Chuyện đầu tuần

"Xuân mang niềm tin tới..."

HÀ QUANG 19/02/2024 07:15

Sau kỳ nghỉ tết ở quê, những ngày qua, nhiều người hối hả trở lại quê hương thứ hai của mình, mang theo mùa xuân đi muôn ngả. Cuộc “xuân vận” không diễn ra rầm rộ nhưng vẫn nhiều cảm xúc và chan chứa niềm tin, hy vọng...

Đến gần 10 năm tôi mới gặp lại Phúc - một đứa em đồng hương và đồng môn. Hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường Đại học Đà Lạt, Phúc xuống TP.Hồ Chí Minh, nơi được xem là vùng đất hứa với những người năng động như Phúc.

Bây giờ gặp lại, em cho biết dù vẫn ở nhà thuê và phải bươn chải, đối mặt với sự nóng nguội của thị trường, nhưng công việc kinh doanh của mình tương đối ổn định. Phúc vẫn giữ niềm tin rằng, mình đang sống được ở đất Sài Gòn, chứ không phải cố “tồn tại” và em đang ấp ủ nhiều dự định trong năm mới tại mảnh đất này.

Phúc rời quê vào hôm qua sau kỳ nghỉ tết. Cũng như nhiều người khác, cuộc chia tay gia đình, người thân đầy ắp lưu luyến với xúc cảm của một người xa xứ, nhưng không quá não nề, bởi thường trực niềm tin sẽ sớm gặp lại.

Giờ đây hạ tầng, phương tiện phát triển mạnh, đã rút ngắn khoảng cách của người xa quê, nếu không quá bận bịu với công việc, chỉ cần dành dụm một chút là mỗi người có thể về quê bất cứ lúc nào.

Đây cũng được xem là động lực của lao động tha hương; và đã giải quyết được những rào cản trong tâm lý của người lao động để họ có thể lựa chọn nơi chốn, môi trường làm việc phù hợp.

Lực lượng lao động xa quê giờ đây trở thành nguồn động lực to lớn cho nhiều địa phương của Quảng Nam, nhất là ở vùng nông thôn khi kinh tế nông nghiệp đang èo uột, bấp bênh và dành chủ yếu cho người già. Không ít gia đình nông thôn đã “sống khỏe” nhờ vào nguồn hỗ trợ từ con em lao động khắp nơi gửi về.

Xét ở góc độ nào đó, đây cũng là một nguồn “ngoại hối” đáng kể, bù đắp vào khoản chênh lệch thu chi khi chi phí đời sống với nhiều gia đình đang trở thành áp lực.

Còn nhớ những năm dịch bệnh hoành hành hay tình hình kinh tế sa sút, lao động nhiều nơi mất việc, kinh tế không ít gia đình bỗng chốc lâm vào khó khăn. Vì vậy công cuộc thoát nghèo và tái nghèo với nhiều gia đình, giờ đây đã có bóng dáng rõ nét của người lao động xa xứ.

Không hiểu sao tôi rất thích quan sát cảm nhận của những người xa quê, nhất là về sự đổi thay của nơi mà họ sinh ra. Có lẽ cảm nhận của họ cũng là một loại hàn thử biểu để đo nhịp điệu đời sống của quê xứ với những kết quả mới mẻ, thú vị hơn so với người thường trú.

Bởi có thể họ đã có “tư liệu nền” từ ký ức, từ quá khứ, cộng với góc nhìn đã được trải nghiệm từ nơi họ đang sống, nên cảm nhận dễ chân thực và sống động.

Ngay chuyện rất thời sự trong dịp tết như tình trạng lạm dụng pháo hoa, việc kiểm soát rốt ráo nồng độ cồn khi tham gia giao thông hay đơn giản như cấm chơi trò bầu cua trong ba ngày tết..., cũng được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh tích cực.

Xa hơn, với những câu chuyện dài hơi trong quá trình xây dựng chính quyền phục vụ như cải cách hành chính, thu hút đầu tư, thủ tục đất đai, an sinh xã hội..., ý kiến của người xa xứ dường như đã chân thành và mang yếu tố xây dựng hơn. Đó có thể là những tín hiệu đến từ niềm tin, rằng tất cả vì lợi ích của chính họ.

Những chuyển động được xem là mới mẻ, nếu bắt đầu từ niềm tin, sẽ dễ dẫn đến những kết quả tích cực, bền vững. Một người đã đủ niềm tin từ những điều mình quan sát được trong xã hội, cũng dễ có được nguồn năng lượng tích cực để bắt đầu mỗi hoạt động.

Còn mùa xuân, là lúc bắt đầu lại mọi thứ với vẻ tươi mới hơn. Xuân đang ở đây, ở mọi nơi và đang tỏa đi nhiều ngả đường trong tiết trời ấm áp, dịu nhẹ. Xuân đang mang niềm tin tới...

HÀ QUANG