về Sáng tác (Creative Writing), đã xuất bản được thêm 4 quyển sách tranh thiếu nhi nữa và đang hoàn thiện nhiều bản thảo khác.

Tôi cũng là biên tập viên của nhiều quyển sách thiếu nhi, không chỉ dừng lại ở câu chữ mà còn đồng hành các tác giả từ khâu lên ý tưởng, phát triển tình tiết…

Để trở thành tác giả sách thiếu nhi thì ngoài niềm yêu văn chương cần có tình yêu dành cho trẻ nhỏ và tâm huyết đối với giáo dục. May mắn tôi có cả ba, nhất là khi tôi cũng là đã mẹ của một bạn trẻ.

Tôi đang phát triển một dòng sách tâm lý cho trẻ em để không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh cũng có cơ hội hiểu các trạng thái cảm xúc của trẻ nhỏ, và học cách chấp nhận mọi cảm xúc, dù đó là tích cực hay tiêu cực. Một dòng sách khác cũng nằm trong kế hoạch của tôi là sức khỏe thường thức, nhắm đến việc chăm sóc cơ thể hàng ngày từ thiếu nhi đến người cao tuổi.

* Tôi hình dung Trương Mỹ Dung giống vị trí của một “người truyền vai”, gần như trường năng lượng bạn mang tới ở những lĩnh vực bạn dự phần đều rất sâu và sáng. Làm thế nào để luôn giữ được tâm thế như vậy?

Trương Mỹ Dung: Nếu chỉ nghe kể, phần lớn người nghe sẽ thấy tôi khá ôm đồm, sao mà làm nhiều thứ quá vậy? Nhưng nếu hiểu những chuyện tôi đã làm hơn 10 năm nay, thì thấy… cũng thường thôi! Từ việc làm dự án cộng đồng về sức khỏe, rồi tới đi dạy, rồi dự án văn hóa, lại thêm sáng tác cho thiếu nhi… mới nghe có vẻ không liên quan, nhưng điểm chung của những hoạt động, dự án đó là GIÁO DỤC.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, cả bên nội lẫn bên ngoại cho nên "máu làm thầy" đã ăn vào cốt tủy thì phải.

Thử nghĩ mà xem, dự án cộng đồng về sức khỏe là giáo dục truyền thông về sức khỏe, giúp mọi người tiếp cận thông tin đúng và đủ về bệnh, giúp hiểu rõ và nhận biết những thủ đoạn lừa đảo đánh vào nỗi sợ.

Đi dạy chữ thì đặc tính ngành giáo dục quá rõ rồi. Các dự án cộng đồng về văn hóa - lịch sử chủ yếu là để truyền cảm hứng và cung cấp thông tin bước đầu về văn hóa lịch sử nước nhà, để giúp người nghe có những trăn trở đầu tiên, rồi từ đó tìm hiểu sâu hơn và lần tới được sợi dây kết nối với xứ sở, cội nguồn. Suy rộng ra, thì đó cũng là giáo dục về lòng yêu nước thương nòi.

Viết truyện cho thiếu nhi đòi hỏi kiến thức và tâm trí. Sách là bạn của trẻ em mà, chúng ta là người lớn, sao để trẻ em làm bạn với những người bạn xấu được. Cho nên, hành trình viết sách thiếu nhi cũng là hành trình làm giáo dục với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Như vậy các dự án tôi làm đều có liên quan đến tôi, giúp tôi được là chính mình, nên tôi làm gì cũng lâu dài, bền bỉ và tràn đầy năng lượng. Bí quyết, nếu có, theo tôi, nó gói gọn trong ba chữ LÀ CHÍNH MÌNH.

*Cảm ơn Dung và chúc bạn luôn thành công với những dự án của mình!

Đọc và học là chính mình

Làm việc lâu năm trong ngành xuất bản, Trương Mỹ Dung nhận ra thị trường sách cho trẻ em ở Việt Nam có quá nhiều sách dịch và trao quá ít cơ hội cho tác giả và họa sĩ minh họa Việt Nam. Cũng từ một người đọc nhiều, cơ duyên đã đến khi dòng sách thiếu nhi xuất hiện tên gọi Nguyên Trang.

Trong 4 năm liên tục, từ 2016 đến 2019, Trương Mỹ Dung đã xuất bản 4 cuốn sách tranh thiếu nhi cùng “Room to Read” - một tổ chức phi chính phủ về giáo dục của Mỹ.

Các tác phẩm này được in và phát hành đến hơn 1.000 thư viện vùng sâu vùng xa trên cả nước, cũng như được dịch sang nhiều thứ tiếng. Năm 2020, Trương Mỹ Dung đoạt giải thưởng quốc tế Quạ trắng (White Ravens) cho quyển "Sớm mai" với bản dịch tiếng Myanmar.

THƯ QUÂN