Thu hồi và lưu trữ các-bon xuyên biên giới
(QNO) - Thu hồi và lưu trữ các-bon đi-ô-xít (CO2) xuyên biên giới là một giải pháp mới nổi ở châu Á nhằm giảm phát thải, góp phần vì hành tinh xanh.
Singapore vừa trở thành quốc gia đầu tiên ký Ý định thư (LOI) với Indonesia về hợp tác xuyên biên giới trong việc thu và lưu trữ các-bon đi-ô-xít (CCS).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Singapore - ông Keith Tan cho biết: "Với việc ký kết LOI này, Singapore và Indonesia có thể trở thành người mở đường thúc đẩy triển khai các dự án CCS xuyên biên giới ở Đông Nam Á".
Tháng 1/2024, Indonesia - quốc gia nhận thấy tiềm năng phát triển ngành khí tự nhiên thượng nguồn và CCS như một phần của quá trình chuyển đổi toàn cầu sang nhiên liệu xanh hơn, ban hành quy định CCS cho phép lưu trữ 30% CO2 từ nước ngoài.
Theo quy định, các nhà thầu dầu khí có thể sử dụng các hồ chứa hoặc tầng ngậm nước cạn kiệt cho các hoạt động CCS mà Chính phủ Indonesia cho biết có khả năng lưu trữ hơn 400 tỷ tấn CO2. Indonesia sẽ thu phí lưu trữ đó.
CCS là quá trình thu giữ, vận chuyển và lưu trữ CO2 được tạo ra dưới dạng sản phẩm phụ từ các hoạt động khác như sản xuất điện.
Lượng CO2 thu giữ đó sẽ không thải vào khí quyển, tạo ra con đường khử CO2 từ các lĩnh vực khó giảm thiểu như năng lượng, hóa chất và điện.
Indonesia có tham vọng trở thành trung tâm lưu trữ CO2 trong khu vực. Hiện Indonesia có 15 dự án CCS đang ở các giai đoạn khác nhau với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD.
Trong khi đó, Singapore với mục tiêu đạt lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang xem xét khám phá các con đường công nghệ CO2 thấp như hydro và CCS như một phần của bộ biện pháp giảm thiểu phát thải.
Là một phần trong kế hoạch "Đảo Jurong bền vững" công bố vào tháng 11/2021, Singapore đặt mục tiêu thu giữ 2 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030 và 6 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050.
Như vậy, Singapore và Indonesia sẽ thành lập một nhóm làm việc để tìm kiếm thỏa thuận song phương mang tính ràng buộc pháp lý về vận chuyển và lưu trữ CO2 xuyên biên giới.
Ông Jodi Mahardi - Thứ trưởng Điều phối năng lượng và chủ quyền hàng hải Indonesia cho rằng, việc ký kết LOI về CCS là cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Indonesia và Singapore hướng tới phát triển bền vững và quản lý môi trường.
Tương tự, ông Keith Tan nói: "CCS xuyên biên giới là một giải pháp mới nổi ở châu Á và hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Singapore hướng tới một tương lai CO2 thấp".
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, các cơ sở sử dụng và lưu trữ CO2 toàn cầu sẽ phải tăng công suất lên khoảng 1 tỷ mỗi năm vào năm 2030 và 6 tỷ tấn vào năm 2050 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ước tính có khoảng 40 triệu tấn CO2 được thu giữ và lưu trữ trên thế giới vào năm 2022.