Cuộc sống thường ngày

Hiểm họa từ sản phẩm chế theo... internet

LÊ QUÂN 19/02/2024 09:30

Hầu hết các vụ tai nạn pháo nổ trong dịp tết vừa qua nạn nhân đều là học sinh. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do các em tự chế tạo pháo theo hướng dẫn từ clip trên mạng Internet.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2024-1-30-155556-_anh-3-1.png

Thông tin từ Sở Y tế, dịp nghỉ Tết Giáp Thìn vừa qua, toàn tỉnh có 16 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại. Con số này cao hơn 8 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Ông Nguyễn Tải - Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) cho biết, có 2 trường hợp khá nặng trú tại huyện Duy Xuyên được cấp cứu tại BV ngay trong dịp tết với tình trạng toàn thân bị bỏng cháy, tụt da vùng tứ chi, vùng mặt, chấn thương nặng nhiều vùng.

Phiên trực đã tiến hành khẩn trương xử trí cấp cứu hồi sức và chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để được điều trị tiếp. Được biết, trong số 2 nạn nhân này đã có em tử vong ngay dịp tết.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cũng cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn thương tích do pháo tự chế.

Đại diện Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - bỏng và phục hồi chức năng (BV Đa khoa Quảng Nam) cho biết, pháo tự chế lẫn vật liệu nổ tự chế dễ gây thương tích nặng, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế.

Đặc biệt, tai nạn thương tích lại dễ xảy ra với đối tượng là trẻ em, học sinh khi các em không nắm được những quy tắc an toàn, dễ dẫn đến tai nạn bất cứ lúc nào.

Đại diện Sở Y tế cho biết, trong dịp nghỉ Tết Giáp Thìn, toàn tỉnh có tổng cộng 627 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT), tăng 17,6 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão năm 2023.

Số trường hợp phải nhập viện là 116 trường hợp, tăng 4 ca so với Tết Quý Mão 2023. Dịp tết, Quảng Nam chưa ghi nhận xuất hiện vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Thông tin từ Bộ Y tế, trong tuần lễ nghỉ Tết Giáp Thìn (từ ngày 7 đến 14/2), các cơ sở y tế trên cả nước đã tiếp nhận 400 nghìn lượt người bệnh đến khám, điều trị so với Tết Quý Mão. Trong đó, riêng số trường hợp tai nạn do pháo nổ, chất nổ tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023…

Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ tai nạn nghiêm trọng khi sử dụng pháo nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn rất chủ quan khi sử dụng pháo không đúng quy chuẩn, quy định.

Đặc biệt, với lứa tuổi học sinh, việc tiếp cận với các clip hướng dẫn từ internet cho đến dễ dàng đặt mua các nguyên vật liệu chế tạo... khiến nguy cơ xảy ra tai nạn càng nhiều hơn.

Trên các trang mạng xã hội, các loại hóa chất và vật liệu để chế tạo pháo nổ được rao bán tràn lan. Ngoài những bài đăng về cách chế tạo pháo nổ, còn có rất nhiều bài đăng rao bán hóa chất để quấn pháo.

Bác sĩ Nguyễn Tam Thăng - Phó Giám đốc BV Đa khoa Quảng Nam cho biết, tai nạn do pháo nổ, nhiều học sinh còn gặp tai nạn do chế tạo các sản phẩm từ pin hoặc các vật liệu độc hại.

Năm 2021, một học sinh lớp 6 tại huyện Tiên Phước muốn chế tạo chiếc xe điều khiển từ các viên pin đã qua sử dụng của gia đình. Tuy nhiên, mới dùng sợi dây thép nối vào 2 đầu nguồn âm dương, viên pin bất ngờ phát nổ.

Ngay sau đó em học sinh này được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã được cấp cứu, chữa trị nhưng đã để lại di chứng ở hai bàn tay khá nặng.

Hiện nay, nhiều nhà trường từ THCS đến THPT phát động các cuộc thi sáng kiến khoa học, hay tái chế từ các phế phẩm. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, nhà trường nên khuyến cáo và giới hạn vật liệu sử dụng cho học sinh.

Nhằm tránh những tai nạn do tự chế pháo cũng như các sản phẩm gây nổ, các bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường nhắc nhở, giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm từ những vật liệu có thể gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong. Cạnh đó, gia đình cần giám sát trẻ sử dụng internet để tránh những sự cố đáng tiếc...

LÊ QUÂN