Đức vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới
(QNO) - Các số liệu mới nhất cho thấy Nhật Bản đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm ngoái.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm lại
Trong khi nền kinh tế Nhật Bản quay trở lại mức tăng trưởng hằng năm với 1,2% trong quý IV/2023 sau khi sụt giảm mạnh vào mùa hè, các số liệu trong năm ngoái gần như chắc chắn cho thấy giá trị sản lượng của Nhật Bản thấp hơn Đức tính theo đồng USD.
Số liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Nhật Bản giảm xuống còn khoảng 4.200 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 6.300 tỷ USD vào năm 2012, phần lớn là do đồng tiền Nhật Bản trượt giá, từ mức dưới 80 yên đổi 1USD xuống còn khoảng 141 yên vào năm 2023.
Ông Hideo Kumano - nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life (Nhật Bản) cho biết yếu tố chính khiến tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Nhật Bản sụt giảm là do biến động tiền tệ.
"Nhật Bản giá rẻ đang làm cho nền kinh tế Nhật Bản trở nên nhỏ hơn" - ông Hideo Kumano nói.
Cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Nhật suy giảm bắt nguồn từ việc dân số Nhật Bản không chỉ giảm mà còn đang già đi.
Như vậy, Nhật Bản chính thức đánh mất vị trí của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, thay vào đó, nền kinh tế Đức từ vị trí thứ 4 thế giới vượt lên thay thế vị trí của Nhật Bản.
Tuy nhiên, vị trí của hai nền kinh tế Nhật Bản và Đức được cho sẽ không bền vững khi cả hai nước này đều đối phó tình trạng dân số già, thiếu hụt lao động, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất ô tô.
Ấn Độ - điểm sáng của kinh tế thế giới
Trong khi đó, nền kinh Ấn Độ (hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới) đang phát triển nhanh và có thể vượt qua Nhật Bản vào năm 2026 và Đức vào năm 2027.
Dự báo của S&P Global cho rằng kinh tế Ấn Độ có quy mô khoảng 7.300 tỷ USD vào năm 2030.
Dân số Ấn Độ chính thức vượt qua Trung Quốc vào năm 2023 và dự kiến duy trì mức tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới.
Với hơn 2/3 số người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ sản xuất nhiều hàng hóa hơn và thúc đẩy đổi mới công nghệ, trái ngược với nhiều quốc gia châu Á khác đang phải vật lộn với tình trạng dân số ngày càng giảm và già đi.
Ông Santanu Sengupta - chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs Research tại Ấn Độ nhận định: "Nhân khẩu học thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sử dụng lực lượng lao động một cách hiệu quả bằng cách tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động".
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang cung cấp các ưu đãi tài chính trị giá hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất trong nước và biến Ấn Độ thành trung tâm xuất khẩu toàn cầu.