Gìn giữ nếp nhà
Trao truyền, gìn giữ những giá trị truyền thống trong ngày Tết cổ truyền vẫn đang được cộng đồng người dân Tam Kỳ thực hiện...
Gia đình ông Phạm Hồng Quý (khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh) hơn 20 năm qua luôn duy trì phong tục tập họp cháu con cùng gói bánh dâng cúng ông bà tổ tiên trong ngày tết.
Em Lê Phạm Vân Hoa (cháu ngoại ông Phạm Hồng Quý) chia sẻ: “Tụi con được ông bà hướng dẫn cách gói bánh, rồi được nghe dì, cậu kể những câu chuyện về tết xưa, các chị em trong gia đình gặp lại nhau để kể những câu chuyện về việc học tập trong một năm qua. Gia đình rất đầm ấm và rộn ràng không khí tết”.
Hơn 20 năm qua, phong tục này trở thành nếp nhà của ông Quý. “Dâu, rể, con, cháu nhiều lúc bận công việc, học tập, nhưng gia đình vẫn cố gắng sắp xếp một ngày có đông đủ thành viên nhất để quây quần gói bánh, rồi cùng nhau ngồi bên bếp lửa, rôm rả những câu chuyện thường nhật trong năm qua. Qua đó, các thế hệ trong gia đình vì thế cũng gần gũi và hiểu nhau hơn” - ông Phạm Hồng Quý nói.
Dù hành trình mưu sinh có xa xôi, cách trở đến mấy, như một lẽ tự nhiên, mỗi dịp tết đến, quê hương luôn là nơi để trở về. Đây là lý do để năm nào, gia đình 4 thành viên của anh Nguyễn Văn Tỉnh (sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh) vẫn tranh thủ để đoàn viên cùng đại gia đình.
Hơn 27 năm qua, chưa tết năm nào anh và vợ con không có mặt ở Tam Kỳ. Về quê ăn tết, với anh Tỉnh là để được thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, đắm mình trong niềm vui sum vầy ngày tết cùng những người thân yêu.
“Tết là đoàn viên, sum vầy cùng gia đình sau một năm bươn chải nơi đất khách quê người, và cũng là dịp để các con quay về nguồn cội, gắn bó với mảnh đất quê hương” - anh Nguyễn Văn Tỉnh (thôn Ngọc Bích, xã Tam Ngọc, TP. Tam Kỳ) chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tứ (mẹ anh Tỉnh) tâm sự: “Nhìn đại gia đình quây quần trong ngày tết, con cháu mỗi đứa một tay phụ giúp dọn mâm bày cúng ông bà tổ tiên, đối với tôi không có niềm hạnh phúc nào lớn bằng. Tuổi già không mong ước điều gì hơn ngoài việc con cháu luôn mạnh khỏe, biết quý trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống của gia đình”.
Nhịp sống hiện đại, Tết cổ truyền cũng có nhiều thay đổi, sẽ có những giá trị mới xuất hiện để hợp thời hơn. Nhưng những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay vẫn bất biến với thời gian và được thế hệ sau nối tiếp lớp người đi trước giữ gìn. Bởi, đó là linh hồn, là bản sắc văn hóa của dân tộc.